10 dấu hiệu cảnh báo trẻ ngưng thở khi ngủ Leave a comment

Trẻ thường xuyên ngủ ngáy, thở bằng miệng, nghiến răng, đổ mồ hôi đêm, đái dầm… có thể do ngưng thở khi ngủ và nên thăm khám bác sĩ.

Theo tờ Very Well Health (Mỹ), trẻ em thường ít bị chứng ngưng thở khi ngủ. Tuy nhiên, ngày càng nhiều trẻ em bị thiếu ngủ hoặc có các dấu hiệu về rối loạn giấc ngủ được chẩn đoán ngưng thở khi ngủ. Nếu không được điều trị kịp thời, chứng ngưng thở khi ngủ có thể gây ra những hậu quả đáng kể đối với sự phát triển, thể chất và hành vi của trẻ. Dưới đây là một số dấu hiệu cho thấy trẻ có thể gặp tình trạng này.

Ngáy

Trẻ em thường không ngủ ngáy kinh niên. Thỉnh thoảng ngáy xảy ra với trẻ khi mắc các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp trên như cảm lạnh thông thường nhưng không thường xuyên. Ngáy thường xảy ra cùng với chứng ngưng thở khi ngủ và nếu con bạn ngủ ngáy thì nên kiểm tra. Các nguyên nhân khác của chứng ngủ ngáy bao gồm dị ứng, amidan mở rộng (phì đại) và đều có thể điều trị được. Ngủ ngáy mạn tính ở trẻ là một dấu hiệu bất thường và cần thăm khám với bác sĩ tai mũi họng.

Thở bằng miệng

Thở bằng miệng có thể là một dấu hiệu khác của chứng ngưng thở khi ngủ ở trẻ em. Nếu mũi bị tắc nghẽn mạn tính vì bất kỳ lý do gì, thở bằng miệng có thể xảy ra. Trường hợp không được điều trị, thở bằng miệng có thể thúc đẩy sự phát triển của chứng ngưng thở khi ngủ.

Khi thở bằng miệng, các cơ hàm giãn ra có dẫn đến khuôn mặt dài ra theo thời gian. Nó cũng có thể góp phần khiến lưỡi và các cơ khác của miệng, cổ họng yếu ớt. Do đó, ngáy và ngưng thở khi ngủ có thể xảy ra ở những người thở bằng miệng nhiều hơn những người thở bình thường.

Nghiến răng

Nghiến răng có thể gây khó chịu, nhất là ở trẻ em. Tuy nhiên, nó cũng là một dấu hiệu ít được biết đến của chứng ngưng thở khi ngủ. Chứng ngưng thở khi ngủ thường xảy ra khi các mô mềm ở phía sau cổ họng chặn đường thở. Dụng cụ bảo vệ răng miệng có thể giúp ngăn ngừa tổn thương răng. Điều trị chứng ngưng thở khi ngủ thường có thể giải quyết những triệu chứng này. Tổn thương răng hàm và tăng trương lực cơ hàm là hai dấu hiệu thường thấy ở trẻ em và người lớn bị ngưng thở khi ngủ.

Đổ mồ hôi

Trẻ thường xuyên thức dậy ướt đẫm mồ hôi là điều không bình thường trừ khi bị sốt. Nếu đồ ngủ, ga trải giường hoặc chăn bị ướt đẫm vào buổi sáng có thể là dấu hiệu cho thấy con bạn khó thở trong khi ngủ. Ngưng thở khi ngủ có liên quan đến việc giảm nồng độ oxy, tăng huyết áp và nhịp tim, đồng thời tăng hormone căng thẳng cortisol. Khi điều này xảy ra trong khi ngủ thì đổ mồ hôi nhiều rất phổ biến.

Giấc ngủ không bình yên

Trẻ thường xuyên có những giấc ngủ không bình yên, bồn chồn và dai dẳng trong khi ngủ. Khó thở cũng như chứng ngưng thở khi ngủ có thể biểu hiện bằng các cử động quá mức trong khi ngủ. Đây thường là dấu hiệu đầu tiên của chứng ngưng thở khi ngủ ở trẻ nhỏ mà răng chưa phát triển đầy đủ. Trẻ bị ngưng thở khi ngủ thường ngủ ở những tư thế khác thường. Khi con gặp những tình trạng này, cha mẹ nên đưa con thăm khám bác sĩ.

Ngủ trưa quá nhiều

Ở một số thời điểm trong quá trình phát triển, trẻ không ngủ trưa là điều bình thường. Tuy nhiên, trẻ thường xuyên mệt mỏi và ngủ trưa quá nhiều có thể là nguyên nhân do trẻ không có giấc ngủ ngon do chứng ngưng thở khi ngủ. Trẻ sơ sinh thường có 2-3 giấc ngủ ngắn vào ban ngày, kéo dài từ 30 phút đến hai giờ. Từ 6-12 tháng tuổi, trẻ thường sẽ ngủ hai giấc mỗi ngày, kéo dài từ 20 phút đến vài giờ. Ở độ tuổi đi học, trẻ đòi ngủ trưa ban ngày có thể là điều bất thường, trừ khi con bị thiếu ngủ.





Trẻ ngủ ngáy

Trẻ ngủ trưa quá nhiều có thể do mệt mỏi của chứng ngưng thở khi ngủ về đêm. Ảnh: Freepik

Đái dầm

Trẻ em thường đái dầm vào ban đêm nhưng nó xảy ra hai lần một tuần sau khi trẻ 5 tuổi là điều bất thường. Đái dầm khi ngủ thường ảnh hưởng đến 3-30% trẻ em trong độ tuổi 4-12. Mặc dù đái dầm khi ngủ có thể do nhiễm trùng, căng thẳng hoặc các bệnh lý khác nhưng cũng có thể là dấu hiệu của chứng ngưng thở khi ngủ. Ngưng thở khi ngủ được cho là nguyên nhân gây ra sự mất cân bằng hóa học trong não dẫn đến chứng đái dầm không chỉ ở trẻ em mà cả người lớn. Thở áp lực dương liên tục (CPAP) là một trong những phương pháp được sử dụng để hỗ trợ điều trị chứng ngưng thở khi ngủ.

Mộng du

Mộng du có thể ảnh hưởng đến khoảng 20-30% trẻ em ít nhất một lần trong độ tuổi 3-10. Mộng du thường xảy ra nhiều ở khoảng năm tuổi và ít thường xuyên ở tuổi vị thành niên. Mộng du là liên quan đến các rối loạn kích thích bất thường và chứng ngưng thở khi ngủ được cho là một yếu tố góp phần gây mộng du. Theo một đánh giá năm 2018 về các nghiên cứu trên tạp chí Frontiers of Psychology, trẻ em và người lớn mắc chứng ngưng thở khi ngủ có nhiều khả năng bị mộng du hơn những người không mắc chứng mộng du.

Các vấn đề về tăng trưởng

Cân nặng và chiều cao của trẻ có thể theo dõi trên biểu đồ tăng trưởng. Trẻ bị ngưng thở khi ngủ thường thấp bé bất thường hơn so với lứa tuổi. Sự gián đoạn của giấc ngủ sóng chậm (giấc ngủ sâu) được cho là nguyên nhân. Trong khi ngủ, hormone tăng trưởng (GH) được tiết ra, giúp phát triển xương và cơ bắp. Khi giấc ngủ sâu bị gián đoạn mạn tính, trẻ có thể bị thiếu GH, dẫn đến suy giảm khả năng tăng trưởng. Điều trị chứng ngưng thở khi ngủ có thể đảo ngược tình trạng này và khôi phục lại quỹ đạo tăng trưởng của trẻ.

Rối loạn tăng động giảm chú ý

Rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD) là một chẩn đoán khá phổ biến ở trẻ em. Chứng ngưng thở khi ngủ có thể là một trong những yếu tố góp phần phổ biến hơn, theo một nghiên cứu năm 2018 từ Đức. 15
Không giống như người lớn thiếu ngủ thường cảm thấy mệt mỏi vào ban ngày, trẻ em bị thiếu ngủ sẽ có các hành vi hiếu động quá mức, hung hăng, mất tập trung và khó kiểm soát sự tức giận. Ngưng thở khi ngủ là tình trạng thường bị bỏ qua ở trẻ rối loạn tăng động giảm chú ý, dẫn đến chẩn đoán sai và điều trị không phù hợp.

Kim Uyên
(Theo Very Well Health)

Trả lời