10 thói quen gây sỏi thận cần tránh Leave a comment

Tránh xa 10 thói quen xấu dưới đây giúp ngăn ngừa nguy cơ bị sỏi thận và các biến chứng nguy hiểm như viêm đường tiết niệu, viêm đài bể thận, ứ nước…

Theo Bác sĩ Chuyên khoa I Phan Trường Nam, Trung tâm Tiết niệu thận học, BVĐK Tâm Anh TP.HCM, sỏi thận là sự kết tinh của các tinh thể vô cơ có trong nước tiểu. Biểu hiện thường gặp là đau, buồn nôn, nôn, tiểu máu, sốt cao khi bị nhiễm trùng thứ phát. Nguyên nhân gây sỏi thận rất đa dạng, nhưng phần lớn là do thói quen sinh hoạt thiếu khoa học.

Sỏi thận là một trong những bệnh lý rất phổ biến, nhất là ở khu vực Đông Nam Á. Ngoài những nguyên nhân bất thường về giải phẫu học hoặc các bệnh lý nguy hiểm, hầu hết bệnh có thể được dự phòng hoặc giảm nhẹ bằng cách thay đổi lối sống, thói quen ăn uống… để tăng cường sức khỏe hệ tiết niệu. Việc thay đổi thói quen từ sớm có ý nghĩa rất quan trọng trong đề phòng sỏi thận và các biến chứng nguy hiểm của đường tiết niệu do sỏi thận gây ra.

Nhịn uống nước

Nước có vai trò rất quan trọng trong việc vận chuyển chất dinh dưỡng, oxy để nuôi dưỡng tế bào, chuyển hóa thức ăn thành năng lượng cho cơ thể hoạt động… Vai trò quan trọng khác của nước là thanh lọc độc tố do cơ thể thải ra qua cách bài tiết nước tiểu.

Do đó, muốn tránh sỏi thận cần phải cung cấp đủ nước để làm loãng nước tiểu, hòa tan các loại muối khoáng. Nhu cầu nước trung bình của mỗi người là 40ml/kg cân nặng. Tuy nhiên, tùy theo tần suất vận động, đặc thù công việc hay môi trường sống mà bổ sung nước cho phù hợp. Nếu cơ thể đủ nước, dấu hiệu dễ nhận biết nhất là nước tiểu trong, màu vàng nhạt.





Nước có vai trò rất quan trọng trong việc ngăn ngừa sỏi thận. Ảnh: Shutterstock

Nước có vai trò rất quan trọng trong việc ngăn ngừa sỏi thận. Ảnh: Shutterstock

Để thoát nhiều mồ hôi

Xông hơi hay tập thể dục cường độ cao mang đến cảm giác thoải mái và tốt cho cơ xương khớp. Nhưng trên thực tế lại có thể làm tăng nguy cơ sỏi thận. Bởi tình trạng mất nước do đổ mồ hôi dẫn đến việc sản xuất nước tiểu ít hơn. Càng đổ nhiều mồ hôi sẽ càng đi tiểu ít. Đây là điều kiện cho các khoáng chất gây sỏi lắng xuống và kết tụ trong thận và đường tiết niệu.

Giải pháp tốt nhất có thể áp dụng để tránh sỏi thận là uống nhiều nước để đi tiểu nhiều. Bên cạnh đó, nên đảm bảo giữ đủ nước cho cơ thể, nhất là khi tập thể dục hoặc tham gia các hoạt động ra nhiều mồ hôi.

Nhịn tiểu

Áp lực công việc, ít uống nước, ngại đi lại… khiến nhiều người có thói quen nhịn tiểu. Đây là nguyên nhân làm tăng áp suất nước tiểu dẫn đến sỏi thận, tiểu không tự chủ và thậm chí có thể dẫn đến suy thận.

Quá trình đào thải nước tiểu giúp loại bỏ lượng nước thải dư thừa và các độc tố ra ngoài cơ thể. Việc nhịn tiểu làm cho chất độc lắng lại nhiều hơn, lâu hơn trong đường tiết niệu. Theo các chuyên gia tiết niệu, mỗi người nên thường xuyên đi tiểu để giảm áp lực cho bàng quang, khoảng 1-2 giờ/lần. Không nên nhịn tiểu quá lâu, nhất là trên 3 giờ, để bảo vệ các cơ quan đường tiết niệu và tránh nguy cơ sỏi thận.

Ăn nhiều muối

Chế độ ăn nhiều muối làm tăng nguy cơ bị sỏi thận. Muối trong nước tiểu quá nhiều sẽ ngăn cản canxi tái hấp thu từ nước tiểu vào máu. Nồng độ canxi trong nước tiểu càng cao, càng dễ dẫn đến sỏi thận.

Để giảm lượng muối nạp vào cơ thể, nên tránh xa các thực phẩm đóng hộp, thức ăn nhanh, thực phẩm chứa nhiều baking soda…





Ăn nhiều muối sẽ làm cho nồng độ canxi trong nước tiểu tăng, dễ gây sỏi thân. Ảnh: Shutterstock

Ăn nhiều muối sẽ làm cho nồng độ canxi trong nước tiểu tăng, dễ gây sỏi thân. Ảnh: Shutterstock

Loại canxi ra khỏi thực đơn

Sỏi canxi oxalat chiếm đa số các trường hợp sỏi thận. Do đó, nhiều người loại bỏ thức ăn giàu canxi ra khỏi thực đơn. Mặt trái của việc này không chỉ làm tăng nguy cơ loãng xương mà còn có thể gây sỏi thận.

Để có thể thu nạp nguồn canxi tốt, ít gây lắng đọng dẫn đến sỏi thận, nên chọn sữa tách béo, phô mai và sữa chua ít béo, tăng cường một số loại rau xanh giàu canxi như cải xoăn, rau bina… Ngoài ra, dùng kèm thực phẩm giàu oxalat trong bữa ăn cũng có thể giúp giảm nguy cơ tạo sỏi trong đường tiết niệu

Loại trừ oxalate

Tương tự như canxi, quan niệm sai lầm phổ biến là cắt hoàn toàn thực phẩm giàu oxalat trong chế độ ăn uống hàng ngày để ngừa sỏi canxi oxalat. Tuy nhiên, hầu hết sỏi thận được hình thành khi oxalat liên kết với canxi có trong nước tiểu.

Nếu ăn uống các thực phẩm giàu canxi và oxalat trong bữa ăn sẽ giúp hai thành phần này liên kết với nhau trong dạ dày và ruột trước khi thận bắt đầu xử lý, ít có khả năng hình thành sỏi thận.

Ăn nhiều đạm động vật

Thực phẩm giàu đạm động vật có tính axit cao, dẫn đến tăng nồng độ axit trong nước tiểu. Môi trường nước tiểu giàu axit có thể gây ra các loại sỏi axit uric và canxi oxalat. Nhóm thực phẩm chứa nhiều đạm động vật mọi người nên hạn chế ăn quá thường xuyên là thịt bò, thịt gia cầm, thịt lợn…

Uống nhiều vitamin D

Bổ sung vitamin D là cần thiết cho một số người có lượng vitamin D thấp hoặc thiếu canxi. Nhưng dùng quá nhiều vitamin D cũng gây hại cho sức khỏe, điển hình là làm tăng nguy cơ tạo sỏi.

Ngoài ra, các loại thuốc lợi tiểu cũng là nguyên nhân khiến nước tiểu bài tiết nhiều, gây sỏi thận. Nhiều trường hợp dùng thuốc sai cách còn dẫn đến suy thận.

Tự ý bổ sung vitamin C

Bổ sung vitamin C (axit ascorbic) có thể gây sỏi thận, đặc biệt là ở nam giới. Theo một nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Nội khoa JAMA năm 2013, những người đàn ông bổ sung vitamin C liều cao sẽ có nguy cơ bị sỏi thận gấp đôi người khác. Vitamin C tự nhiên có trong thực phẩm sẽ an toàn hơn.

Uống trà, cà phê thay nước

Trà, cà phê, soda… là những thức uống quen thuộc. Nhiều người không uống nước lọc vì cho rằng đã nạp đủ nước. Đây là thói quen không tốt cho sức khỏe và dễ gây sỏi thận.

Trà chứa nhiều oxalat, cà phê chứa nhiều caffeine… đây là những hóa chất dễ tạo sỏi đường tiết niệu, nhất là khi sử dụng quá thường xuyên. Do đó, bác sĩ Trường Nam khuyến cáo mỗi người nên uống đủ nước mỗi ngày, chủ yếu là nước lọc và các loại nước có nguồn gốc tự nhiên như nước cam, nước chanh…

Hân Thái

Trả lời

1.4728