10 vị thuốc lợi tiểu tự nhiên Leave a comment

Nhiều loại cây, hoa trái như đỗ đen, atiso, mía… là những vị thuốc lợi tiểu tự nhiên, dễ kiếm, dễ sử dụng, có lợi cho sức khỏe.

Thạc sĩ, Dược sĩ Trần Đăng Trình, Trưởng khoa Dược Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết, thuốc lợi tiểu có tác dụng gia tăng lượng nước tiểu, giúp cơ thể đào thải các chất lỏng dư thừa gồm nước và muối. Khi lượng nước dư thừa không được đào thải đúng cách có thể dẫn tới tình trạng giữ nước, gây ra một số tình trạng về sức khỏe. Một số biểu hiện dễ thấy là sưng phù, chủ yếu ở các khu vực như bàn tay, bàn chân, mắt cá chân. Tình trạng này cũng liên quan những vấn đề sức khỏe tiềm ẩn nghiêm trọng khác như suy tim, suy thận… Một số trường hợp bị tích tụ nước nhẹ do rối loạn chu kỳ kinh nguyệt, thay đổi nội tiết tố, không vận động sau một thời gian dài. Nếu cơ thể giữ nước quá nhiều, người bệnh nên đi đến bệnh viện để được chẩn đoán, có biện pháp can thiệp kịp thời, ngăn ngừa biến chứng nguy hiểm.

Với các trường hợp giữ nước nhẹ không liên quan tới bất kỳ vấn đề sức khỏe nghiêm trọng nào, theo dược sĩ Đăng Trình, người dân có thể bổ sung một số loại thảo mộc theo Đông y để cải thiện tình trạng này. Tuy nhiên, trước khi dùng, vẫn nên tham khảo ý kiến bác sĩ, đặc biệt là khi đang dùng song song với các thuốc trị bệnh khác.

Những vị thuốc lợi tiểu tự nhiên bao gồm:

Đậu đen

Đậu đen là cây thân cỏ mọc hằng năm, toàn thân không có lông. Ngoài công dụng làm thực phẩm (nấu chè, xôi), hạt đậu đen còn được dùng trong đông y để chế thuốc như nấu với hà thủ ô, làm cho vị thuốc có màu đen. Các vị thuốc chế với đậu đen có tác dụng bổ thận thủy. Những người ăn chè đậu đen thường có nước tiểu trong và nhiều hơn. Mỗi ngày có thể dùng 20 – 40g đậu đen.

Atiso

Atiso trên thân và lá có lông trắng. Lá mọc to, phiến lá khía sâu, có gai. Cây được trồng nhiều ở Đà Lạt, Sapa và Tam Đảo. Lá được hái vào lúc cây sắp hoặc đang ra hoa, rọc bỏ sống lá, sấy hoặc phơi khô.

Theo Đông y, uống atiso giúp tăng lượng nước tiểu, tăng lượng urê trong nước tiểu, giảm hằng số Ambard, lượng cholesterol và urê trong máu cũng hạ thấp. Vị thuốc này rất tốt cho người yếu gan và thận, viêm thận cấp tính. Đơn thuốc lợi tiểu có atiso: lá tươi và khô dùng dưới hình thức thuốc sắc 5 – 10% hoặc cao lỏng 2 – 10g/ngày.





Uống atiso giúp tăng lượng nước tiểu, tăng lượng urê trong nước tiểu. Ảnh: Shutterstock

Uống atiso giúp tăng lượng nước tiểu, tăng lượng urê trong nước tiểu. Ảnh: Shutterstock

Mía

Mía là loại cỏ sống dai, thân yếu, thân rễ và mọc trên mặt đất cao 2 – 5m. Mía được trồng ở các tỉnh miền Trung như Quảng Nam, Quảng Ngãi… và miền Bắc ở các tỉnh Hà Tây, Hòa Bình, Vĩnh Phúc.

Nước mía có tác dụng tiêu đờm, hết khát, lợi tiểu. Đơn thuốc lợi tiểu có mía: Nước mía 7 chén, nước gừng 1 chén.

Râu bắp (ngô)

Râu bắp là vòi, núm phơi khô của hoa cây bắp đã già và cho bắp. Râu bắp được hái khi thu hoạch bắp.

Dược sĩ Trình cho biết, theo Đông y, râu bắp được dùng làm thuốc lợi tiểu, dùng trong các bệnh về tim, đau thận, tê thấp, sỏi thận. Vị thuốc này thường dùng dưới hình thức pha hoặc nấu sôi. Mỗi ngày uống 10g – 20g râu bắp. Đơn thuốc lợi tiểu có râu bắp: 10g râu bắp cắt nhỏ và cho vào 1 chén nước (200ml) rồi đun sôi, để nguội và uống, cứ 3 – 4 giờ uống 1 – 3 muỗng.

Bạn có thể chế thành cao lỏng, đóng thành lọ 20g. Mỗi ngày dùng 2 – 3 lần, mỗi lần 30 – 40 giọt trước bữa ăn.





Râu ngô được dùng làm thuốc thông tiểu tiện. Ảnh: Shutterstock

Râu ngô được dùng làm thuốc thông tiểu tiện. Ảnh: Shutterstock

Dưa leo

Dưa leo (dưa chuột) là loại cây mọc bò, toàn thân có lông. Cây được trồng ở khắp có các tỉnh Việt Nam. Quả dưa leo có vị ngọt, tính hàn, có tác dụng thanh nhiệt, giải phiền, lợi thủy đạo (tiêu nước). Lá dưa leo có vị đắng, tính bình, hơi có độc, giã nát, vắt lấy nước uống vào nôn ra.

Dưa leo là món ăn mát và lợi tiểu. Đơn thuốc lợi tiểu có dưa leo: lấy một quả dưa leo già chín, loại bỏ hạt, thêm một ít dấm chua, nấu chín nhừ, nên ăn lúc đói.

Cây sương sáo

Sương sáo là cây mọc dại, trồng nhiều ở An Giang hay Hậu Giang, để làm thuốc, dùng uống cho mát. Cách chế biến sương sáo: thân lá sương sáo xay thành bột, thêm nước vào nấu kỹ, lọc lấy nước. Thêm ít bột sắn hoặc bột gạo vào nấu cho sôi, để nguội keo lại. Khi ăn, thái miếng sương sáo cho vào nước đường, nhỏ nước thơm.

Thốt nốt

Thốt nốt là cây thân cột, chia thành từng khoanh, có thể dẹt, đầu có một lỗ thủng. Cây được trồng phổ biến ở miền Nam, nhất khu vực từ Tây Ninh đến Đồng Tháp, Kiên Giang. Những bộ phận được làm thuốc gồm cuống cụm hoa, đường thốt nốt (dịch chảy từ cụm hoa, cây non, rễ).

Cuống cụm hoa thường dùng làm thuốc lợi tiểu. Đơn thuốc lợi tiểu có thốt nốt: cắt cuống cụm hoa thành từng miếng nhỏ, thêm 600ml nước. Đun sôi, giữ sôi khoảng 15 phút, chia nhiều lần uống trong ngày.

Mã đề

Mã đề là loại cỏ sống lâu năm, thân ngắn, lá mọc thành cụm ở gốc, cuống dài, phiến lá hình thìa hoặc hình trứng, có gân dọc theo sống lá và đồng quy ở ngọn và gốc lá. Mã đề mọc hoang và được trồng nhiều tại nhiều vùng ở Việt Nam.

Uống nước sắc mã đề giúp tăng lượng nước tiểu. Trong nước tiểu, lượng urê và axit uric cũng tăng. Đơn thuốc lợi tiểu có mã đề: xa tiền tử (hạt mã đề) 10g, cam thảo 2g, nước 600ml; sắc và giữ sôi trong 30 phút, chia 3 lần uống trong ngày. Tuy nhiên, người dân không được sử dụng tùy tiện cây mã đề để giải khát.

Cây chua me lá me

Cây chua me lá me (lá chua me) là một loại cỏ cao, thân có lông, không phân nhánh. Loại cây này mọc hoang ở nhiều nơi trong nước ta. Trong cây có một chất như insulin có thể dùng điều trị cho các trường hợp mắc bệnh đái tháo đường. Người bệnh có thể dùng lá nấu với rau muống cho có vị chua mát.

Kim tiền thảo

Kim tiền thảo là cây cỏ, mọc bò, ngọn non dẹt, có phủ lông tơ, màu trắng. Hoa màu tía, mọc thành chùm xim ở kẽ lá. Quả đậu nhỏ, giữa các hạt thắt lại. Cây mọc hoang dại trên các đồi vùng trung du, một số ít vùng núi. Người ta dùng cây, thu hái chủ yếu vào mùa hè và thu, dùng tươi hoặc phơi hoặc sao khô.

Vị thuốc này chủ yếu hỗ trợ điều trị bệnh sỏi thận, bàng quang, phù thũng, bệnh về thận, khó tiêu, sỏi túi mật. Đơn thuốc lợi tiểu có kim tiền thảo: ngày dùng 10 – 30g dưới dạng thuốc sắc. Người bệnh có thể dùng riêng hoặc phối hợp nhiều thuốc khác.

Anh Đài

Trả lời