​3 thành phần trong sữa mẹ có khả năng hỗ trợ ức chế SARS-CoV-2 Leave a comment

Lactoferrin, MUC1, α-LA trong sữa mẹ có tác dụng ức chế sự lây nhiễm và sao chép của SARS-CoV-2 cùng các biến thể, theo nghiên cứu công bố trên iScience.

Nghiên cứu của iScience công bố hồi đầu tháng 4 cho thấy, lactoferrin (LF), mucin1 (MUC1) và α-lactalbumin (α-LA) từ sữa mẹ ức chế nhiễm SARS-CoV-2 bằng cách sử dụng hệ thống pseudovirus SARS-CoV-2 và khả năng sao chép và sao chép các hạt giống virus SARS-CoV-2 (trVLP). Ngoài ra, LF và MUC1 ức chế nhiều bước bao gồm sự gắn kết, xâm nhập và nhân lên của virus, trong khi α-LA ức chế sự gắn kết và xâm nhập của virus. Quan trọng là, LF, MUC1 và α-LA có các hoạt động kháng virus mạnh đối với các biến thể như B.1.1.7 (alpha), B.1.351 (beta), P. 1 (gamma) và B.1.617.1 (kappa). Kết hợp với nhau, nghiên cứu cung cấp bằng chứng cho thấy các thành phần sữa mẹ (LF, MUC1 và α-LA) là những ứng cử viên điều trị tiềm năng và kháng virus đảm bảo sự phát triển hơn nữa để điều trị Covid-19.

Về vấn đề này, trang News Medical cho biết, lactoferrin là một loại protein chứa sắt được tìm thấy ở nồng độ 1-2 g/L trong sữa trưởng thành và 5-10 g/L trong sữa non. Protein này ngăn cản sự liên kết của SARS-CoV-2 với heparan sulfate, một phân tử proteoglycan, do đó có thể là chất ức chế tiềm năng của phân tử này. Tuy nhiên, sữa mẹ được phát hiện là chất ức chế hiệu quả hơn lactoferrin một mình.

Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng, lactoferrin, MUC1 và α-LA là những chất ức chế mạnh với cả chủng hoang dã và các biến thể SARS-CoV-2 khác nhau. Ba yếu tố này giúp giảm nồng độ axit ribonucleic của virus (RNA) trong dịch phân ly tế bào kể cả với hạt giống virus SARS-CoV-2 có khả năng sao chép (trVLP). Sự nhân lên của virus cũng bị ảnh hưởng đáng kể bởi lactoferrin và MUC1. Ở nồng độ cao, α-LA cũng ngăn chặn sự lây nhiễm Covid-19.

“Cả ba thành phần này cũng ngăn chặn sự lây nhiễm và sao chép của một số biến thể SARS-CoV-2 phổ biến bao gồm các chủng Alpha, Beta, Gamma và Kappa, cũng như chủng SARS-CoV-2 kiểu hoang dã, theo cách phụ thuộc vào thời gian”, theo News Medical.

Nghiên cứu hiện cũng xác định ba thành phần sữa mẹ có tác dụng ức chế sự lây nhiễm SARS-CoV-2 trong nhiều dòng tế bào. Hơn nữa, lactoferrin và MUC1 được phát hiện có khả năng ức chế nhiều bước trong vòng đời của virus, trong khi α-LA chỉ có thể ngăn chặn sự gắn kết và xâm nhập của virus vào tế bào. Kết hợp với nhau, những yếu tố này có thể được phát triển thành thuốc kháng virus để điều trị và ngăn ngừa Covid-19.





Mẹ đang nhiễm Covid-19 cần đảm bảo tuân thủ 5K trong khi cho con bú. Ảnh: Shutterstock

Mẹ đang nhiễm Covid-19 cần đảm bảo tuân thủ 5K trong khi cho con bú. Ảnh: Shutterstock

Cũng theo News Medical, ngay cả khi SARS-CoV-2 sống có trong sữa mẹ, nó cũng không lây nhiễm cho trẻ bú mẹ cũng như không truyền virus cho người khác. Do đó, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến cáo, trẻ sơ sinh nên được bú sữa mẹ, ngay cả khi người mẹ mắc Covid-19 bởi lợi ích mà trẻ có được từ việc bú sữa mẹ cao hơn rất nhiều so với nguy cơ lây truyền Covid-19 từ mẹ sang con.

Mặc dù được khuyến cáo vẫn nên cho trẻ bú mẹ bình thường khi mắc Covid-19 nhưng các mẹ vẫn cần lưu ý các vấn đề liên quan để đảm bảo không có nguồn lây xung quanh trẻ. Theo bác sĩ Nguyễn Mạnh Cường, chuyên khoa Nhi, Bệnh viện Quân Y 103, mẹ F0 nếu cho con bú không được dùng kháng sinh, thuốc kháng virus và hạn chế sử dụng thuốc hạ sốt. Bên cạnh đó, mẹ có thể cho con bú theo 2 cách.

Thứ nhất, vắt sữa ra bình. Sau đó, để người nhà sát khuẩn sạch bình rồi cho con bú. Cách này dành cho những trẻ chịu bú bình. Thứ hai, với những trẻ bắt buộc phải bú trực tiếp, mẹ cần đeo khẩu trang N95, kính chống giọt bắn, sát khuẩn tay nhanh trước khi bế con, sát khuẩn đầu, núm vú trước khi cho con bú. Lúc ôm con, không được hắt xì hay thở vào mặt trẻ, đồng thời, giữ vệ sinh cho trẻ bằng cách nhỏ mắt, mũi với nước muối sinh lý.

Ngoài ra, chế độ dinh dưỡng đóng vai trò kép, vừa giúp tăng sức đề kháng cho mẹ chống lại bệnh dịch, tăng cường dinh dưỡng tốt cho con thông qua sữa. Mẹ nên bổ sung nhiều thực phẩm tăng cường miễn dịch, giàu dưỡng chất như: selen, kẽm, vitamin C, vitamin D…, thực phẩm giàu omega 3. Chị em không dùng dầu thực vật chứa omega 6 vì có khả năng gây tăng viêm, thay thế bằng dầu thực vật chứa omega 3 như dầu oliu. Bên cạnh đó, chế độ dinh dưỡng lành mạnh với nhiều rau củ quả tươi, trái cây giàu vitamin C, D như cam, đu đủ, ổi, cải xoăn, thơm, dâu tây… cũng cần được tăng cường. Ngoài ra, chị em bổ sung những món ăn chứa nhiều vitamin hòa tan trong nước, bởi cơ thể của bé sẽ dễ dàng hấp thụ loại dinh dưỡng này thông qua sữa mẹ.

An Nhiên

Trả lời