5 biến chứng khó kiểm soát của bệnh tiểu đường Leave a comment

Mất thị lực, bệnh thận, bệnh tim… là những biến chứng mà người bệnh tiểu đường tuýp hai khó có thể kiểm soát.

Các triệu chứng của bệnh tiểu đường tuýp hai phát thường triển chậm, đôi khi trong vài năm. Theo Hiệp hội Tiểu đường Mỹ (ADA), người bệnh tiểu đường tuýp hai thường gặp tình trạng như tiểu đêm; liên tục khát; cảm thấy đói; tầm nhìn bị mờ; tê hoặc ngứa ran ở bàn tay, chân; mệt mỏi; cảm thấy kiệt sức; da khô bất thường; vết loét trên da lâu lành… Người bệnh nên hiểu biết các dấu hiệu bệnh, thường xuyên kiểm tra lượng đường trong máu để phát hiện kịp thời, điều trị các biến chứng.

Biến chứng về da

Bệnh tiểu đường nếu không được kiểm soát tốt có thể tăng nguy cơ nhiễm trùng da do vi khuẩn và nấm. Các biến chứng liên quan đến da của bệnh tiểu đường như đau rát da, ngứa, phát ban, phồng rộp hoặc bóng nước, lẹo trên mí mắt, viêm nang lông.

Để giảm nguy cơ mắc các bệnh về da, người bệnh tiểu đường cần tuân theo kế hoạch điều trị được khuyến nghị và chăm sóc da như giữ cho làn da sạch sẽ, dưỡng ẩm, thường xuyên kiểm tra da để tìm vết thương. Nếu người bệnh xuất hiện các triệu chứng thì nên đến gặp bác sĩ để kiểm tra.





Người mắc bệnh tiểu tuýp hai có thể mất thị lực nếu không được chẩn đoán và điều trị sớm. Ảnh: Freepik.

Người mắc bệnh tiểu tuýp hai có thể mất thị lực nếu không được chẩn đoán và điều trị sớm. Ảnh: Freepik.

Mất thị lực

Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ, biến chứng về mắt mà người bệnh tiểu đường tuýp hai thường gặp phải là tăng nhãn áp, xảy ra khi áp lực tích tụ trong mắt, đục thủy tinh thể, bệnh võng mạc phát triển khi các mạch máu ở sau mắt bị tổn thương. Theo thời gian, những tình trạng này có thể gây mất thị lực. Nếu chẩn đoán bệnh và điều trị sớm có thể giúp duy trì thị lực.

Ngoài việc điều trị tiểu đường, người bệnh cũng nên khám mắt thường xuyên nếu nhận thấy những thay đổi trong thị lực để phòng ngừa và hạn chế biến chứng này.

Bệnh thần kinh

Nghiên cứu của Hiệp hội Tiểu đường Mỹ cho thấy, khoảng một nửa người mắc bệnh tiểu đường có tổn thương thần kinh được gọi là bệnh thần kinh do tiểu đường. Trong đó, bệnh thần kinh ngoại biên ảnh hưởng đến chân, tay của người bệnh. Các triệu chứng tiềm ẩn như ngứa ran, đau rát, tăng hoặc giảm cảm giác với nhiệt độ, cảm thấy chân tay cử động yếu đuối, khó phối hợp.

Bệnh thần kinh tự chủ có thể ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa, bàng quang, bộ phận sinh dục và các cơ quan khác. Các triệu chứng tiềm ẩn của bệnh lý này xuất hiện ở người bệnh tiểu đường tuýp hai như đầy hơi, khó tiêu, buồn nôn, mất kiểm soát bàng quang hoặc ruột, nhiễm trùng đường tiết niệu thường xuyên, rối loạn cương dương, khô âm đạo… Ngoài ra, người bệnh tiểu đường tuýp hai cũng có thể mắc bệnh thần kinh khác ảnh hưởng đến khớp nối, tầm nhìn, nhận biết.

Người tiểu đường cần kiểm soát tốt mức đường huyết để tránh biến chứng bệnh thần kinh. Nếu xuất hiện các triệu chứng của bệnh thần kinh hãy gặp bác sĩ để điều trị kịp thời.

Bệnh thận

Mức đường huyết cao mà không được kiểm soát có thể làm tăng sức căng của thận. Theo thời gian, nó có thể dẫn đến bệnh thận. Bệnh thận giai đoạn đầu thường không có triệu chứng nhưng ở giai đoạn cuối có các thể xuất hiện tình trạng như giữ nước trong các mô của cơ thể (phù nề), mất ngủ, ăn mất ngon, đau bụng, khó tập trung.

Để giúp giảm nguy cơ mắc bệnh thận, bạn nên kiểm soát mức đường huyết và huyết áp ở mức tốt; kiểm tra nước tiểu và máu để tìm các dấu hiệu tổn thương thận.





Để tránh biến chứng về thận, người bệnh tiểu đường phải kiểm soát mức đường huyết và huyết áp ở mức tốt. Ảnh: Freepik.

Người bệnh tiểu đường phải kiểm soát mức đường huyết và huyết áp. Ảnh: Freepik.

Bệnh tim

Bệnh tiểu đường tuýp hai làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim và đột quỵ. Tuy nhiên, rủi ro có thể còn cao hơn nếu lượng đường trong máu cao làm hỏng hệ thống tim mạch. Theo CDC Mỹ, người mắc bệnh tiểu đường có nguy cơ chết vì bệnh tim gấp 2 lần người không mắc bệnh tiểu đường. Họ cũng có nguy cơ bị đột quỵ cao gấp 1,5 lần người không mắc bệnh.

Các dấu hiệu cảnh báo đột quỵ như tê hoặc yếu ở một bên cơ thể, mất thăng bằng hoặc phối hợp, khó nói chuyện, thay đổi tầm nhìn… Dấu hiệu cảnh báo cơn đau tim là tức ngực hoặc khó chịu ở ngực, khó thở, đổ mồ hôi, chóng mặt, buồn nôn.

Người bệnh tiểu đường cần kiểm tra mức đường huyết, huyết áp và mức cholesterol thường xuyên để giảm nguy cơ mắc bệnh tim và đột quỵ. Ngoài ra, duy trì chế độ ăn uống cân bằng, giàu chất dinh dưỡng, hoạt động thể chất thường xuyên, tránh hoặc bỏ hút thuốc lá cũng làm giảm biến chứng này.

Các triệu chứng của bệnh tiểu đường tuýp hai khó phát hiện, vì vậy, phải biết các yếu tố nguy cơ để phòng tránh. Người có nhiều nguy cơ mắc bệnh tiểu đường tuýp hai như béo phì, từ 45 tuổi, gia đình có người mắc bệnh tiểu đường tuýp hai, không tập thể dục hoặc không hoạt động thể chất ít nhất 3 lần một tuần, đã mắc bệnh tiểu đường thai kỳ, sinh con nặng hơn 4 kg.

Mai Cát
(Theo Healthline)

Trả lời