5 chấn thương bóng đá thường gặp nhất Leave a comment

Để chơi bóng đá an toàn, cần chú ý 5 chấn thương thường gặp nhất trong môn thể thao vua này và cách xử lý để tránh tái phát, gây sụt giảm phong độ.

Bác sĩ Nguyễn Thị Mỹ Linh, Khoa Y học thể thao và Nội soi – Trung tâm Chấn thương Chỉnh hình – BVĐK Tâm Anh TP HCM, cho biết, chấn thương trong bóng đá rất thường gặp, tuy nhiên nhiều người vẫn còn chủ quan dẫn đến xử lý và chăm sóc không đúng cách. Theo đó, chấn thương không lành hẳn, dễ tái phát, ảnh hưởng phong độ cầu thủ, thậm chí nghiêm trọng hơn, có thể làm suy giảm chức năng vận động khiến người chơi phải từ bỏ đam mê thể thao.

Bác sĩ Mỹ Linh khuyến cáo những chấn thương thường gặp trong bóng đá và cách xử lý:

Căng cơ và bong gân mắt cá chân





Hậu vệ Văn Xuân ôm mặt khóc, rời sân trên cáng sau chấn thương nặng do cú kê chân của cầu thủ Malaysia trong trận bán kết bóng đá nam SEA Games 31, tối 19/5. Ảnh: Ngọc Thành

Hậu vệ Văn Xuân ôm mặt khóc, rời sân trên cáng sau chấn thương nặng do cú kê chân của cầu thủ Malaysia trong trận bán kết bóng đá nam SEA Games 31, tối 19/5. Ảnh: Ngọc Thành

Hai dạng chấn thương này vô cùng phổ biến đối với người chơi thể thao, đặc biệt là bóng đá. Không chỉ người chơi nghiệp dư mà những cầu thủ nổi tiếng như Quang Hải, Cristiano Ronaldo, Lionel Messi… cũng từng là nạn nhân của những chấn thương này.

Căng cơ xảy ra khi cơ bị kéo căng ra ngoài phạm vi chuyển động bình thường, dẫn đến rách. Đối với người chơi bóng đá, các nhóm cơ thường bị tổn thương là cơ gân kheo và cơ tứ đầu đùi. Triệu chứng đặc trưng của căng cơ là đau, đặc biệt là khi người bệnh cố gắng vận động. Ngoài ra, căng cơ còn làm xuất hiện sưng tấy hoặc bầm tím xung quanh chấn thương, khó cử động các chi…

Bong gân mắt cá chân là tình trạng dây chằng mắt cá chân bị rách. Lúc này, mắt cá chân sẽ sưng đau và khó di chuyển, đau khi dồn lực lên chân.

Bong gân và căng cơ có thể được kiểm soát tốt nếu áp dụng phương pháp R.I.C.E trong 48 giờ đầu tiên: R – nghỉ ngơi, dừng các hoạt động thể thao, hạn chế đi lại; I – bọc đá vào khăn, chườm lên chân mỗi 2 giờ/lần, mỗi lần 20 phút; C – băng ép khu vực bị thương; E – nâng vị trí chấn thương lên cao hơn so với tim.

Nếu cần thiết, người bệnh có thể dùng thuốc giảm đau không kê đơn, chẳng hạn như NSAID (chống viêm không steroid) hoặc acetaminophen; dùng nạng hoặc gậy hỗ trợ đi lại.

Trật khớp vai

Hậu vệ Duy Mạnh từng gặp phải chấn thương này trong trận bán kết AFF Cup tuyển Việt Nam gặp Thái Lan ở Singapore. Đây là tình trạng là chỏm xương cánh tay lệch khỏi ổ chảo xương bả vai, gây biến dạng khớp. Lúc này, người bệnh sẽ cảm thấy vùng vai đau, yếu, mất vận động, sưng tím, tê, hoặc ngứa ran quanh vai, cánh tay, ngón tay.

Bác sĩ Mỹ Linh chia sẻ, để xử lý chấn thương này, người bệnh có thể dùng thuốc chống viêm không steroid và phương pháp R.I.C.E. Trong trường hợp chấn thương lặp lại thường xuyên, phẫu thuật có thể được đề nghị.

Chấn thương dây chằng chéo trước





Người bệnh thực hiện kiểm tra mức độ tổn thương dây chằng bằng công nghệ mới nhất tại BVĐK Tâm Anh. Ảnh: BVĐK Tâm Anh

Người bệnh thực hiện kiểm tra mức độ tổn thương dây chằng bằng công nghệ mới nhất tại BVĐK Tâm Anh. Ảnh: BVĐK Tâm Anh

Dây chằng chéo trước là dây chằng nằm ở trung tâm đầu gối, có nhiệm vụ kết nối xương đùi và xương ống chân, giữ các xương trong đầu gối được ổn định, không xô lệch. Chấn thương xảy ra khi dây chằng bị đứt một phần hoặc toàn bộ, khi cầu thủ chuyển hướng đột ngột, vấp hoặc ngã làm dây chằng chéo bị căng. Lúc này, người bệnh sẽ cảm thấy đau, khó di chuyển và không thể uốn cong đầu gối đúng cách.

Đứt dây chằng chéo trước đã từng đe dọa sự nghiệp của hàng loạt cầu thủ như Vũ Văn Thanh, Phan Văn Đức, Trần Đình Trọng, Thomas Vermaelen, Rafinha Alcantara hay Marco Reus…

Tùy thuộc vào mức độ chấn thương và nhu cầu vận động của người bệnh trong tương lai mà đứt dây chằng chéo trước sẽ được điều trị bảo tồn hoặc phẫu thuật. Tại Khoa Y học thể thao và Nội soi – BVĐK Tâm Anh, bác sĩ Mỹ Linh khuyến cáo khi cầu thủ có dấu hiệu đứt dây chằng chéo trước, nên thăm khám ngay để tranh thủ thời gian vàng 3 tuần, mạch máu nuôi dây chằng vẫn còn. Khi đó các biện pháp phẫu thuật nếu cần thiết, như khâu nối hoặc thay dây chằng sẽ giữ được phần điểm bám nguyên thủy của dây chằng. Vết thương sau phẫu thuật sẽ phục hồi nhanh hơn và đảm bảo được sự vững chắc của dây chằng.

Cũng chỉ tại Hệ thống BVĐK Tâm Anh có máy đo và kiểm tra sức khỏe của dây chằng. Thông qua sự đánh giá về lực, sức căng của dây chằng, bác sĩ sẽ theo dõi và đánh giá được về sức khỏe dây chằng của người chơi thể thao thường xuyên, trước và sau khi phẫu thuật nếu có… Từ đó, người chơi thể thao hoàn toàn có thể chủ động phòng tránh chấn thương, tập phục hồi chức năng gia tăng sức mạnh cho dây chằng quan trọng này của khớp gối.

Viêm gân gót chân (viêm gân Achilles)

Viêm gân gót chân đã từng gây ảnh hưởng đến Leonardo Spinazzola trong trận Ý – Bỉ ở tứ kết Euro 2021, khiến anh phải nghỉ thi đấu 6 tháng. Trong những pha tranh bóng đòi hỏi tốc độ cao hoặc chuyển hướng đột ngột, có thể làm tổn thương gân gót chân, nguy hiểm nhất là rách hoặc đứt gân gót.

Biểu hiện viêm gân gót là cảm giác đau rát hay đau cứng phần thấp bắp chân sau vào buổi sáng; đau vùng gót khi căng gót hoặc đứng trên đầu mũi chân. Nếu đứt gân sẽ xuất hiện những cơn đau dai dẳng, vùng gót chân phù nề và sưng tím do có chảy máu giữa các sợi gân.

Để điều trị chấn thương này, ban đầu, người bệnh nên sơ cứu bằng phương pháp RICE và dùng thêm thuốc giảm đau. Sau đó là thăm khám bác sĩ để được hướng dẫn các bài tập vật lý trị liệu thích hợp hoặc phẫu thuật nếu cần thiết.





Sơ cứu theo phương pháp RICE giúp giảm tổn thương hiệu quả. Ảnh: Shutterstock

Sơ cứu theo phương pháp RICE giúp giảm tổn thương hiệu quả. Ảnh: Shutterstock

Rách sụn chêm

Văn Hậu, Tuấn Anh, Hai Long, Danny Welbeck, Ansu Fati… là những cái tên đã từng “chạm mặt” với chấn thương sụn chêm.

Một cú xoay gối đột ngột có thể làm rách/vỡ sụn chêm. Khi mới chấn thương, người bệnh vẫn có thể đi lại bình thường, tiếp tục chơi thể thao, tập luyện, thi đấu…

Trong một số trường hợp, mảnh sụn nhỏ vỡ ra có thể kẹt vào khớp gối gây đau khi vận động, và làm rách sụn chêm. Đây là một diễn tiến âm thầm, nhưng ám ảnh cầu thủ do điều trị và phục hồi rách sụn chêm khá khó khăn. Đôi khi, các chuyên gia dù đã chẩn đoán hình ảnh MRI hay X-quang vẫn chưa khẳng định được chính xác, cho đến khi họ thực hiện các kỹ thuật nội soi để thám sát chính xác tình trạng khớp gối của người bệnh.

Phi Hồng

Trả lời