5 điều cần biết về bệnh cao huyết áp ở phụ nữ Leave a comment

Các triệu chứng của bệnh huyết áp cao ở phụ nữ có thể bị nhầm lẫn với trạng thái căng thẳng, lo lắng hoặc dấu hiệu của thời kỳ mãn kinh…

Huyết áp là lực đẩy máu tác động lên thành của động mạch để đưa máu từ tim đến nuôi dưỡng các mô trong cơ thể. Huyết áp cao (tăng huyết áp) xảy ra khi lực đó tăng lên và ở mức cao hơn bình thường trong một khoảng thời gian. Tình trạng này có thể làm hỏng mạch máu, tim, não và các cơ quan khác.

Theo Hiệp hội Tim mạch Mỹ, khoảng một nửa số người bị huyết áp cao là phụ nữ. Huyết áp cao ảnh hưởng đến một trong ba người Mỹ ở độ tuổi 40, 50 và 60. Giới tính thường không phải là yếu tố nguy cơ nhưng sự bắt đầu của thời kỳ mãn kinh làm tăng nhẹ khả năng gây bệnh huyết áp cao.

Các triệu chứng cao huyết áp có thể bao gồm: da đỏ ửng, đốm đỏ trước mắt, chóng mặt nhưng chúng có thể khác nhau tùy trường hợp. Thông thường, các triệu chứng hoàn toàn không xuất hiện cho đến khi người bệnh bị huyết áp cao trong nhiều năm và tình trạng trở nên nghiêm trọng. Tuy nhiên, ngay cả những bệnh nhân bị huyết áp cao nghiêm trọng cũng có thể không có biểu hiện nào. Các dấu hiệu này chỉ xảy ra khi huyết áp tăng cao làm cho các mạch máu tổn thương bị vỡ. Kiểm tra huyết áp ít nhất mỗi năm một lần là cách duy nhất phát hiện và kiểm soát bệnh.





Nguy cơ huyết áp cao ở phụ nữ có xu hướng tăng lên sau mãn kinh. Ảnh: Freepik

Nguy cơ huyết áp cao ở phụ nữ có xu hướng tăng lên sau mãn kinh. Ảnh: Freepik

Các triệu chứng cao huyết áp dễ nhầm lẫn

Các triệu chứng cao huyết áp ở phụ nữ, đặc biệt trong giai đoạn đầu có thể rất khó phát hiện, bao gồm: nhức đầu, mệt mỏi, hụt hơi, khó chịu ở ngực. Những triệu chứng này có thể nhầm lẫn với trạng thái căng thẳng, lo lắng hoặc dấu hiệu của thời kỳ mãn kinh.

Kershaw Patel, bác sĩ tim mạch tại Houston Methodist, Mỹ cảnh báo, trong một số trường hợp, một phụ nữ bị cao huyết áp có thể không có bất kỳ triệu chứng nào. Cách tốt nhất để theo dõi nguy cơ mắc bệnh là kiểm tra huyết áp thường xuyên.

Các chuyên gia khuyên rằng, đừng dựa vào các triệu chứng, hãy đọc hiểu chỉ số huyết áp. Khi kiểm tra huyết áp, điều quan trọng là phải biết ý nghĩa của các con số. Tăng huyết áp là khi huyết áp tâm thu (tối đa) ≥ 140mmHg và/hoặc huyết áp tâm trương (tối thiểu) ≥ 90mmHg. Huyết áp càng cao, nó càng trở nên khó kiểm soát, người bệnh có nhiều nguy cơ gặp phải các biến chứng. Vì vậy, huyết áp cao cần được chẩn đoán, quản lý càng sớm càng tốt.

Mang thai có thể làm tăng huyết áp

Tăng huyết áp đôi khi xảy ra trong thời kỳ mang thai. Những thay đổi trong thời kỳ mang thai có thể cho thấy tình trạng huyết áp cao đang ẩn náu. Tiền sản giật là một dạng cụ thể của huyết áp cao có thể xảy ra trong thai kỳ. Trường hợp này không hiếm, điều quan trọng là phải quản lý cả sức khỏe của mẹ và bé. Tiền sản giật thường biến mất sau khi sinh, nhưng phụ nữ nên làm theo lời khuyên của bác sĩ để kiểm soát nó.

Nguy cơ cao huyết áp tăng sau mãn kinh

Thời kỳ mãn kinh bắt đầu sau khi một phụ nữ ngừng có kinh 12 tháng liên tục, thường ở độ tuổi 50. Nó có liên quan đến huyết áp cao. Trong quá trình lão hóa, mãn kinh, có một số thay đổi trong cơ thể liên quan đến nồng độ hormone,trọng lượng cơ thể. Những thay đổi này có thể làm tăng nguy cơ cao huyết áp ở phụ nữ.

Thời kỳ mãn kinh và các triệu chứng của nó cũng có thể là một lý do khác khiến bệnh huyết áp cao đôi khi không được chẩn đoán chính xác ở phụ nữ. Các triệu chứng của cả hai, như mệt mỏi và đau đầu, có thể trùng lặp.

Thay đổi lối sống ngăn ngừa huyết áp cao

Chìa khóa để ngăn ngừa huyết áp cao là tập trung xây dựng lối sống lành mạnh, tránh những thói quen và hành vi có hại cho sức khỏe. Những cách giúp kiểm soát huyết áp bao gồm: thường xuyên theo dõi huyết áp; duy trì cân nặng hợp lý và giảm cân nếu béo phì; ăn chế độ dinh dưỡng cân bằng, hạn chế thực phẩm chế biến sẵn; hạn chế tiêu thụ muối; tập thể dục 150 phút mỗi tuần; hạn chế uống rượu; bỏ hút thuốc; khám sức khỏe định kỳ.

Châu Vũ (Theo Houston Methodist, Healthline)

Trả lời