5 tác nhân tự nhiên người bị hen suyễn cần tránh Leave a comment

Khói bụi, lông động vật, phấn hoa, nấm mốc là những thứ có thể kích thích người bị hen suyễn lên cơn hen.

Các cơn hen suyễn thường xảy ra khi hít phải các hạt hoặc xảy ra do nhiễm trùng gây dẫn đến tình trạng viêm, co thắt trong phế quản. Người bị hen suyễn thường được bác sĩ kê thuốc hít hen suyễn để hít trực tiếp vào phổi, giúp làm giảm hoặc ngăn ngừa các triệu chứng của hen suyễn. Hiệu quả của thuốc hít hen suyễn ngắn hạn có tác dụng tức thì, tức là ngay khi cơn hen suyễn xuất hiện. Còn đối với hít hen suyễn dài hạn, bạn phải dùng nó ngay cả khi không có các cơn hen. Cơn hen suyễn có thể đe dọa tính mạng và các cơn tái phát (ngay cả khi nhẹ) có thể làm trầm trọng thêm tình trạng của bạn do gây sẹo và xơ cứng phổi. Người xưa thường có câu “phòng bệnh hơn chữa bệnh”, do vậy để giảm nhu cầu sử dụng ống hít, tránh cơn hen tái phát gây hại cho phổi, việc đầu tiên của người bị hen suyễn cần làm là tránh các tác nhân trực tiếp gây ra cơn hen.

Khói thuốc lá: Khói thuốc lá không tốt cho tất cả mọi người, đặc biệt là những người bị hen suyễn. Nếu bạn bị hen suyễn nhưng có thói quen hút thuốc, cần phải bỏ ngay thuốc lá. Ngoài ra, tránh khói thuốc thụ động bằng cách tạo vùng cấm khói thuốc trong nhà, xe hơi hoặc bất cứ nơi nào mà bạn dành nhiều thời gian. Hút thuốc lá thụ động được chứng minh nguy hiểm ngang với người hút thuốc trực tiếp.

Mạt bụi: mạt bụi có ở khắp nơi, trong nhà hay ngoài trời. Để tránh mạt bụi, hãy sử dụng bộ ga trải giường không gây dị ứng. Người bị hen cũng nên tránh những chiếc gối, chăn mền có lông tơ, không nên dùng gối nhồi lông ngỗng, chăn lông, không để thú nhồi bông ở phòng ngủ. Khi giặt đồ nên giặt ở chế độ nước nóng nhất để loại bỏ tối đa mạt bụi.

Khi ở nhà, bạn nên hút bụi thường xuyên, lý tưởng nhất là bằng máy làm sạch được trang bị bộ lọc. Mạt bụi phát triển mạnh ở độ ẩm cao, vì vậy hãy giữ độ ẩm trong nhà ở mức thấp (từ 30% đến 50%).





Lông thú cưng dễ kích ứng cơn hen. Ảnh: Freepik

Lông thú cưng dễ kích ứng cơn hen. Ảnh: Freepik

Ô nhiễm phấn hoa và không khí: ô nhiễm không khí và phấn hóa là các tác nhân dẫn đến tái phát cơn hen. Do đó, bạn nên xem tin tức hàng ngày hoặc tải xuống ứng dụng chất lượng không khí để theo dõi phấn hoa và mức độ ô nhiễm trong khu vực mình đang sinh sống. Khi cảnh báo ô nhiễm ở mức độ cao, hãy đóng cửa ra vào, cửa sổ và ở trong nhà càng nhiều càng tốt.

Nấm mốc: hít thở phải nấm mốc cũng gây ra cơn suyễn. Nấm mốc được tìm thấy nhiều trong những khu vực ẩm ướt như nhà bếp, phòng tắm và tầng hầm. Người bị hen suyễn hay gia đình có người bị hen nên chú ý sửa chữa các chỗ rò rỉ nước trong nhà, sử dụng máy điều hòa không khí hoặc máy hút ẩm để giảm độ ẩm.

Vật nuôi: Lông vật nuôi rất dễ kích ứng cơn hen. Vì vậy bạn nên thường xuyên tắm rửa cho vật nuôi có lông để loại bỏ lông. Những người bị hen tuyệt đối không cho thú cưng vào phòng ngủ, không ôm ấp chúng và nên dành ít thời gian chơi với chúng trong ngày. Lắp đặt bộ lọc không khí để loại bỏ bụi bẩn trong không khí.

Lưu ý, nếu bạn không biết tác nhận gây nên những cơn hen của mình do đâu, bạn nên ghi lại nhật ký hen suyễn. Cách hay nhất là ghi lại thời điểm các triệu chứng hen suyễn xuất hiện, bạn đã ở đâu và bạn đang làm gì vào thời điểm đó. Từ nhật ký này bạn có thể xác định chính xác các nguyên nhân có thể gây ra các cơn hen của mình.

Anh Chi (Theo VeryWellHealth)

Trả lời