5 thói quen xấu gây hại cho mũi Leave a comment

Ngoáy mũi; nhổ lông mũi; nặn mụn mũi bằng tay; lạm dụng xịt, rửa; thuốc chống nghẹt mũi… khiến mũi dễ bị trầy xước, nhiễm trùng.

ThS.BSCKII Trần Thị Thúy Hằng – Trưởng khoa Tai Mũi Họng, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM cho biết, niêm mạc mũi là một lớp lót bên trong mũi với rất nhiều mạch máu có chức năng bảo vệ các xoang, làm ẩm không khí hít vào. Những sợi lông trong niêm mạc mũi giúp cản trở bụi và các loại vi khuẩn xâm nhập đường hô hấp. Khi các cấu trúc trong mũi khỏe mạnh, các chức năng làm ấm, ẩm, lọc sạch không khí và ngăn tác nhân gây hại sẽ hoạt động tốt.

Khi mũi bị nghẹt cùng những thói quen như ngoáy mũi, nhổ mũi, lạm dụng xịt rửa mũi… có thể khiến cơ quan này bị tổn thương, ảnh hưởng đến các chức năng. Bác sĩ Hằng chỉ ra một số sai lầm gây hại cho mũi thường gặp.

Ngoáy mũi

Nhiều người lớn và trẻ nhỏ thường có thói quen ngoáy mũi để lấy gỉ mũi hoặc chất nhầy. Khi mũi bị khô, ngứa hoặc dịch mũi quá nhiều, ngoáy mũi có thể giảm bớt tình trạng khó chịu này.

Theo bác sĩ Hằng, mặc dù ngoáy mũi thường không gây ra những vấn đề sức khỏe nghiêm trọng nhưng có thể tiềm ẩn một số rủi ro. Tay tiếp xúc với rất nhiều thứ trong cuộc sống hàng ngày, có nhiều vi khuẩn, virus bám vào. Việc đưa ngón tay vào mũi tạo điều kiện cho các tác nhân gây hại xâm nhập vào mũi, phát triển ở hầu họng và đi sâu vào đường hô hấp gây bệnh. Ngoáy mũi thường xuyên còn làm trầy xước lớp niêm mạc mũi, gây chảy máu. Một số trường hợp còn có thể gây viêm và sưng tấy mô.

Bác sĩ Hằng khuyên, mọi người nên bỏ thói quen xấu này. Nếu muốn lấy gỉ mũi, bạn có thể dùng nước muối sinh lý nhỏ vào mỗi bên mũi 2-3 giọt để gỉ mũi mềm ra. Sau đó, bạn có thể dùng tăm bông ngoáy xung quanh mũi nhẹ nhàng để lấy chất nhầy ra ngoài. Cuối cùng, bạn lấy khăn mềm hoặc khăn giấy lau lỗ mũi cho sạch. Phụ huynh cũng có thể áp dụng cách này cho trẻ nhỏ, làm thông thoáng đường mũi khi bé bị nghẹt, sổ mũi.

Nặn mụn mũi bằng tay

Mũi thường có rất nhiều mụn cám nên gây mất thẩm mỹ. Để loại bỏ chúng, không ít người dùng tay nặn trực tiếp. Thế nhưng điều này có thể gây tổn thương mũi, các vùng da bị nặn có thể bị viêm, làm lây lan mụn nhiều hơn. Bạn có thể thấy rõ là những vùng kế cận khu vực nặn mụn trước đó có thể xuất hiện thêm nhiều mụn mới và có thể có mủ.

Bác sĩ Hằng chia sẻ, nếu có mụn cám, mụn đầu đen… thì bạn có thể nặn mụn tại nhà nhưng lưu ý rửa tay bằng xà phòng hoặc mang bao tay, khử trùng dụng cụ nặn mũi. Các sản phẩm lột mụn nhẹ nhàng cũng có thể hữu ích trong trường hợp này. Nếu bạn có quá nhiều mụn ở mũi, không thể làm sạch thì có thể đến phòng khám, spa để loại bỏ. Với trường hợp mụn viêm nặng, có mủ, các bác sĩ tại các bệnh viện chuyên khoa da liễu sẽ có phương pháp chăm sóc và điều trị phù hợp cho bạn.

Nhổ lông mũi

Lông mũi bao phủ trong hốc mũi là một lớp niêm mạc mỏng, chứa nhiều mạch máu nhỏ, dễ bị tổn thương. Khi bạn nhổ lông mũi, “hàng rào” giúp ngăn cản bụi bẩn bị loại bỏ, tạo điều kiện cho các tác nhân gây hại dễ vào sâu bên trong mũi.

Lông mũi có thể đem lại nhiều lợi ích và việc nhổ bỏ chúng không cần thiết. Nếu lông mũi thò ra ngoài, bạn có thể lấy kéo để cắt bỏ. Các sản phẩm tẩy lông, nhổ lông mũi cũng nên hạn chế vì nó có thể gây ra một số vấn đề ở những người nhạy cảm.

Lạm dụng xịt, rửa mũi

Xịt, rửa mũi giúp làm sạch mũi, giảm tình trạng sổ mũi, nghẹt mũi, hỗ trợ khắc phục tình trạng viêm nhiễm đường hô hấp trên. Nhưng theo bác sĩ Hằng, mọi người không nên lạm dụng xịt, rửa mũi, nhất là với trẻ nhỏ. Bạn chỉ nên rửa mũi khi cần thiết, tức là khi có các dấu hiệu của viêm mũi dị ứng, cảm cúm, viêm xoang…

Khi sống ở nơi ô nhiễm hoặc đến nơi có khói bụi nhiều, người lớn, trẻ nhỏ cũng có thể rửa mũi 2 lần mỗi ngày. Thao tác rửa mũi cần nhẹ nhàng, an toàn nhất là dùng nước muối sinh lý. Các thuốc xịt, rửa mũi nếu sử dụng thường xuyên có thể làm mất cân bằng hệ vi sinh mũi.





Bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh hướng dẫn bệnh nhân xịt mũi đúng cách. Ảnh: Bệnh viện cung cấp

Bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh hướng dẫn bệnh nhân xịt mũi đúng cách. Ảnh: Bệnh viện cung cấp

Bạn có thể dùng bình xịt rửa và đưa bình rửa mũi vào một bên lỗ mũi, dùng tay bóp với lực vừa phải để dung dịch đủ mạnh chảy vào mũi phải và ra ở mũi trái, sau đó có thể đổi bên, thực hiện như vậy khoảng 2-3 lần mỗi bên. Cuối cùng, bạn xì mũi để tống nước, các chất nhầy ra bên ngoài. Với trẻ nhỏ, phụ huynh tránh dùng xi lanh, không cần rửa mũi thường xuyên nếu trẻ không có vấn đề về sức khỏe.

Lạm dụng thuốc

Thuốc điều trị nghẹt mũi, sổ mũi thường dùng cho những người bị viêm mũi, viêm xoang. Tuy nhiên, bác sĩ Hằng khuyến cáo các loại thuốc này cũng không nên lạm dụng.

“Cứ mỗi khi thời tiết chuyển mùa là nhiều người bệnh lại dùng lại toa thuốc cũ mà không đến thăm khám bác sĩ. Có trường hợp, bệnh nhân uống cả tuần mà không hết thì tự ý tăng liều lượng. Việc mũi bị nghẹt liên tục và sử dụng thuốc chống nghẹt mũi ngày càng thường xuyên, khoảng cách giữa các liều ngắn dần có thể là người bệnh đã lạm dụng thuốc và cho phản ứng ngược”, bác sĩ Hằng nói.

Để giảm nghẹt, sổ mũi, người lớn, trẻ em có thể uống trà gừng ấm, ăn súp gà, tắm nước nóng, dùng tinh dầu trong phòng ngủ, rửa mũi… Nếu áp dụng những biện pháp này nhưng tình trạng không thuyên giảm, người bệnh nên thăm khám bác sĩ. Bác sĩ sẽ hướng dẫn dùng thuốc với liều lượng phù hợp và cần tái khám theo chỉ định để được kiểm tra, điều chỉnh thuốc nếu cần.

Kim Uyên

Trả lời