Sữa, hải sản và trứng là những món ăn mà các bà mẹ nên tránh cho trẻ ăn trong giai đoạn mắc bệnh chàm sữa.
Chàm sữa (lác sữa) là dạng chàm thể tạng ở trẻ từ 2 tháng đến 2 tuổi. Theo Học viện Nhi khoa Mỹ, cứ 10 trẻ thì sẽ có ít nhất một trẻ mắc bệnh chàm sữa. Bệnh lý này không hề gây hại và có thể biến mất khi trẻ trưởng thành nhưng chúng lại có thể khiến các bé ngứa ngáy, quấy khóc và khó chịu. Theo các nhà khoa học, chế độ ăn uống có thể đóng một vai trò quan trọng trong việc kiểm soát các triệu chứng của bệnh chàm. Dưới đây là các món ăn mà phụ huynh cần tránh cho trẻ ăn trong giai đoạn mắc bệnh chàm sữa.
Sữa
Theo một nghiên cứu ở 132 trẻ em bị chàm do thức ăn cho thấy 39% trẻ em phát triển phản ứng tức thì sau khi uống sữa bò. Nguyên nhân do hai thành phần protein có trong sữa là casein và whey. Hai chất này sẽ khiến cơ thể truyền tín hiệu cho hệ thống miễn dịch giải phóng ra histamin và những hóa chất trung gian gây dị ứng. Tuy nhiên, các phụ huynh vẫn có thể cho trẻ dùng sữa hạt như hạnh nhân,hạt điều để bổ sung các chất béo từ thực vật cho trẻ.
Hải sản
Cá và các loại động vật có vỏ như cua, tôm, tôm hùm, hàu đều là nguồn thực phẩm có giá trị dinh dưỡng cao với lượng protein và axit béo omega-3 dồi dào. Tuy nhiên, chúng lại là nguyên nhân khiến bệnh chàm ở trẻ nhỏ thêm trầm trọng. Theo các nhà khoa học, dị ứng cá và động vật có vỏ sẽ gây ra một loạt các tác dụng phụ như phát ban, ngứa và chàm. Bên cạnh đó, một số hải sản chứa lượng histamin tương đối cao làm tăng các phản ứng dị ứng của cơ thể trong đó có chàm sữa.

Bệnh chàm sữa có thể khiến trẻ quấy khóc nhiều và ngủ không ngon giấc. Ảnh: Freepik.
Trứng
Dị ứng trứng là một trong những dị ứng thực phẩm phổ biến nhất. Theo Healthline (Mỹ), trứng có thể gây dị ứng cho khoảng 1,3% trẻ em dưới 5 tuổi. Một nghiên cứu cũng cho thấy trẻ sơ sinh từng mắc bệnh chàm sẽ có nguy cơ bị dị ứng trứng cao hơn gần 6 lần so với trẻ bình thường. Nguyên nhân do lượng protein trong lòng trắng hoặc lòng đỏ trứng đã làm ảnh hưởng đến hệ miễn dịch còn non nớt của trẻ. Hầu hết các trường hợp dị ứng trứng ở trẻ em đều tự khỏi vào khoảng 5 tuổi. Do đó, các mẹ không cần quá lo lắng. Nếu trẻ đang mắc bệnh chàm sữa, phụ huynh nên kiêng tất cả các loại trứng (trứng vịt, trứng gà, cút, ngan, ngỗng,…) và những sản phẩm chế biến từ trứng.
Đậu phộng
Đậu phộng là một chất gây dị ứng phổ biến và có liên quan đến một số phản ứng trên da, bao gồm phát ban ngứa và chàm. Bởi một số protein lạ có trong đậu phộng có thể là nguyên nhân gây dị ứng cho trẻ trong 2 năm đầu đời. Theo các nhà khoa học, tỷ lệ trẻ sơ sinh dị ứng với đậu phộng khá cao nhưng nó sẽ tự biến mất khi trưởng thành. Nếu đậu phộng gây bùng phát bệnh chàm cho bé, các bà mẹ hãy thử hoán đổi một số thành phần khác vào công thức nấu ăn như hạt hoặc bơ hạt.
Lúa mì
Lúa mì là một loại hạt ngũ cốc và là thành phần chính trong nhiều loại thực phẩm, chẳng hạn như bánh mì, mì ống và bánh nướng. Trong loại thực phẩm này có chứa một protein gọi là gluten. Nhiều nghiên cứu cho thấy gluten có thể làm bệnh chàm sữa ở trẻ thêm trầm trọng hơn và dẫn đến các triệu chứng như phát ban, hen suyễn hoặc các vấn đề về tiêu hoá.
Huyền My (Theo Healthline)