5 yếu tố ảnh hưởng tiêu cực đến mức cholesterol Leave a comment

Chế độ ăn uống nhiều chất béo bão hòa, nhiều đường, người mắc bệnh thận, tiểu đường làm tăng mức cholesterol.

Cholesterol rất quan trọng với sức khỏe cơ thể, chúng chỉ gây hại khi hàm lượng cholesterol trong máu vượt ngưỡng cần thiết. Cholesterol không tan trong nước nên được vận chuyển bởi các hạt lipoprotein, bao gồm lipoprotein mật độ thấp (LDL-c) và lipoprotein mật độ cao (HDL-c). Trong đó, LDL – cholesterol được coi là “cholesterol xấu” vì khi dư thừa, chúng làm tăng nguy cơ xơ vữa động mạch. Còn HDL- cholesterol được mệnh danh là “cholesterol tốt” vì chúng dọn dẹp cholesterol dư thừa, mang nó trở lại gan. Sau đó, gan sẽ thải cholesterol ra khỏi cơ thể.

Cholesterol cao thường không có triệu chứng rõ ràng, tình trạng góp phần gây ra bệnh tim mạch. Mức cholesterol cũng có thể bị ảnh hưởng bởi các yếu tố bên ngoài, bao gồm chế độ ăn uống, yếu tố lối sống, theo Verywellhealth.

Không ăn uống lành mạnh

Chế độ ăn nhiều chất béo bão hòa, chất béo chuyển hóa hoặc đường tinh luyện có thể ảnh hưởng xấu đến mức cholesterol. Chế độ ăn tác động bằng cách làm cho LDL – cholesterol tăng lên và mức HDL – cholesterol giảm.

Hiệp hội Tim mạch Mỹ khuyến cáo, mỗi người nên duy trì 5- 6% lượng calo hàng ngày từ chất béo bão hòa. Đường tinh luyện, chất béo chuyển hóa có trong nhiều loại thực phẩm khác nhau, bao gồm bánh quy, bánh ngọt, khoai tây chiên. Mỗi người nên hạn chế thực phẩm này.





Chế độ ăn uống không lành mạnh tác động xấu đến mức cholesterol trong cơ thể. Ảnh: Verywellhealth

Chế độ ăn uống không lành mạnh tác động xấu đến mức cholesterol trong cơ thể. Ảnh: Verywellhealth

Mắc bệnh nền

Một số điều kiện sức khỏe cũng có thể ảnh hưởng xấu đến mức LDL – cholesterol, HDL – cholesterol. Điều này thể hiện rõ với người bệnh không được điều trị đầy đủ.

Cụ thể, người mắc bệnh tiểu đường, tiền tiểu đường, kháng insulin hoặc hội chứng chuyển hóa, béo phì, suy giáp, bệnh thận có mức cholesterol không cân bằng. Trong hầu hết các trường hợp, giải quyết các tình trạng bệnh lý tiềm ẩn sẽ đưa mức cholesterol cân bằng, khỏe mạnh.

Sử dụng thuốc

Một số loại thuốc bạn đang sử dụng cho các tình trạng bệnh lý khác cũng có thể làm tăng nhẹ mức LDL – cholesterol Chúng bao gồm các loại thuốc như thuốc lợi tiểu (được sử dụng để loại bỏ chất lỏng dư thừa khỏi cơ thể), estrogen, progesterone (được sử dụng trong liệu pháp thay thế hormone), thuốc chống loạn thần không điển hình, thuốc chẹn beta và một số loại thuốc điều trị HIV. Trong một số trường hợp, tình trạng cholesterol cao chỉ là tạm thời.

Duy trì thói quen không lành mạnh

Thực tế, những thói quen bạn đang duy trì trong cuộc sống hàng ngày có thể khiến mức cholesterol cao. Một số thói quen ảnh hưởng tiêu cực đến mức cholesterol bao gồm: không tập thể dục; ngủ không đủ giấc, hút thuốc lá, sống và làm việc trong môi trường căng thẳng.

Những thói quen lối sống này có thể làm cho mức LDL – cholesterol tăng lên, trong một số trường hợp cũng làm giảm HDL – cholesterol. Vì vậy, việc thực hiện những thay đổi tích cực trong lối sống bằng cách loại bỏ những thói quen không lành mạnh có thể cải thiện lipid và sức khỏe tim mạch.

Gen

Việc tăng cao LDL – cholesterol, giảm HDL – cholesterol có thể được di truyền từ cha mẹ. Các bệnh về cholesterol khởi phát sớm có liên quan đến đột biến ở một số gen. Nguyên nhân phổ biến nhất là do đột biến gen mã hóa thụ thể LDL.

Nếu xuất thân trong gia đình có tiền sử cholesterol cao hoặc bệnh tim mạch, bạn nên tiết lộ điều này với bác sĩ theo dõi sức khỏe. Chuyên gia có thể theo dõi định kỳ, phát hiện sớm bất kỳ thay đổi trong mức cholesterol, bắt đầu điều trị sớm, ngăn ngừa ảnh hưởng của cholesterol cao.

Lê Nguyễn

Trả lời