6 bệnh xương khớp thường gặp ở phụ nữ mang thai Leave a comment

Đau lưng dưới, viêm xương mu, hội chứng ống cổ tay, viêm cân gan bàn chân, loãng xương… là những bệnh lý về xương khớp phổ biến trong thai kỳ.

Mang thai có thể gây ra nhiều vấn đề trong cơ thể phụ nữ. Những thay đổi về sinh lý cũng như trọng lượng và vị trí của thai nhi có thể là nguyên nhân dẫn tới các vấn đề xương khớp. Dưới đây là 6 rối loạn xương khớp thường gặp trong thai kỳ.

Đau lưng dưới

Hơn một nửa số phụ nữ mang thai bị đau thắt lưng. Thai nhi ngày một phát triển về trọng lượng, kích thước khiến cho các mẹ bầu hay bị mỏi cơ và có thể dẫn đến co thắt cơ. Triệu chứng này sẽ thuyên giảm sau khi sinh con.

Thường xuyên tập luyện các bài tập nhẹ nhàng, tăng cường sức mạnh ở lưng trong tam cá nguyệt thứ nhất và thứ hai sẽ giúp giảm đau đáng kể trong giai đoạn sau của thai kỳ. Nếu trong khi tập cảm thấy không thoải mái, hãy tham khảo ý kiến của các bác sĩ chuyên khoa. Duy trì sức khỏe phần lưng trước khi mang thai có thể giúp mẹ bầu giảm bớt triệu chứng đau trong thai kỳ.

Hội chứng ống cổ tay

Hội chứng ống cổ tay là tình trạng dây thần kinh giữa của cổ tay bị chèn ép gây đau, ngứa ran và tê ở bàn tay, các ngón tay. Tình trạng bệnh có thể trở nên trầm trọng hơn do tình trạng giữ nước trong thai kỳ, đặc biệt là trong 3 tháng giữa thai kỳ. Ở những mẹ bầu tăng cân quá mức, triệu chứng đau có thể nặng hơn. Hội chứng ống cổ tay có thể được điều trị bằng nẹp, chườm đá và tiêm cortisone nếu cần. Tình trạng này thường được cải thiện sau khi sinh em bé.

Đau đùi dị cảm

Chứng dị cảm cơ đùi không phổ biến thường xảy ra ở phụ nữ mang thai và những người thừa cân. Đau đùi dị cảm xuất hiện khi dây thần kinh bì đùi ngoài bị chèn ép, gây ra các triệu chứng đặc trưng gồm ngứa ran, đau châm chích, tê bì ở má đùi ngoài. Nguyên nhân của tình trạng này là do sự phát triển của thai nhi làm gia tăng áp lực lên dây thần kinh ở đùi. Nếu các triệu chứng nghiêm trọng, tiêm cortisone có thể giúp giảm đau và viêm tạm thời. Giống như các bệnh xương khớp kể trên, chứng dị cảm cơ đùi thường sẽ tự khỏi sau sinh.





Đau đùi dị cảm gây ngứa ran, đau châm chích, tê bì ở má đùi ngoài. Ảnh: Stringfixer

Đau đùi dị cảm gây ngứa ran, đau châm chích, tê bì ở má đùi ngoài. Ảnh: Stringfixer

Viêm cân gan bàn chân

Cân gan bàn chân là một dải mô dày, nối xương gót chân với ngón chân. Viêm cân gan chân cũng được gọi là gai gót chân gây ra cảm giác đau nhói ở gót chân và có thể do tăng cân quá nhanh lúc mang thai. Triệu chứng đau thường tồi tệ hơn vào buổi sáng, giai đoạn sau của thai kỳ có xu hướng nặng hơn. Hầu hết các trường hợp viêm cân gan chân có thể được điều trị tại nhà bằng cách chườm đá, mang giày chỉnh hình và xoa bóp chân thường xuyên. Đôi khi bác sĩ cũng chỉ định tiêm thuốc cortisone nếu cơn đau dữ dội hoặc ảnh hưởng đến khả năng vận động.

Viêm xương mu

Xương mu là bộ phận kết nối với hai bên xương chậu. Xương này có thể bị viêm trong thai kỳ do sự tăng lên về kích thước và trọng lượng của thai nhi. Các dây chằng ở quanh khu vực này cũng có thể bị ảnh hưởng và gây đau bởi nội tiết tố thay đổi khiến cho các dây chằng giãn ra để chuẩn bị cho quá trình sinh nở thành công. Chườm đá, chườm nóng có thể giảm đáng kể tình trạng đau và viêm ở xương mu. Việc sử dụng thuốc chống viêm không steroid (NSAID) cần tham khảo ý kiến của bác sĩ.

Loãng xương

Một bệnh lý xương khớp khác có thể xuất hiện ở giai đoạn cuối thai kỳ là chứng loãng xương. Mang thai có thể gây ra tình trạng mất xương khiến khớp háng yếu đi đáng kể. Sự thay đổi nội tiết tố, tăng cân hay sự tắc nghẽn của các mạch máu nhỏ xung quanh hông là những nguyên nhân phổ biến gây nên loãng xương ở mẹ bầu. Họ sẽ cảm thấy cơn đau khởi phát đột ngột, thường ở phía trước đùi, bẹn, một hoặc cả hai bên hông,…

Thuốc NSAID có thể giúp điều trị cơn đau (nếu bác sĩ cho phép), và bổ sung canxi, các chất dinh dưỡng có thể ngăn ngừa mất xương gây loãng xương nghiêm trọng.

Bảo Bảo (Theo Very Well Health)

Trả lời