6 chấn thương bóng rổ thường gặp Leave a comment

Người chơi bóng rổ dễ gặp chấn thương, nếu không điều trị kịp thời có thể gây suy yếu và thoái hóa hệ cơ xương khớp, thậm chí là nguy cơ tàn phế.





Chơi bóng rổ cường độ cao dễ dẫn đến chấn thương. Ảnh: Shutterstock

Chơi bóng rổ cường độ cao dễ dẫn đến chấn thương. Ảnh: Shutterstock

Giải bóng rổ chuyên nghiệp VBA vừa trở lại, các sân chơi bóng rổ nghiệp dư cũng trở nên sôi động hơn. Là một môn thể thao đòi hỏi nhiều động tác phối hợp nhịp nhàng với cường độ cao và liên tục, người chơi bóng rổ rất dễ có nguy cơ chấn thương. Tuy nhiên, nhiều người có xu hướng xem nhẹ những chấn thương do môn thể thao này mang đến, dẫn đến việc nghỉ ngơi không đầy đủ và điều trị sai cách. Hậu quả là những cơn sưng, đau, viêm kéo dài, gây suy yếu và thoái hóa hệ cơ xương khớp, thậm chí là nguy cơ tàn phế, mất khả năng vận động, buộc người bị thương vĩnh viễn chia tay môn thể thao yêu thích.

Theo ThS.BS.CKI Đào Duy An Duy, Trung tâm Chấn thương Chỉnh hình – Hệ thống BVĐK Tâm Anh, dưới đây là những chấn thương thường gặp trong bóng rổ và cách nhận biết:

Chấn thương đầu gối – xương bánh chè

Đây là một trong những chấn thương thường gặp nhất ở các cầu thủ bóng rổ. Tình trạng này xảy ra do áp lực lên khớp gối quá lớn, liên kết kém, từ đó, xương bánh chè không thể di chuyển một cách trơn tru, gây tổn thương các mô bên dưới. Chấn thương này làm khởi phát cơn đau âm ỉ và nhức nhối ở phía trước đầu gối. Cơn đau có thể trở nên trầm trọng hơn khi lên xuống cầu thang, quỳ gối hoặc ngồi xổm, ngồi cong đầu gối trong thời gian dài.

Chấn thương đứt dây chằng chéo trước

Các động tác dừng, đi và đổi hướng diễn ra liên tục, xoay trở đột ngột rất dễ làm cho dây chằng bị tổn thương. Trong đó, chấn thương dây chằng chéo trước được xem là nghiêm trọng nhất. Nguyên nhân là do sự thay đổi đột ngột về hướng hoặc tiếp đất sai kỹ thuật sau các cú nhảy. Để chẩn đoán chính xác về chấn thương dây chằng, robot đánh giá dây chằng đã được đưa vào ứng dụng tại Trung tâm Y học thể thao Tâm Anh. Thông qua các thông số do thiết bị này cung cấp, các vận động viên, người chơi bóng rổ có thể nắm được tình trạng sức khỏe dây chằng của mình. Từ đó, lên kế hoạch điều trị, tập luyện với cường độ thích hợp, giúp bảo vệ dây chằng, giảm nguy cơ đứt dây chằng toàn phần, hạn chế phẫu thuật cấy ghép hoặc khâu nối.





Kiểm tra dây chằng tại Trung tâm Y học thể thao Tâm Anh. Ảnh: BVĐK Tâm Anh

Kiểm tra dây chằng tại Trung tâm Y học thể thao Tâm Anh. Ảnh: BVĐK Tâm Anh

Chấn thương cổ tay và bàn tay

Những kỹ thuật trong thi đấu bóng rổ như đập bóng tại chỗ, chuyển bóng, bắt bóng, tranh bóng… đều cần sự phối hợp linh hoạt giữa bàn tay và cổ tay. Các động tác này có thể dẫn đến một số chấn thương như bong gân, trật khớp, gãy xương… Nơi bị chấn thương đau nhức đột ngột, bầm tím, sưng tấy, cứng khớp…

Các chấn thương vai thường gặp khi chơi bóng rổ là trật khớp vai, viêm hoặc rách chóp xoay, viêm gân chóp xoay, viêm co rút khớp vai, tổn thương sụn viền khớp vai… Người bị chấn thương có cảm giác đau, sưng, cứng khớp vai, không thể cử động vai và cánh tay một cách bình thường, khớp vai biến dạng. Trong trường hợp nặng, có thể dẫn đến biến chứng cứng khớp, teo cơ… ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống và phong độ luyện tập.

Bong gân mắt cá chân

Bong gân mắt cá chân xảy ra khi người chơi té ngã và lật bàn chân, gây bong gân hoặc trật mắt cá ngoài. Nguyên nhân là do việc phối hợp nhiều động tác liên tục, đặc biệt là xoay hướng đột ngột tạo ra một lực lớn tác động đến mắt cá chân, làm cho một hoặc nhiều dây chằng bị kéo căng, giãn ra quá mức dẫn đến bong gân. Các dấu hiệu đặc trưng của chấn thương này là mắt cá bầm tím, viêm nhiễm, sưng tấy, không có khả năng cử động, khớp lỏng lẻo.

Chuột rút

Chuột rút (vọp bẻ) là chấn thương thường gặp trong thể thao, kể cả với bóng rổ. Các động tác thi đấu cường độ cao làm cơ co thắt đột ngột, gây đau dữ dội ở bắp thịt, lúc này người chơi không thể tiếp tục cử động được nữa. Chuột rút thường xảy ra ở cẳng chân, đùi, bàn tay, bàn chân và cơ bụng.





Chấn thương bóng rổ nếu không được điều trị đúng cách có thể gây ra những biến chứng nặng nề. Ảnh: Shutterstock

Chấn thương bóng rổ nếu không được điều trị đúng cách có thể gây ra những biến chứng nặng nề. Ảnh: Shutterstock

Bác sĩ An Duy khuyến nghị, khi bị chấn thương, người chơi cần hạn chế cử động để khu vực tổn thương được nghỉ ngơi đến khi cơn đau thuyên giảm. Sơ cứu bằng phương pháp chườm lạnh tại vị trí bị chấn thương sớm, thực hiện 4 – 8 lần/ngày, mỗi lần khoảng 10 – 15 phút, giúp giảm sưng hiệu quả. Người bị thương có thể sử dụng các thuốc giảm đau, chống viêm, giảm phù nề… Nếu tình trạng không cải thiện, người bệnh nên đến bệnh viện để các bác sĩ thăm khám, tránh những biến chứng nghiêm trọng về sau.

Ngoài ra, để giảm thiểu nguy cơ chấn thương khi chơi bóng rổ, người chơi cần lưu ý khởi động kỹ trước khi tham gia thi đấu hay tập luyện, kiểm soát tốc độ, sức lực, chọn giày phù hợp và sử dụng kỹ thuật tốt.

Phi Hồng

Trả lời