6 lời khuyên ăn uống giúp ngăn ngừa sỏi thận Leave a comment

Bỏ thói quen ăn uống vô độ, uống đủ nước, giảm lượng muối nạp vào cơ thể là những cách ăn uống giúp ngăn ngừa sỏi thận.

Thận là cơ quan nằm ở bụng trên, dưới xương sườn, về phía lưng. Chức năng của thận là lọc máu bằng cách loại bỏ các chất thải, cân bằng lượng chất lỏng và giữ cho mức điện giải trong tầm kiểm soát. Sỏi thận được hình thành khi lượng nước tiểu quá ít hay nồng độ các chất khoáng trong nước tiểu tăng cao, lắng đọng lại, lâu ngày kết lại tạo thành sỏi.

Sỏi thận có thể nhỏ bằng hạt cát hoặc lớn bằng quả bóng golf, dù sỏi lớn rất hiếm gặp. Khi tồn tại trong thận, sỏi làm tăng nguy cơ nhiễm trùng. Khi những viên sỏi này đi qua niệu quản tương đối hẹp, chúng có thể gây đau, chảy máu, nhiễm trùng, buồn nôn, nôn, sốt và ớn lạnh. Những viên sỏi thận nhỏ có thể tự đào thải ra ngoài qua nước tiểu, nhưng những viên sỏi lớn hơn thường phải phẫu thuật để loại bỏ.

Bệnh sỏi thận khá phổ biến, một người sau khi phát hiện mắc sỏi thận lần một có nguy cơ tái mắc sỏi thận nhiều lần khác. Tuy nhiên, sỏi thận có thể ngăn ngừa dễ dàng bằng cách chú ý đến chế độ ăn uống, cung cấp đủ nước cho cơ thể.

Uống đủ nước

Cung cấp đủ chất lỏng cho cơ thể là yếu tố rất quan trọng để ngăn ngừa sỏi. Nếu không đủ nước, nước tiểu sẽ trở nên cô đặc dẫn đến khả năng hình thành sỏi cao hơn. Mặt khác, đồ uống có đường, chẳng hạn như soda và nước trái cây có đường, có thể làm tăng nguy cơ hình thành sỏi. Nước ngọt có gas thúc đẩy quá trình tạo sỏi thận vì chúng có chứa axit photphoric.

Các chuyên gia khuyên mọi người nên uống ít nhất 8-10 cốc nước mỗi ngày. Hãy tăng lượng nước uống nếu phải hoạt động nhiều, đổ mồ hôi nhiều hơn hoặc sống ở vùng có khí hậu nóng hơn. Người có nguy cơ sỏi thận nên hạn chế cà phê hoặc đồ uống có chứa caffein khác ở mức 3 cốc mỗi ngày, vì quá nhiều caffein có thể làm cơ thể nhanh mất nước.





Uống ít nhất 8-10 cốc nước mỗi ngày để ngăn ngừa hình hành sỏi. Ảnh: Freepik

Uống ít nhất 8-10 cốc nước mỗi ngày để ngăn ngừa hình hành sỏi. Ảnh: Freepik

Cân bằng lượng protein với trái cây và rau

Các nghiên cứu cho thấy rằng những người có chế độ ăn nhiều trái cây và rau quả thường có tỷ lệ mắc bệnh sỏi thận thấp hơn người không ăn rau, củ quả. Lý do có thể là do protein động vật làm cho nước tiểu có tính axit hơn, góp phần hình thành sỏi. Tuy nhiên không vì lý do này mà mọi người loại bỏ thịt ra khỏi thực đơn hằng ngày. Thay vào đó hãy cân bằng lượng axit trong cơ thể bằng cách ăn nhiều trái cây và rau để tạo kiềm.

Nạp canxi vừa phải

Mặc dù hầu hết sỏi thận xảy ra do dư thừa canxi oxalat, điều này không có nghĩa mọi người nên tránh canxi. Canxi rất quan trọng đối với sức khỏe của xương, do vậy nên nạp đủ lượng canxi khuyến nghị hàng ngày.

Giảm thực phẩm giàu oxalate

Giảm lượng thức ăn có nhiều oxalat có thể giúp giảm lượng oxalat trong thận. Thực phẩm có nhiều oxalat bao gồm rau bina, cám gạo, hạnh nhân, hạt điều, bột ca cao, trà đen, đậu phụ và khoai lang.

Giảm muối

Lượng natri cao trong chế độ ăn uống có thể làm tăng nguy cơ bị sỏi thận. Vì vậy, khi có nguy cơ mắc sỏi thận, mọi người nên hạn chế lượng lượng natri nạp vào cơ thể bằng cách hạn chế thực phẩm chế biến sẵn, ăn nhiều thực phẩm nguyên chất, chưa qua chế biến.





Thực phẩm chiên, chế biến sẵn giàu natri. Ảnh: Freepik

Thực phẩm chiên, chế biến sẵn giàu natri. Ảnh: Freepik

Ăn uống điều độ

Các bữa ăn lớn và ăn uống vô độ, đặc biệt là vào ban đêm, có thể dẫn đến nước tiểu cô đặc. Hơn nữa, ăn uống không khoa học làm phá vỡ chất béo dự trữ trong cơ thể, tạo ra các sản phẩm phụ phải lọc qua thận. Những sản phẩm phụ này có xu hướng làm cho nước tiểu có tính axit hơn, có thể dẫn đến sỏi.

Anh Chi (Theo VeryWellHealth)

Trả lời