6 phương pháp phẫu thuật sỏi thận phổ biến Leave a comment

Nội soi niệu quản, tán sỏi thận qua da, tán sỏi bằng điện xung kích hay mổ hở… là những phương pháp điều trị sỏi thận phổ biến hiện nay.

Sỏi thận là tình trạng các chất khoáng trong nước tiểu lắng đọng lại ở thận, bàng quang, niệu quản… kết thành những tinh thể rắn, gây ra các cơn đau ở vùng thận và vị trí xung quanh. Phương pháp điều trị phổ biến nhất của sỏi thận là phẫu thuật để lấy sỏi ra ngoài. Phẫu thuật sỏi thận là phương pháp loại bỏ toàn bộ kích thước của viên sỏi hoặc tán nhỏ để tiêu sỏi qua da hoặc đường bài tiết dễ dàng.

Có nhiều phương pháp phẫu thuật sỏi thận khác nhau. Tùy thuộc vào tình trạng bệnh, kích thước và vị trí của sỏi mà các bác sĩ sẽ chỉ định các phương pháp phẫu thuật dưới đây:

Tán sỏi bằng sóng xung kích

Tán sỏi bằng sóng xung kích (SWL) là phương pháp loại bỏ sỏi ít gây đau, ít xâm lấn trực tiếp và bệnh nhân sẽ được xuất viện về nhà sớm hơn. Phương pháp này đòi hỏi phải sử dụng sóng xung kích năng lượng cao để phá vỡ viên sỏi thận, tán ra thành những mảnh nhỏ, mảnh. Chúng sẽ dễ dàng đi qua đường tiết niệu và ra khỏi cơ thể.

Ưu điểm của phương pháp này là ít gây biến chứng nên bệnh nhân thường có thể về nhà ngay trong ngày hoặc sau 1-2 nếu ca phẫu thuật kéo dài hoặc phức tạp. Tuy nhiên, với những viên sỏi cứng hoặc có kích thước quá lớn có thể phải tán lại 2-3 lần mới hết hoàn toàn.

Nội soi niệu quản

Nội soi niệu quản (URS) được sử dụng để điều trị sỏi tích tụ trong niệu quản, đặc biệt là sỏi ở vị trí gần bàng quang. Trước khi chỉ định tán sỏi niệu quản bằng phương pháp nội soi, bác sĩ sẽ thực hiện các biện pháp thăm khám và chẩn đoán hình ảnh như: tổng phân tích nước tiểu, chụp X-quang bộ niệu không chuẩn bị, siêu âm, CT scan hệ niệu… Khi làm phẫu thuật, các bác sĩ sẽ sử dụng ống soi qua niệu đạo và bàng quang để tìm tới vị trí của viên sỏi. Viên sỏi sẽ được loại bỏ toàn bộ hoặc sử dụng tia laser làm vỡ nếu kích thước quá lớn.





Nội soi niệu quản là phương pháp điều trị sỏi thận tiên tiến, hiệu quả cao Ảnh: Health Replies

Nội soi niệu quản là phương pháp điều trị sỏi thận tiên tiến, hiệu quả cao. Ảnh: Health Replies

Nhờ những sự tiên tiến về kỹ thuật và hiệu quả mang lại, nội soi niệu quản tán sỏi đang ngày một phổ biến, thay thế phần lớn phương pháp mổ hở truyền thống. Cũng giống với phương pháp SWL, bệnh nhân có thể sớm được ra viện.

Tuy nhiên, phương pháp này không được áp dụng cho các trường hợp bệnh nhân có rối loạn đông máu, nam giới bị hẹp niệu đạo, bị nhiễm trùng đường tiết niệu nặng, thận ứ nước nhiều…

Tán sỏi thận qua da

Đây là một trong những phẫu thuật an toàn, ít gây tổn thương thận, có tỉ lệ sạch sỏi cao, đau vết mổ ít. Kỹ thuật này là lựa chọn đầu tiên với những sỏi kích thước lớn từ 1-2cm. Ở phương pháp này, các bác sĩ sẽ đưa ống nội soi vào qua một vết rạch nhỏ ở phía sau để xâm nhập và loại bỏ sỏi thận. Tán sỏi thận qua da (PNL) thường được chỉ định cho những bệnh nhân có sỏi lớn (hơn 20mm) hoặc sỏi thận có liên quan đến nhiễm trùng đường tiết niệu.

Trong một số trường hợp, ống dẫn nước tiểu sẽ được đưa qua da vào thận trong lúc tiến hành tán sỏi. Bệnh nhân được phẫu thuật cắt thận qua da chỉ cần nằm viện từ một đến hai đêm.

Nội soi bằng ống mềm

Một trong những kỹ thuật hiện đại khác chính là tán sỏi nội soi bằng ống soi mềm dưới tác động của tia laser để sỏi vỡ ra. Phương pháp này giúp bảo tồn chức năng thận cho người bệnh, được chỉ định cho bệnh nhân bị sỏi thận đài dưới gây kẹt cổ đài, ứ nước đài dưới thận, sỏi thận sót hoặc tái phát…

Tuy phương pháp trị sỏi thận này mang đến rất nhiều ưu điểm và khá an toàn cho người bệnh, nhưng sau phẫu thuật người bệnh có thể có những biểu hiện bất thường như: các cơn đau thắt lưng lan xuống vùng sinh dục, tiểu ra máu…

Nội soi bằng ống soi cứng

Nội soi niệu quản bằng ống soi cứng cũng là một kỹ thuật cao giúp điều trị sỏi niệu quản ở nhiều vị trí khác nhau, nhưng hiệu quả nhất là với sỏi ở vị trí 1/3 giữa và dưới, có kích thước > 10mm. Máy nội soi sẽ được luồn qua miệng niệu quản đi lên để tiếp cận với sỏi và dùng tia laser tán nhỏ sỏi ra. Sỏi sao đó sẽ được lấy ra hoặc để tự đào thải ra ngoài qua đường tiểu.

Tuy có hiệu quả cao nhưng phương pháp này không được áp dụng cho bệnh nhân có nhiễm khuẩn tiết niệu chưa điều trị ổn định hoặc bị hẹp đường tiết niệu, không đặt được máy soi. Sau điều trị, bệnh nhân có thể gặp một số biến chứng liên quan tới đường tiết niệu.

Phẫu thuật mở

Từ khi có các kỹ thuật mổ nội soi, phẫu thuật mở hiếm khi được thực hiện. Phương pháp này được chỉ định khi các biện pháp phẫu thuật nội soi xâm lấn tối thiểu đã thất bại hoặc cho bệnh nhân bị sỏi ứ đọng, niệu quản phức tạp do mắc bệnh béo phì.

Trong quá trình phẫu thuật mở, sỏi được lấy ra thông qua một vết cắt ở bụng hoặc bên hông của bệnh nhân. Phẫu thuật mở thường yêu cầu nằm viện từ 6 đến 9 đêm.

Bảo Bảo (Theo Very Well Health)

Trả lời