7 cách giảm tiểu đêm Leave a comment

Bên cạnh dùng thuốc điều trị, việc điều chỉnh lối sống như hạn chế uống nước vào chiều tối, giảm ăn muối, giảm tiêu thụ caffein… cũng giúp giảm chứng tiểu đêm.

Tiểu đêm là một thuật ngữ y khoa để chỉ nhu cầu thức dậy trong khi ngủ để đi tiểu. Việc một người thức dậy một lần trong đêm để đi tiểu là chuyện bình thường. Tuy nhiên, khi điều này xảy ra từ 2 lần trở lên mỗi đêm, nó có thể tác động tiêu cực đến chất lượng cuộc sống vì giấc ngủ bị gián đoạn, dẫn đến tăng nguy cơ bị thương vào ban đêm do té ngã, mệt mỏi vào ban ngày và tăng nguy cơ tai nạn do mệt mỏi.

Có những yếu tố để xác định mức độ tiểu đêm bình thường với hầu hết mọi người. Ví dụ, đi tiểu đêm xảy ra nhiều hơn nếu bạn uống gì đó ngay trước khi đi ngủ và cũng phổ biến hơn ở người lớn tuổi. Hầu hết những người không mắc chứng tiểu đêm có thể ngủ từ 6-8 tiếng mà không cần phải đi tiểu. Nếu phải đi vệ sinh từ 2 lần trở lên mỗi đêm, bạn nên nói chuyện với bác sĩ tiết niệu về chứng tiểu đêm.

Tiểu đêm liên quan đến sự lão hóa, suy giảm chức năng thận và giảm khả năng cô đặc nước tiểu. Chứng tiểu đêm ở nam và nữ phổ biến như nhau. Tuy nhiên, ở nam giới, phì đại tuyến tiền liệt có thể góp phần gây ra chứng tiểu đêm.

Tiểu đêm cần dựa vào nhiều yếu tố để đánh giá kỹ lưỡng mới có thể phân loại và điều trị thích hợp. Tiểu đêm thường phụ thuộc vào một trong ba yếu tố: sự sản xuất nước tiểu ban đêm bởi thận, dung tích bàng quang và trạng thái ngủ. Ở những người cao tuổi, việc sản xuất quá nhiều nước tiểu vào ban đêm là nguyên nhân chính gây ra tình trạng tiểu đêm nhiều lần.





Chứng tiểu đêm gây ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống. Ảnh: Shutterstock

Chứng tiểu đêm gây ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống. Ảnh: Shutterstock

Bên cạnh việc dùng thuốc điều trị, những cách điều chỉnh lối sống dưới đây có thể giúp hạn chế chứng tiểu đêm.

Đi tiểu trước khi đi ngủ: Đảm bảo rằng có ít nước tiểu trong bàng quang nhất có thể ngay trước khi đi ngủ để giúp loại bỏ nhu cầu dậy đi tiểu vào ban đêm.

Hạn chế uống nước vào chiều muộn và tối: Đảm bảo tiêu thụ đủ chất lỏng trong ngày, nhưng hạn chế uống nước trong 2-4 giờ trước khi đi ngủ.

Hạn chế muối: Việc giảm ăn muối đã được chứng minh lâm sàng làm giảm các trường hợp đi tiểu đêm.

Hạn chế caffeine và rượu: Caffeine làm tăng hoạt động của bàng quang và do đó có thể gây đi tiểu đêm, đặc biệt nếu tiêu thụ vào thời điểm muộn trong ngày. Rượu có thể hoạt động như một chất kích thích bàng quang và cũng nên tránh.

Điều chỉnh thời gian dùng thuốc: Các loại thuốc, đặc biệt là thuốc lợi tiểu, có thể ảnh hưởng đến việc sản xuất nước tiểu vào ban đêm. Tuy nhiên, cần tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi điều chỉnh việc dùng thuốc.

Sử dụng tất ép: Nâng cao chân và sử dụng tất y khoa cung cấp lực nén ép giúp ngăn ngừa tích tụ chất lỏng ở chân. Điều này đảm bảo chất lỏng được phân phối đúng cách trong máu và giúp giảm nhu cầu đi tiểu.

Thuốc ngủ: Thuốc ngủ có thể là một phần của kế hoạch điều chỉnh lối sống do bác sĩ đưa ra để duy trì thói quen ngủ lành mạnh khi được xác định rằng không có bệnh lý tiềm ẩn có hại và việc ngủ bất chấp tín hiệu đi tiểu sẽ không gây ra bất kỳ vấn đề nào khác.

Anh Ngọc (Theo NJ Urology)

Trả lời