7 thắc mắc thường gặp khi chạy thận nhân tạo Leave a comment

Hiểu về chạy thận nhân tạo giúp người bệnh được chăm sóc tốt hơn, giảm bớt biến chứng và duy trì sức khỏe trong thời gian chờ các biện pháp thay thế thận.

Thầy thuốc ưu tú BS.CKII Tạ Phương Dung, Phó Giám đốc Trung tâm Tiết niệu thận học, Bệnh viện đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết, chạy thận nhân tạo là phương pháp điều trị dành cho người bị suy thận giai đoạn cuối hoặc suy thận cấp, nhằm đào thải lượng nước dư thừa, muối, chất độc, chất thải ra khỏi cơ thể. Đây là một hành trình nhiều thử thách, đòi hỏi người bệnh và thân nhân cần phải có những kiến thức nhất định để chăm sóc tốt hơn, ngăn bệnh tiến triển.

Chạy thận nhân tạo có thực hiện suốt đời?

Khi thận yếu hoặc không có khả năng đào thải chất độc và nước dư thừa trong cơ thể, người bệnh cần được chạy thận nhân tạo. Nếu người bệnh được chạy thận do nguyên nhân suy thận mạn thì sẽ phụ thuộc vào phương pháp này suốt phần đời còn lại để duy trì sự sống.

Bác sĩ Tạ Phương Dung cho biết, trong trường hợp người bệnh có chỉ định ghép thận và tìm được nguồn thận hiến tặng phù hợp sẽ không phải sử dụng phương pháp này. Hoặc người bệnh có thể sử dụng các phương pháp thải độc khác thay cho thận, điển hình như lọc màng bụng để tống xuất chất độc và nước dư thừa ra ngoài thay thế chạy thận nhân tạo.

Lợi ích của việc chạy thận nhân tạo?

Chạy thận nhân tạo có khả năng thay cho thận bị yếu chỉ còn 10-15% khả năng hoạt động. Phương pháp này được sử dụng từ những năm 1940 và mang đến nhiều lợi ích như cân bằng các chất điện giải và nước trong cơ thể, kiểm soát huyết áp, bảo vệ các cơ quan khác khỏi nguy cơ bị tổn thương do chất độc tích tụ đe dọa tính mạng…

Người chạy thận nhân tạo có thể sinh hoạt, học tập như bình thường và định kỳ đến bệnh viện để chạy thận. Một người bắt đầu chạy thận ở tuổi cuối 20 có thể kéo dài sự sống đến 20 năm hoặc lâu hơn. Nhờ sự phát triển của y học hiện đại, trong những thập kỷ trở lại đây, tỷ lệ sống của người chạy thận nhân tạo đã khả quan hơn và dự kiến sẽ được cải thiện trong tương lai.

Dạng máy lọc HDF Online (thẩm tách siêu lọc liên tục), hoặc sử dụng các loại màng chất lượng cao (Hight flux), màng lọc hấp phụ…. sẽ lọc được nhiều hơn các chất độc mà phương pháp hoặc máy thông thường không lọc được, giúp tăng chất lượng cuộc sống người bệnh.





Bác sĩ Tạ Phương Dung đọc kết quả chụp cắt lớp vi tính (CT) thận. Ảnh: BVĐK Tâm Anh

Bác sĩ Tạ Phương Dung đọc kết quả chụp cắt lớp vi tính (CT) thận. Ảnh: BVĐK Tâm Anh

Thời gian lọc máu kéo dài trong bao lâu?

Tùy vào từng trường hợp cụ thể, nếu người bệnh bị suy thận cấp có thể ngừng chạy thận nhân tạo khi sức khỏe của thận hồi phục.

Thông thường, những người bị suy thận mạn giai đoạn cuối sẽ cần ghép thận. Thời gian chạy thận cần được duy trì cho đến khi tìm được thận phù hợp. Nếu không được ghép thận do sức khỏe kém không thể chịu được cuộc phẫu thuật lớn, tài chính không đủ hay không có thận hiến tặng… có thể phải chạy thận trong suốt phần đời còn lại.

Quá trình chạy thận diễn ra như thế nào?

Kỹ thuật viên lọc máu sẽ đặt hai cây kim vào cánh tay của người bệnh. Mỗi kim được gắn vào một ống mềm được kết nối với máy lọc máu. Máy hút máu từ trong cơ thể chuyển qua bộ lọc. Bộ lọc có cấu tạo gồm 2 phần dành cho máu và dịch lọc được ngăn cách bởi một lớp màng rất mỏng nhưng có khả năng tách các chất thải như ure, kali, creatinine… với tế bào, proteine…

Sau khi máu được lọc sạch sẽ được trả lại cơ thể người bệnh. Người bệnh có thể đến các trung tâm lọc máu 3 ngày/tuần, 3-4 giờ/lần.

Có thể thay thế chạy thận nhân tạo bằng phương pháp khác?

Ngoài chạy thận nhân tạo, người bệnh có thể sử dụng phương pháp thẩm phân phúc mạc hay còn gọi là lọc màng bụng. Người bệnh sẽ dùng chính màng bụng để lọc độc tố thay vì một chiếc máy đặt bên ngoài cơ thể.

Tuy nhiên, một phương pháp đều có những ưu, nhược điểm riêng. Phương pháp thẩm phân phúc mạc có thể thực hiện tại nhà, tiện lợi và thoải mái hơn, nhưng người bệnh phải thực hiện hàng ngày, tốn chi phí trang bị dụng cụ lọc riêng cho bản thân…





Người bệnh cần đến bệnh viện lọc máu khoảng 3 lần/tuần. Ảnh: Shutterstock

Người bệnh cần đến bệnh viện lọc máu khoảng 3 lần/tuần. Ảnh: Shutterstock

Dấu hiệu cảnh báo nguy hiểm?

Việc chạy thận nhân tạo không gây đau, nhưng có thể có một số tác dụng phụ và một số vấn đề liên quan đến mạch máu. Người bệnh thường bị hạ huyết áp, buồn nôn, nôn mửa, da khô, mẩn ngứa, chuột rút, khó ngủ, đau nhức xương khớp, mệt mỏi nhiều.

Một trong những biến chứng nguy hiểm của chạy thân nhân tạo là nhiễm trùng máu, có thể dẫn đến nguy cơ suy đa tạng và tử vong. Người bệnh nên cảnh giác với các triệu chứng chóng mặt, buồn nôn, nổi mẩn. Nếu bị sốt cao nên liên lạc với nhân viên y tế ngay để được hỗ trợ.

Người chạy thận nhân tạo nên lưu ý gì?

Sức khỏe của người chạy thận nhân tạo bị ảnh hưởng rất nhiều. Do đó, bản thân người bệnh và thân nhân cần đặc biệt chú ý khi chăm sóc. Uống thuốc đầy đủ, đúng liều theo chỉ định của bác sĩ để giảm tác dụng phụ của việc chạy thận.

Trong sinh hoạt hàng ngày cần chú ý xây dựng lối sống lành mạnh, vận động phù hợp với thể chất. Xây dựng chế độ dinh dưỡng khoa học, tránh thức ăn nhiều muối, phospho, thức ăn nhanh, đồ chế biến sẵn, thực phẩm đóng hộp, nước uống có gas, thực phẩm lên men… Người bệnh nên chọn thức ăn giàu sắt, chất đạm để hạn chế ảnh hưởng của tình trạng thiếu máu, suy dinh dưỡng, giúp cải thiện tình trạng mệt mỏi, choáng váng.

Bác sĩ Tạ Phương Dung chia sẻ, tỷ lệ người bị suy thận mạn giai đoạn cuối phải chạy thận nhân tạo ở Việt Nam chiếm khoảng 0,1% dân số, tương đương 800.000 người. Phát hiện muộn và điều trị không đúng phác đồ là hai nguyên nhân hàng đầu dẫn đến mất chức năng thận.

:Chạy thận nhân tạo không có tác dụng chữa hết bệnh suy thận, mà chỉ nhằm duy trì sự sống cho người bệnh. Tiên lượng sống của nhóm bệnh nhân này thường không hơn 10 năm. Vì vậy, mỗi người nên ý thức chăm sóc sức khỏe tốt hơn, sinh hoạt điều độ, khám sức khỏe định kỳ để kịp thời phát hiện, điều trị sớm các bệnh lý ở thận, giảm nguy cơ suy thận hoặc phải chạy thận nhân tạo”, Bác sĩ Phương Dung lưu ý.

Hân Thái

Trả lời