7 thói quen xấu gây đau cổ vai gáy tái phát thường xuyên Leave a comment

Các chuyên gia Cơ xương khớp Bệnh viện đa khoa Tâm Anh cho biết, tình trạng đau nhức cổ vai gáy có thể được chữa khỏi, nếu thay đổi 7 thói quen xấu dưới đây.

Theo Thạc sĩ, Bác sĩ Chuyên khoa I Đinh Phạm Thị Thúy Vân, Trung tâm Chấn thương chỉnh hình, Hệ thống BVĐK Tâm Anh, mỗi năm ở Mỹ có hàng trăm nghìn người bị đau nhức cổ vai gáy mạn tính. Ở Việt Nam, tỷ lệ người gặp tình trạng này cũng không nhỏ.

Tình trạng đau cổ vai gáy phần lớn là do không giữ cho cột sống thẳng hàng. Cứ mỗi 2,5cm cổ nghiêng về phía trước sẽ làm tăng áp lực tương đương khoảng 4kg lên các cơ ở lưng và cổ.

Bệnh thường tập trung ở nhóm đối tượng có tư thế làm việc cố định, chịu lực lên cột sống nhiều, ít vận động như nhân viên văn phòng, tài xế, phi công… Nguyên nhân gây đau cổ vai gáy còn có thể đến từ các bệnh lý thoái hóa đốt sống, căng cơ cạnh cột sống, thoát vị đĩa đệm, chấn thương… Biến chứng của đau cổ vai gáy rất đa dạng, gây ảnh hưởng lớn đến chất lượng cuộc sống như: đau đầu, đau nhức lan xuống cánh tay, hạn chế khả năng vận động, tê bì…

Sau điều trị, bệnh dễ tái phát do người bệnh không nhận biết và khắc phục những thói quen xấu hàng ngày như:

Hút thuốc lá

Thuốc lá có hại cho cơ thể nói chung và cơ xương khớp nói riêng. Chất nicotine có trong thuốc lá làm hỏng các mạch máu, hạn chế lưu lượng máu đến cột sống và có thể gây ra các vấn đề về đĩa đệm. Hút thuốc cũng gây mất nước, giảm thể tích nhân nhầy trong đĩa đệm khiến cho cột sống cổ dễ bị hư hại hơn.

Những người thường xuyên bị đau nhức cổ vai gáy nên lên kế hoạch bỏ thuốc lá để tránh bệnh tái phát. Hút thuốc lá càng lâu, cơn đau nhức sẽ càng trầm trọng hơn.

Tư thế sinh hoạt không đúng

Khi bạn cúi gằm xuống nhìn vào điện thoại, gập cổ để làm việc trên máy tính… các đốt sống sẽ không thẳng hàng. Tình trạng này kéo dài sẽ làm lệch các đốt sống cổ, dễ chèn ép dây thần kinh dẫn đến đau nhức.

Vì vậy, bác sĩ Thúy Vân khuyến cáo giữ tư thế đúng trong sinh hoạt hàng ngày. Cho dù đang ngồi hay đứng cũng nên giữ vai không bị gập về phía trước, ngẩng đầu và thẳng lưng để cổ thẳng hàng với lưng. Thói quen được hình thành từ rất lâu, nên bạn sẽ dễ trở lại tư thế sai khi không chú ý. Vì vậy nên chú ý tư thế nhiều lần trong ngày và chỉnh sửa ngay khi cần.





Bác sĩ Thúy Vân tư vấn cho người bệnh tại Trung tâm Chấn thương chỉnh hình. Ảnh: BVĐK Tâm Anh

Bác sĩ Thúy Vân tư vấn cho người bệnh tại Trung tâm Chấn thương chỉnh hình. Ảnh: BVĐK Tâm Anh

Ngủ sai tư thế

Nằm sấp, nghiêng đầu sang một bên, sử dụng gối quá cao hay quá thấp… là những nguyên nhân khiến cho người bị đau cổ vai gáy dễ tái phát bệnh. Khi nằm sai tư thế, đốt sống cổ và mạch máu chịu nhiều áp lực dẫn đến thiếu oxy cho tế bào, gia tăng nồng độ axit lactic tấn công các cơ. Nếu nằm lâu ngày trên gối quá cao hoặc quá thấp, cổ sẽ quá cúi hoặc quá ngửa cũng làm dây chằng bị căng.

Để tránh nguy cơ tái phát bệnh đau cổ vai gáy và biến chứng do tổn thương dây thần kinh khác, người bệnh nên thay đổi thói quen xấu khi ngủ. Ưu tiên nằm ngửa trên gối có độ dày ngang bằng vai, mềm mại, thoải mái để giữ cho cột sống cổ thăng bằng, tránh nguy cơ tổn thương gây thoái hóa sớm.

Ngồi quá nhiều

Nhân viên văn phòng thường ngồi ở một vị trí chăm chú nhìn vào màn hình máy tính suốt nhiều giờ, khiến cơ bắp căng cứng. Đồng thời, khi nghiêng người về phía trước để nhìn vào màn hình máy tính, tình trạng bệnh sẽ càng trầm trọng thêm.

Bác sĩ Thúy Vân khuyến cáo nhân viên văn phòng nên đứng lên, vươn vai và đi lại ít nhất một lần/giờ. Bạn cũng nên cân nhắc đến việc thay đổi không gian làm việc bằng cách sử dụng một chiếc bàn đứng để có thể xen kẽ giữa ngồi và đứng, giúp các cơ được nghỉ ngơi. Khi ngồi, không bắt chéo chân mà đặt xuống sàn tạo thành góc vuông 900. Quan trọng nhất là điều chỉnh màn hình máy tính ở ngang tầm mắt để không phải cúi xuống.

Sử dụng điện thoại di động quá nhiều

Hầu hết mọi người đều sử dụng điện thoại di động hàng ngày. Khi dùng điện thoại, chúng ta có xu hướng cúi đầu, đó là nguyên nhân dẫn đến căng và đau nhức cổ.

Để tránh tái phát đau cổ vai gáy, lý tưởng nhất là cắt giảm thời gian sử dụng điện thoại. Nếu không thể, nên thay đổi tư thế khi sử dụng. Thay vì cúi xuống để nhìn vào màn hình, bạn có thể nâng điện thoại lên ngang tầm mắt. Sử dụng tai nghe để tránh nghiêng đầu quá nhiều. Tránh sử dụng điện thoại quá lâu mà nên thiết lập thời gian nghỉ ngơi để thư giãn các cơ.





Thói quen sử dụng điện thoại nhiều, ngồi sai tư thế dễ gây đau cổ vai gáy. Ảnh: Shutterstock

Thói quen sử dụng điện thoại nhiều, ngồi sai tư thế dễ gây đau cổ vai gáy. Ảnh: Shutterstock

Tập luyện thể thao không đúng cách

Các hoạt động thể dục thể thao giúp cải thiện sức khỏe thể chất và tinh thần. Tuy nhiên, tập luyện không đúng cách cũng có thể làm trầm trọng thêm các vấn đề sức khỏe hiện có. Điển hình như các thao táo gập bụng, đạp xe, nâng tạ hay bơi lội cũng có thể làm căng, vẹo do nghiêng cổ sang một bên. Vì thế, nên tập trung vào các chuyển động cân bằng và nhịp nhàng, không nên cúi hoặc gắng sức quá mức. Nếu cổ bị đau có thể lan xuống vai, cột sống và xa hơn nữa.

Không chữa trị sớm

Ngay cả khi bạn đã quen với các cơn đau cổ vai gáy thì vẫn cần phải nhớ rằng đây không phải là những cơn đau tự nhiên. Do đó, sau điều trị nếu cảm thấy cơn đau có dấu hiệu quay trở lại, nên đến ngay các bệnh viện chuyên khoa để được kiểm tra và đánh giá cụ thể. Các chuyên gia cơ xương khớp có thể hướng dẫn một số bài tập giúp giảm căng thẳng. Khi cơn đau không được cải thiện, bác sĩ sẽ có biện pháp tích cực hơn để giảm các triệu chứng khó chịu.

“Các cơn đau cổ vai gáy rất dễ tái phát khi người bệnh có thói quen sinh hoạt không hợp lý sau khi điều trị. Thông thường, khi bệnh tái phát sẽ phức tạp và mất nhiều thời gian điều trị hơn. Do đó, trong các hoạt động sinh hoạt, học tập hàng ngày, mỗi người nên xây dựng thói quen đúng để bảo vệ sức khỏe cơ xương khớp, nâng cao chất lượng cuộc sống”, bác sĩ Thúy Vân lưu ý.

Hân Thái

Trả lời