8 cách thoát khỏi nhiễm trùng đường tiết niệu không cần dùng thuốc Leave a comment

Người bị nhiễm trùng đường tiết niệu nên uống nhiều nước, không nhịn tiểu, lau sạch vùng kín…, giúp sớm thoát khỏi tình trạng khó chịu mà không cần dùng thuốc.

Nhiễm trùng đường tiết niệu (UTIs) thường nhẹ nhưng có thể trở nên nghiêm trọng nếu không được điều trị. Theo Viện Y tế Quốc gia Mỹ, nhiễm trùng đường tiết niệu ảnh hưởng đến 150 triệu người trên toàn thế giới mỗi năm.

Dù tình trạng này có thể xảy ra ở bất kỳ ai, phụ nữ dễ bị nhiễm trùng hơn do niệu đạo, ống dẫn nước tiểu ra khỏi bàng quang, ở phụ nữ ngắn hơn ở nam giới. Khoảng cách ngắn hơn làm vi khuẩn xâm nhập và đến bàng quang dễ dàng hơn. Các triệu chứng nhiễm trùng tiểu phổ biến bao gồm cảm giác nóng rát khi đi tiểu, đi tiểu thường xuyên, nước tiểu đục hoặc sẫm màu, nước tiểu có mùi nặng, cảm giác trống rỗng bàng quang, đau vùng xương chậu…

95% nguyên nhân gây ra nhiễm trùng tiểu là do vi khuẩn, 5% còn lại có thể do nấm. Trước đây, khi bệnh nhân mắc nhiễm trùng tiểu, bác sĩ thường kê kháng sinh để phục hồi nhưng hiện nay một số nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe sẽ áp dụng phương pháp theo dõi và chờ đợi nếu nhiễm trùng tiểu không biến chứng và có các triệu chứng nhẹ.

Ví dụ, ở châu Âu, các nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe thường sẽ cung cấp đơn thuốc hoãn 48 giờ để bệnh nhân tùy ý sử dụng và kết hợp thực hiện các biện pháp tự nhiên. Theo các chuyên gia, khi tình trạng nhiễm trùng tiểu nhẹ, người bệnh có thể áp dụng một số biện pháp tự nhiên giúp đẩy nhanh quá trình chữa lành.

Uống nhiều nước

Trong nghiên cứu “Hiệu quả của việc tăng lượng nước hấp thụ hàng ngày ở phụ nữ tiền mãn kinh bị nhiễm trùng đường tiết niệu tái phát”, đăng năm 2018 trên tạp chí JAMA (Mỹ) các nhà nghiên cứu đã nhận thấy, chất lỏng giúp cơ thể loại bỏ nhiều vi khuẩn lưu thông trong bàng quang hơn. Đi tiểu thường xuyên có thể giúp đẩy vi khuẩn ra khỏi đường tiết niệu để ngăn ngừa nhiễm trùng. Nếu không đi tiểu thường xuyên, bàng quang dễ trở thành nơi sinh sản của vi khuẩn.

Các chuyên gia cho rằng, người bị nhiễm trùng đường tiết niệu nên cố gắng uống ít nhất 8 cốc nước mỗi ngày. Lưu ý uống nước bất cứ khi nào thấy khát và không nhịn tiểu trong nhiều giờ, đảm bảo đi tiểu thường xuyên.





Nước ép việt quất có lợi cho người bị nhiễm trùng đường tiết niệu. Ảnh: Freepik

Nước ép việt quất có lợi cho người bị nhiễm trùng đường tiết niệu. Ảnh: Freepik

Uống nước ép việt quất không đường

Nước ép việt quất có chứa các hợp chất được cho là ngăn vi khuẩn bám vào thành của đường tiết niệu. Uống nước ép việt quất không đường là một trong những biện pháp tự nhiên được biết đến nhiều nhất đối với việc giảm triệu chứng của nhiễm trùng đường tiết niệu. Hợp chất trong quả việt quất có vai trò ngăn ngừa vi khuẩn dính vào đường tiết niệu, giúp ngăn ngừa nhiễm trùng.

Một nghiên cứu của Mỹ năm 2016 đã cho thấy những phụ nữ có tiền sử nhiễm trùng nếu uống khoảng 240 ml nước ép nam việt quất mỗi ngày trong 24 tuần sẽ ít gặp phải các đợt nhiễm trùng tiểu hơn so với nhóm đối chứng. Tiêu thụ các sản phẩm từ việt quất có thể làm giảm số lượng nhiễm trùng tiểu trong một năm, đặc biệt là đối với những phụ nữ bị nhiễm trùng tiểu tái phát.

Bổ sung vitamin C

Vitamin C giúp giảm triệu chứng nhiễm trùng đường tiết niệu nhẹ bằng cách tăng nồng độ axit trong nước tiểu, khiến vi khuẩn khó phát triển hơn. Người bị nhiễm trùng tiểu có thể tăng cường lượng vitamin C thông qua thực phẩm hoặc chất bổ sung hàng ngày, đồng thời tránh bất kỳ thức ăn hoặc đồ uống nào có thể gây kích ứng hoặc làm viêm đường tiết niệu như thức ăn cay, rượu, caffeine vì các chất này làm cho các triệu chứng nặng hơn.

Viện Y tế Quốc gia Mỹ (NIH) khuyến cáo rằng phụ nữ từ 19 tuổi trở lên nên tiêu thụ ít nhất 75mg vitamin C mỗi ngày, trong khi nam giới cần khoảng 90mg mỗi ngày. Người lớn hút thuốc nên bổ sung 35mg vitamin mỗi ngày.

Giữ sạch sẽ vùng kín

Nhiễm trùng tiểu phát triển khi vi khuẩn từ trực tràng hoặc phân đến niệu đạo. Một khi vi khuẩn ở trong niệu đạo, chúng có thể đi đến các cơ quan khác của đường tiết niệu gây nhiễm trùng. Sau khi đi tiểu, mọi người nên lau theo cách ngăn không cho vi khuẩn di chuyển từ hậu môn sang bộ phận sinh dục. Ví dụ, sử dụng các mảnh giấy vệ sinh riêng biệt để lau bộ phận sinh dục và hậu môn.

Đi tiểu sau khi quan hệ tình dục cũng có thể giảm rủi ro mắc nhiễm trùng bàng quang bằng cách ngăn chặn sự lây lan của vi khuẩn. Ngoài ra, những người dễ bị nhiễm trùng tiểu nên tránh sử dụng chất diệt tinh trùng vì nó có thể tăng nguy cơ nhiễm trùng bàng quang.

Thực hành tốt vệ sinh tình dục

Quan hệ tình dục có thể mang vi khuẩn và các vi trùng khác vào đường tiết niệu, do đó thực hành vệ sinh tình dục tốt có thể giúp giảm nguy cơ này. Một số vấn đề vệ sinh tình dục có thể hữu ích như đi tiểu trước và ngay sau khi quan hệ tình dục, sử dụng biện pháp tránh thai như bao cao su, rửa bộ phận sinh dục đặc biệt là bao quy đầu và âm đạo, hậu môn trước và sau khi quan hệ tình dục…

Sử dụng men vi sinh

Nhiều nghiên cứu cho thấy vi khuẩn có lợi được gọi là men vi sinh giúp giữ cho đường tiết niệu khỏe mạnh loại bỏ vi khuẩn có hại. Đặc biệt, men vi sinh thuộc nhóm Lactobacillus có thể giúp ngăn ngừa nhiễm trùng đường tiết niệu. Probiotics tồn tại trong một số sản phẩm có chứa sữa, được lên men hoặc cả hai, bao gồm sữa chua, một số loại phomat, dưa cải…

Anh Chi (Theo Healthline, MedicalNewstoday)

Trả lời