Bánh mì từ lúa mì nguyên cám, bơ thực vât, cơm… là những thực phẩm người bị bệnh tiểu đường nên tránh trong chế độ ăn uống.
Đối với người bị bệnh tiểu đường, chế độ ăn uống rất quan trọng trong việc quản lý lượng đường trong máu. Một số thực phẩm có thể khiến lượng đường trong máu tăng nhanh và gây tăng cân. Một số thực phẩm khác được cho là lành mạnh lại nằm trong danh sách nên tránh vì hàm lượng carbohydrate cao, thiếu chất xơ và giá trị dinh dưỡng hạn chế.
Bánh mì làm từ lúa mì nguyên cám
Theo nghiên cứu của Bộ Nông nghiệp Mỹ, bánh mì làm từ lúa mì nguyên cám rất giàu carbohydrate và có thể làm tăng lượng đường trong máu một cách nhanh chóng. Không những thế, loại bánh này cũng thiếu chất xơ và protein có thể khiến người ăn cảm thấy đói chỉ một hoặc hai giờ sau khi ăn.
Một nghiên cứu khác đăng trên Thư viện trực tuyến Wiley (Mỹ) cho thấy, một bữa sáng giàu protein và nhiều chất béo có thể giúp giảm hemoglobin A1C, lượng đường trong máu trung bình trong ba tháng.
Bánh mì trắng, mì ống và cơm
Carbohydrate tinh chế như bánh mì trắng, mì ống và cơm trắng là những loại tinh bột đã qua quá trình xử lý để loại bỏ cám và mầm của hạt. Mặc dù điều này khiến chúng chứa nhiều chất xơ, vitamin, khoáng chất và chất chống oxy hóa nhưng những thực phẩm này có thể khiến lượng đường trong máu tăng đột biến, mang lại ít hoặc không có giá trị dinh dưỡng.
Thay vì chọn ngũ cốc tinh chế bạn nên chọn ngũ cốc nguyên hạt. Theo nghiên cứu trên Tạp chí của Đại học Tim mạch Mỹ, chọn ngũ cốc nguyên hạt thay vì ngũ cốc tinh chế có thể giảm nguy cơ mắc bệnh tim, giảm huyết áp và hỗ trợ giảm cân. Chất xơ có trong ngũ cốc nguyên hạt làm chậm tốc độ tăng lượng đường huyết.
Thực phẩm chiên rán
Các món chiên rán thường được tẩm thêm bột hoặc nhúng qua bột trước khi nấu. Bột chiên rán làm cho món ăn chứa thêm carbohydrate. Ví dụ, một phần cốt gà tẩm bột nặng khoảng 85 gram có khoảng 10 gram carbohydrate. Bạn có thể ăn đồ chiên rán nhưng hãy lưu ý hàm lượng carbohydrate trong những thực phẩm này và cố gắng kiểm soát khẩu phần ăn. Ngoài ra, những loại thực phẩm chiên rán cũng rất giàu calo và chất béo bão hòa có thể gây tăng cân và tăng cholesterol.
Bơ thực vật
Mục đích sử dụng bơ thực vật là giảm chất béo bão hòa và calo. Tuy nhiên, một số bơ thực vật được làm bằng dầu hydro hóa một phần (chất béo chuyển hóa). Người bị bệnh tiểu đường cần nên tránh bơ thực vật chứa chất béo chuyển hóa vì nó hoạt động tương tự như chất béo bão hòa.
Dù không trực tiếp gây tăng đường huyết nhưng hai chất béo trên có khả năng làm tăng lượng cholesterol và góp phần dẫn đến tình trạng kháng insulin. Điều này gián tiếp gây tăng đường huyết đột ngột ở bệnh nhân tiểu đường.
Khi chọn bơ thực vật, cần đọc thông tin trên nhãn mác. Nếu thành phần là dầu hydro hóa hoặc một phần hydro hóa, hãy chọn một sản phẩm khác. Bơ nghiền và bơ hạt là những lựa chọn thay thế chất béo giúp tạo ra những món ăn có lợi cho tim mạch.
Sốt không béo
Thông thường, chất béo trong sốt salad không béo và bơ đậu phộng ít béo được thay thế bằng đường trong các sản phẩm này nhưng chúng lại có thể chứa nhiều carbohydrate hơn. Trong Hướng dẫn chế độ ăn uống cho người dân của Mỹ, việc thay thế toàn bộ chất béo bằng carbohydrate tổng thể không làm giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch.
Mặt khác, nước sốt và một số gia vị thường chứa một lượng lớn natri, carbohydrate, chất béo và calo có thể làm tăng huyết áp, ngay cả trong một phần nhỏ. Theo Hiệp hội Tim mạch Mỹ, cách tốt nhất để theo dõi lượng tiêu thụ là luôn đọc thông tin trên nhãn khi chọn những sản phẩm này.
Thực phẩm không đường
Nhiều người cho rằng những đồ ăn không đường sẽ không ảnh hưởng đến lượng đường trong máu. Thực tế không hoàn toàn như vậy, thực phẩm không đường vẫn có thể chứa carbohydrate, đặc biệt nếu có chứa sữa hoặc bột. Người bệnh cần đảm bảo luôn đọc thông tin trên nhãn và tiêu thụ thực phẩm này ở mức độ vừa phải.
Lượng carbohydrate (carb) trong một số thực phẩm không đường phổ biến: Bánh pudding không đường có khoảng 13 gram carb, một muỗng canh thạch không đường khoảng 5 gram carb, thanh kẹo không đường (sôcôla) khoảng 18 gram carb, 1/2 cốc kem không đường có khoảng 13 gram carb.
Đồ uống có đường
Đồ uống có đường như nước trái cây, nước ngọt và cà phê có hương vị có thể làm tăng lượng đường trong máu một cách nhanh chóng. Người mắc bệnh tiểu đường có thể sử dụng đồ uống có đường khi lượng đường trong máu thấp. Tuy nhiên hàng ngày, nên tránh những loại đồ uống này.
Để giảm cân, kiểm soát lượng đường trong máu và giảm chất béo trung tính (một loại chất béo trong máu) thì nên tránh những loại đồ uống có đường. Ngoài ra cần lưu ý tránh một số đồ uống có thể chứa carb ẩn từ chất làm ngọt được thêm vào.
Trái cây sấy khô
Trái cây sấy khô là thực phẩm chứa nhiều đường ngay cả khi chỉ ăn với một lượng rất nhỏ. Do đó, loại thực phẩm này không được khuyến khích để nạp đủ lượng trái cây trong ngày. Trong Hướng dẫn chế độ ăn uống cho người dân của Mỹ, người lớn nên tiêu thụ khoảng hai phần trái cây mỗi ngày nhưng toàn bộ là trái cây tươi.
Nước trái cây tươi 100% cũng có thể được chấp nhận nhưng nó có thể làm tăng lượng đường trong máu nhanh hơn so với trái cây nguyên quả có nhiều chất xơ. Tuy nhiên, việc nạp calo bằng cách uống nước trái cây tươi sẽ dễ dàng hơn nhiều.
Mai Cát
(Theo Verywellhealth)