Adenovirus, nghi phạm gây bệnh viêm gan bí ẩn Leave a comment

Các chuyên gia phỏng đoán adenovirus 41 – một loại virus cảm cúm là thủ phạm gây nên hàng loạt ca viêm gan bí ẩn ở trẻ nhỏ trong thời gian gần đây.

Adenovirus là một nhóm virus phổ biến, thường lây nhiễm vào niêm mạc mắt, đường thở, phổi, ruột, đường tiết niệu và hệ thần kinh. Chúng có thể gây triệu chứng sốt, ho, viêm họng, tiêu chảy và đau mắt đỏ .

Tình trạng này xảy ra ở trẻ em nhiều hơn người lớn, song virus nhìn chung có thể lây nhiễm cho bất kỳ độ tuổi nào. Hầu hết trẻ em sẽ mắc ít nhất một loại adenovirus khi lên 10. Các triệu chứng thường nhẹ và tự khỏi sau vài ngày, nhưng có thể nghiêm trọng hơn ở người có hệ thống miễn dịch kém.

Adenovirus 41

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), tính đến ngày 3/5, toàn cầu có 228 trẻ mắc, 4 trẻ tử vong vì bệnh viêm gan bí ẩn. Các bệnh nhân có mật độ adenovirus cao. Giới chuyên gia phỏng đoán dòng adenovirus 41 là nguyên nhân gây ra tình trạng này, song chưa kết luận chính thức. WHO ghi nhận chủng adenovirus 41 trong ít nhất 70 ca viêm gan.

Adenovirus 40 và 41 được gọi là adenovirus đường ruột, vì chúng có thể gây bệnh viêm dạ dày đường ruột. Chúng được coi là nguyên nhân phổ biến thứ hai gây tiêu chảy trong các nghiên cứu về trẻ em nhập viện tại các nước phát triển, sau rotavirus.

So với rotavirus, adenovirus 41 không có mô hình phát triển theo mùa mạnh mẽ bằng. Rotavirus phổ biến hơn vào những tháng mùa đông. Cả adenovirus 40 và 41 đều lưu hành nhiều vào những đợt thời tiết ấm áp. Trẻ em dưới 2 tuổi thường lây nhiễm virus trong đường ruột.

Adenovirus 41 chủ yếu lây qua đường phân, miệng, được công nhận là nguyên nhân gây viêm gan ở trẻ em bị suy giảm miễn dịch. Nó cũng có thể là một trong những yếu tố (không chính thức) thúc đẩy bệnh viêm gan ở trẻ em khỏe mạnh. Tuy nhiên, các chuyên gia vẫn đang tìm hiểu về mối liên quan giữa virus và chứng viêm gan nói chung.

Ước tính, có 50% trẻ em phát triển kháng thể với adenovirus 40 và 41 khi lên 4 tuổi. Thời gian ủ bệnh của virus này là khoảng ba đến 10 ngày. Thông thường, trẻ có triệu chứng đặc trưng là tiêu chảy kéo dài kèm theo sốt và nôn mửa trong thời gian ngắn. Trong các ca nhiễm adenovirus 41, thời gian tiêu chảy trung bình là 12 ngày, triệu chứng kéo dài không phải điều hiếm thấy.

Các cơn sốt cũng khá nhẹ, xảy ra trong khoảng hai đến ba ngày, nhiệt độ của bệnh nhi cao vừa phải. Adenovirus 40 và 41 ít gây nhiễm trùng đường hô hấp.





Hình ảnh hiển vi điện tử mô phỏng adenovirus. Ảnh: Native Antigen

Hình ảnh dưới kính hiển vi điện tử mô phỏng adenovirus. Ảnh: Native Antigen

Những loại adenovirus khác

Mỗi chủng adenovirus để lại biểu hiện khác nhau ở người bệnh. Virus có thể gây viêm phế quản, triệu chứng sổ mũi, ho, ớn lạnh. Chúng cũng gây ra tình trạng cảm lạnh, ngạt mũi, ho, đau họng và sưng hạch.

Một số trẻ em bị nhiễm trùng tai, khiến tai đau buốt, khó chịu và sốt. Các bệnh nhi khác bị viêm kết mạc, khiến mắt đỏ, chảy dịch, chảy nước mắt, cảm giác có dị vật trong mắt.

Một số chủng adenovirus dẫn đến sưng não và tủy sống. Biểu hiện đặc trưng là nhức đầu, sốt, cứng cổ, buồn nôn và nôn (trường hợp này hiếm gặp)

Các chuyên gia khuyến cáo nên liên hệ bác sĩ hoặc cơ sở y tế gần nhất nếu trẻ dưới 3 tháng tuổi có các triệu chứng như khó thở, sưng xung quanh vùng mắt, sốt dai dẳng vài ngày, mất nước, chẳng hạn đi tiểu ít hoặc ít nước mắt.

Để chẩn đoán trẻ nhiễm adenovirus nói chung, bác sĩ cần xét nghiệm máu, xét nghiệm nước tiểu, thử gạc mũi, xét nghiệm phân, một số trường hợp yêu cầu chụp X-quang lồng ngực.

Điều trị trẻ nhiễm adenovirus

Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ, trẻ nhiễm adenovirus thường không được chỉ định dùng kháng sinh, bởi thuốc chỉ có thể tiêu diệt vi khuẩn. Thông thường, bệnh sẽ tự hết trong vài ngày. Một số vấn đề như nhiễm trùng, đau mắt đỏ hoặc viêm phổi kéo dài một tuần hoặc hơn. Trẻ có hệ miễn dịch kém cần được điều trị tại bệnh viện.

Với trẻ nhiễm virus, phụ huynh nên cho con uống nhiều nước. Thông thường, trẻ bị mất nước do sốt, nôn mửa và tiêu chảy. Theo các chuyên gia, lựa chọn tốt nhất là nước trái cây hoặc nước lọc, có thể cho trẻ sử dụng thêm điện giải.

Cho trẻ xì mũi thường xuyên. Đối với trẻ sơ sinh, CDC khuyến nghị người nhà nhỏ vài giọt nước muối sinh lý vào mũi bé, sau đó hút mũi bằng một chiếc xi lanh.

Các gia đình có thể bật máy tạo độ ẩm, phun sương để làm dịu tình trạng tắc nghẽn, giúp trẻ hô hấp dễ dàng hơn.

Trước khi sử dụng các loại thuốc hạ sốt như acetaminophen hoặc ibuprofen, phụ huynh cần tham khảo ý kiến của bác sĩ. Chuyên gia khuyến cáo không cho trẻ dùng các sản phẩm có chứa aspirin vì dễ dẫn đến tình trạng hiếm gặp nhưng nghiêm trọng, gọi là hội chứng Reye, gây sưng phù ở não và gan, ảnh hưởng đến sức khỏe và sự phát triển của trẻ đang hồi phục sau khi nhiễm virus.

Thục Linh (Theo CDC, Stanford, WebMD)

Trả lời