Ám ảnh với ‘ăn sạch’ Leave a comment

MỹVới một số người, việc ăn uống lành mạnh với thực phẩm sạch là nỗi ám ảnh, phát triển thành chứng rối loạn, còn gọi là orthorexia.

Alex Everakes, 25 tuổi, giám đốc phòng quan hệ công chúng tại Chicago, từng vật lộn để điều chỉnh cân nặng khi còn ở độ tuổi thiếu niên.

Anh cố gắng ăn kiêng khi đã trưởng thành, tăng giảm liên tục 45kg. Khi chuyển đến Los Angele sau đại học, anh bắt đầu tập thể dục hai lần một ngày. Có thời điểm, Everakes chỉ ăn 10 loại thực phẩm là rau bina, thịt gà, lòng trắng trứng, ớt đỏ, bí, măng tây, cá hồi, quả mọng, sữa hạnh nhân không đường và bơ hạnh nhân.

Everakes đã giảm từ hơn 100kg xuống còn 63,5kg. Anh tự tin đăng những bức ảnh cơ bụng 6 múi và chế độ ăn uống “lành mạnh, sạch sẽ” của mình lên mạng xã hội, nhận được nhiều lời khen ngợi.

Everakes hạnh phúc vì giảm cân thành công, nhưng cũng cảm thấy vô cùng cô đơn, mệt mỏi.

“Cuộc sống của tôi là một khuôn mẫu theo đúng nghĩa đen. Tôi sẽ không làm bất cứ điều gì tổn hại đến thể lực của mình”, anh chia sẻ.

Lâu dần, anh trở nên sợ một số loại thực phẩm, luôn làm việc ở nhà để tránh các bữa tiệc tại văn phòng, nơi phải ăn uống cùng người khác. Anh không đi chơi hay kết bạn vì không muốn phải giải thích nhiều về chế độ ăn kiêng của mình.

Sau khi đi tư vấn, Everakes phát hiện mình mắc chứng “rối loạn ăn uống lành mạnh”, còn gọi là orthorexia. Hội chứng được bác sĩ Steven Bratman nhắc đến lần đầu vào năm 1996, chỉ nỗi ám ảnh về các loại thực phẩm lành mạnh đến mức cực đoan.

Người bị orthorexia thường tập trung vào chất lượng thực phẩm, chỉ ăn những gì họ cho là tinh khiết, tốt với sức khỏe, không chứa các chất độc hại. Lâu dần, thói quen này trở thành loại rối loạn cực đoan, ám ảnh tâm lý, đôi khi nguy hiểm về thể chất, tiến sĩ Bratman giải thích.





Người bị orthorexia ám ảnh về chế độ ăn uống lành mạnh, với nhiều rau xanh và thực phẩm hữu cơ. Ảnh: True Sport

Người bị orthorexia ám ảnh về chế độ ăn uống lành mạnh, với nhiều rau xanh và thực phẩm hữu cơ. Ảnh: True Sport

Người mắc chứng orthorexia có thể phát triển chứng biếng ăn, ám ảnh về việc phải ăn thực phẩm sạch, không bị “ô nhiễm” bởi các chất hóa học. Nhiều người thậm chí tránh dùng thuốc, tin rằng chìa khóa để có một sức khỏe tốt đơn giản là ăn “đúng cách”. Các bệnh nhân cắt bỏ gluten, sữa, tránh tiêu thụ nhiều loại thực phẩm.

“Mọi người nghĩ rằng họ nên cắt bỏ tất cả các thực phẩm từ sữa, không ăn đậu lăng, lúa mì. Tôi dần nhận ra vấn đề của nhiều bệnh nhân là quá nghiêm khắc với bản thân”, tiến sĩ Bratman nói.

Trong những cuộc phỏng vấn đầu tiên về chủ đề này vào năm 1997, Bratman không hay biết xu hướng ăn lành mạnh (đôi khi đến mức cực đoan) sẽ bùng nổ trong hai thập kỷ sau đó. Nguyên nhân là tốc độ phát triển của mạng xã hội và sự ủng hộ của những người có tầm ảnh hưởng với các loại thực phẩm nhất định.

Sondra Kronberg, người sáng lập, Giám đốc điều hành Tổ chức Hợp tác Điều trị Rối loạn Ăn uống tại New York đã chứng kiến rất nhiều xu hướng ăn kiêng trong 40 năm qua.

“Orthorexia phản ánh quan điểm văn hóa đại chúng về khái niệm ăn uống sạch sẽ, tránh độc tố”, Kronberg nói.

Kronberg và các chuyên gia dinh dưỡng hoan nghênh nỗ lực ăn uống lành mạnh. Tuy nhiên, vấn đề xảy ra khi chế độ ăn kiêng hà khắc “bắt đầu xâm phạm đến chất lượng cuộc sống, chế độ sinh hoạt và giao tiếp xã hội”, bà nói.

Đôi khi, những vấn đề này chồng chéo lên nhau. Một số người chỉ ăn thực phẩm “sạch”, bỏ lỡ chất dinh dưỡng quan trọng từ các loại thức ăn họ cho là không tốt.

“Nó có thể trở thành mối nguy hiểm đến sức khỏe, thậm chí gây tử vong”, Kronberg nói.

Tại Trung tâm Kiểm soát cân nặng Beaumont, chuyên viên tư vấn Kristen Ross đang điều trị cho một thiếu niên mắc chứng orthorexia.

Cô bé từng vô cùng tức giận với mẹ của mình vì đã mua cá hồi nuôi để nấu ăn, thay vì cá hồi đánh bắt tự nhiên. Cô bé từ chối ăn vì cho rằng đây là loại thực phẩm “bẩn” và “không tốt cho sức khỏe”.

“Cô bé đến đến gần tôi, tỏ ra đau khổ và nói ‘Cháu rất bối rối, cháu đang cố gắng để khỏe mạnh hơn, nhưng không thể ăn gì được'”, Ross kể lại.

Đến nay, các chuyên gia vẫn đánh giá orthorexia là một chứng bệnh chưa rõ ràng. Dù được Hiệp hội Rối loạn Ăn uống Quốc gia công nhận, nhưng orthorexia không nằm trong Sổ tay Chẩn đoán và Thống kê về Rối loạn Tâm thần, thường được các bác sĩ tâm thần sử dụng để chẩn đoán bệnh nhân. Vì vậy, rất khó để xác định mức độ phổ biến của loại rối loạn này.

Một số nghiên cứu kết luận vấn đề ảnh hưởng đến dưới 1% dân số Mỹ, trong khi nghiên cứu khác cho thấy căn bệnh phổ biến hơn ở những thanh thiếu niên sử dụng mạng xã hội thường xuyên. Orthorexia cũng thường phát triển ở sinh viên đại học, vận động viên chuyên nghiệp và những người theo chế độ thuần chay.

Thục Linh (Theo NPR, Web MD)

Trả lời