Ăn đậu nành có gây ung thư vú? Leave a comment

Đậu nành không làm tăng nguy cơ mắc ung vú theo nhiều nghiên cứu nhưng cần ăn với lượng phù hợp, khoảng 25 gram đạm đậu nành mỗi ngày.

Đậu nành có chứa hàm lượng isoflavon đáng kể. Isoflavone là một nhóm chất phytoestrogen có nguồn gốc từ thực vật, có cấu trúc tương tự như hormone sinh dục nữ estrogen. Theo Hiệp hội Ung thư lâm sàng Mỹ (ASCO), sự tương đồng này với estrogen là lý do tại sao mọi người nhầm tưởng ăn đậu nành có liên quan đến nguy cơ ung thư vú. Estrogen trong cơ thể là một loại hormone tác động đến một số chức năng như tình dục, mang thai, sinh con và mãn kinh.

Một số loại ung thư, chẳng hạn như ung thư vú dương tính với thụ thể hormone, sử dụng estrogen ở người để phát triển và lây lan. Do đó, một số người lo lắng, ăn các phytoestrogen có trong đậu nành có thể làm tăng estrogen trong cơ thể và kích thích sự phát triển ung thư vú.

Các nghiên cứu về mối liên hệ giữa đậu nành và ung thư vú

Hiệp hội Ung thư lâm sàng Mỹ (ASCO) dẫn nghiên cứu thực hiện trong phòng thí nghiệm cho thấy, isoflavone tăng cường sự phát triển của các tế bào ung thư vú và thúc đẩy các khối u ung thư vú ở chuột. Tuy nhiên, nghiên cứu này không thực hiện ở người và nghiên cứu trong phòng thí nghiệm không được sử dụng để đưa ra khuyến nghị về chế độ ăn uống cho người. Chuột cũng chuyển hóa đậu nành khác với con người.

Đậu nành có thể giúp chống lại ung thư vú nhưng vẫn cần nhiều nghiên cứu hơn để chứng minh. Ví dụ, một phân tích tổng hợp năm 2014 của nhiều nghiên cứu đăng trên tạp chí Plos One (Mỹ) cho thấy, đậu nành có tác dụng bảo vệ cơ thể chống lại ung thư vú ở phụ nữ sau mãn kinh tại các nước phương Tây. Trong khi đó, hai nghiên cứu riêng biệt năm 2009 cũng kết luận, đậu nành giúp chống lại ung thư vú. Trong một nghiên cứu được công bố trên Tạp chí của Hiệp hội Y khoa Mỹ (MAMA), trên 5.000 người sống sót sau ung thư vú ở Thượng Hải (Trung Quốc) cho thấy, những người ăn đậu nành có nguy cơ tử vong, tái phát ung thư thấp hơn.

Theo một nghiên cứu với khoảng 73.000 phụ nữ Trung Quốc công bố trên Tạp chí Dinh dưỡng Lâm sàng Mỹ, những người ăn nhiều đậu nành cao từ tuổi thanh thiếu niên và tuổi trưởng thành có nguy cơ mắc bệnh ung thư vú thấp hơn đáng kể. Tuy nhiên, việc bổ sung đậu nành không giúp giảm nguy cơ hoặc tái phát ung thư theo một nghiên cứu của Tạp chí Hiệp hội Y khoa Mỹ (JAMA) năm 2013.





Ăn đậu nành có gây ung thư vú?

Đậu nành là nguồn thực phẩm giàu isoflavone. Ảnh: Freepik

Chọn loại đậu nành và lượng dùng phù hợp

Tốt nhất bạn nên ăn đậu nành điều độ như một phần trong các bữa ăn lành mạnh với nhiều rau, trái cây và ngũ cốc nguyên hạt. Bạn có thể tìm thấy nguồn đậu nành tự nhiên trong các loại thực phẩm như đậu nành, sữa đậu nành, đậu phụ… Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) cho biết, ăn 25 gram đạm đậu nành mỗi ngày mang lại lợi ích cho sức khỏe như giảm nguy cơ mắc bệnh tim.

Bột protein đậu nành có thể được thêm vào món ăn để tăng lượng protein. Bạn nên đọc nhãn dinh dưỡng trên bột protein đậu nành để biết tổng số gram đạm đậu nành trong mỗi khẩu phần không vượt quá 25 gram đạm đậu nành khuyến nghị. Bạn cũng nên xem nhãn để chọn sản phẩm có hàm lượng natri thấp, ít đường bổ sung và ít thành phần bổ sung hơn.

Các chất bổ sung isoflavone có bán tại các cửa hàng chăm sóc sức khỏe và trực tuyến. Tuy nhiên, theo Hiệp hội Ung thư lâm sàng Mỹ, mọi người nên thận trọng khi mua các chất bổ sung này và nên nhờ bác sĩ tư vấn trước khi muốn dùng. Thực phẩm bổ sung từ đậu nành có lượng đậu nành cao hơn so với chế độ ăn uống thông thường. Bạn cũng nên hỏi bác sĩ về những rủi ro và lợi ích nếu đang cân nhắc dùng isoflavone hoặc bất kỳ thực phẩm chức năng nào khác.

Kim Uyên
(Theo Hiệp hội Ung thư lâm sàng Mỹ)

Trả lời