Ăn gì để dễ thụ thai sau chuyển phôi Leave a comment

Cùng với sức khỏe sinh sản, chế độ dinh dưỡng là yếu tố quyết định khả năng mang thai của người phụ nữ.

Theo PGS.TS.BS Lê Hoàng, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Sinh sản, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, sau khi tiến hành thụ tinh ống nghiệm (IVF), bác sĩ sẽ tiến hành chuyển phôi. Sau chuyển phôi là chặng cuối quan trọng trong hành trình IVF. Giai đoạn này người phụ nữ cần đảm bảo sức khỏe thể chất cũng như tinh thần tạo điều kiện thuận lợi cho phôi làm tổ. Vì thế, những câu hỏi như “Sau chuyển phôi nên ăn gì để dễ đậu thai?”, “Sau chuyển phôi kiêng ăn gì?”, “Chuyển phôi xong có ăn đồ chua, sầu riêng, khổ qua… được không?”… được nhiều người quan tâm.





Bác sĩ Lê Xuân Nguyên - Trung tâm Hỗ trợ sinh sản BVĐK Tâm Anh TP HCM đang chuyển phôi cho bệnh nhân hiếm muộn. Ảnh: Như Ngọc

Bác sĩ Lê Xuân Nguyên, Trung tâm Hỗ trợ sinh sản BVĐK Tâm Anh TP HCM, đang chuyển phôi cho bệnh nhân hiếm muộn. Ảnh: Như Ngọc

“Đôi khi, việc thay đổi chế độ ăn uống sẽ góp phần làm tăng cơ hội thụ thai. Điều này đúng với cả phương pháp thụ thai tự nhiên cũng như các biện pháp hỗ trợ sinh sản như bơm tinh trùng vào buồng tử cung hay thụ tinh trong ống nghiệm”, PGS.TS.BS Lê Hoàng cho hay.

Những thực phẩm có lợi sau chuyển phôi

Trong suốt quá trình kích thích buồng trứng và sau chuyển phôi, các chuyên gia khuyên chị em phụ nữ không cần kiêng cữ bất cứ thức ăn gì, nên ăn uống bình thường, đủ chất. Riêng với những bệnh nhân có nguy cơ quá kích buồng trứng nên ăn nhiều chất đạm (thịt, cá, trứng, sữa) và uống nhiều nước ép trái cây hoặc oresol có thể giúp giảm nguy cơ quá kích buồng trứng hoặc chướng bụng.

Nhiều chị em quan niệm ăn uống như thể mình đã mang thai sau khi tiến hành IVF, không chỉ gia tăng cơ hội làm tổ của phôi mà còn đảm bảo có được sức khỏe và thể trạng tối ưu ngay từ giai đoạn đầu của thai kỳ nếu IVF thành công.

Các nhóm thực phẩm thường dùng trong thực đơn sau chuyển phôi là:

Thực phẩm giàu protein

Protein có vai trò kiểm soát việc sản xuất nội tiết tố (hormone) của cơ thể. Các hormone này quyết định số lượng và chất lượng trứng ở người phụ nữ. Trứng có chất lượng tốt sẽ là nền tảng của ca IVF thành công. Vì thế, hãy đảm bảo rằng khẩu phần ăn gồm đầy đủ các loại thực phẩm giàu protein như thịt đỏ (heo, bò, dê…), thịt trắng (gà, vịt, ngan…), cá, trứng, sữa, các loại đậu, các loại hạt…

Thực phẩm giàu carbohydrate tốt

Carbohydrate lành mạnh là nguồn cung cấp năng lượng dồi dào cho phụ nữ trước và sau khi chuyển phôi. Hãy bổ sung vào thực đơn hàng ngày những món giàu carbohydrate tốt như: bánh mì nguyên cám, gạo lứt, ngũ cốc nguyên hạt, rau, trái cây, các loại đậu…

Thực phẩm chứa chất béo lành mạnh

Có nhiều loại chất béo khác nhau: chất béo bão hòa, chất béo không bão hòa, chất béo chuyển hóa. Trong đó, chất béo không bão hòa là chất béo lành mạnh. Nghiên cứu cho thấy ăn nhiều thực phẩm chứa chất béo không bão hòa giúp tăng khả năng mang thai lên 3-4 lần. Cá có dầu (cá hồi, cá thu, cá ngừ…), rau quả lá xanh, cây họ đậu, dầu hạt cải, dầu ô liu… rất giàu loại chất béo này. Trong khi đó, bạn nên tránh chất béo bão hòa và chất béo chuyển hóa có nhiều trong thịt mỡ, khoai tây chiên, gà rán, bánh quy, thức ăn nhanh…

Thực phẩm giàu chất chống oxy hóa

Tình trạng viêm và các góc oxy hóa tự do có thể là một trong những căn nguyên gây ra các vấn đề trên cơ thể, và đặc biệt có hại cho những phụ nữ đang cố gắng mang thai. Khi cơ thể bị viêm hoặc có nhiều chất với các gốc oxy hóa tự do bất lợi có thể sẽ cản trở, sự di chuyển, khả năng thụ tinh của tinh trùng, làm trầm trọng tình trạng mất cân bằng nội tiết tố và thai đổi môi trường trong buồng tử cung trở thành một nơi không thích nghi cho phôi thai phát triển.

Không có hợp chất kỳ diệu nào có thể cải thiện tình trạng viêm hoàn toàn. Tuy nhiên, nghiên cứu đã chứng minh các chất chống oxy hóa có tác dụng rất tốt trong việc giảm viêm, loại bỏ các gốc oxy hóa tự do bất lợi. Vì thế, nên ăn nhiều loại thực phẩm chống viêm và tránh các thực phẩm gây viêm. Cụ thể, hãy ăn nhiều rau, trái cây, quả hạch và cố gắng ăn tươi, tránh tối thiểu việc chế biến. Thực phẩm chế biến sẵn, đặc biệt là những thực phẩm có chất bảo quản, carbohydrate đơn hoặc dầu tinh luyện là nhóm thực phẩm cần hạn chế tối đa.





Sữa và chế phẩm từ sữa cung cấp nhiều dưỡng chất thiết yếu cho giai đoạn trước và sau chuyển phôi, mang thai. Ảnh: Shutterstock

Sữa và chế phẩm từ sữa cung cấp nhiều dưỡng chất thiết yếu cho giai đoạn trước và sau chuyển phôi, mang thai. Ảnh: Shutterstock

Thực phẩm bổ máu

Phôi thai đang phát triển cần được cung cấp đủ máu, tử cung và nội mạc tử cung cũng vậy. Vì thế, các thực phẩm bổ máu rất hữu ích để hỗ trợ quá trình tái tạo tự nhiên của các tế bào sau chuyển phôi. Đặc biệt, nếu bạn dễ bị thiếu máu, hoa mắt, kinh nguyệt ra ít hoặc dễ bị bầm tím, cần ưu tiên ăn nhiều thịt bò, thịt gà, rau lá màu xanh đậm như cải xoăn, cải thìa, bông cải xanh, quả mọng như mâm xôi, dâu tằm, nho…

Thực phẩm giàu acid folic

Ở phụ nữ mang thai, nhu cầu axit folic tăng gấp 4 lần so với trước khi mang thai. Các nghiên cứu cho thấy thiếu axit folic ở phụ nữ có thai có thể khiến thai nhi bị dị tật ống thần kinh. Do đó các chuyên gia dinh dưỡng khuyến cáo, tất cả phụ nữ mang thai hoặc dự định mang thai phải bắt đầu bổ sung đủ axit folic 3 tháng trước thời điểm dự định có thai. Vậy nên sau chuyển phôi người bệnh nhất thiết phải đảm bảo đủ khẩu phần hàng ngày phải có đủ 400g axit folic.

Axit folic là dạng folate tổng hợp, được tìm thấy trong thực phẩm. Một số thực phẩm có hàm lượng folate cao như bông cải xanh súp lơ, bắp cải, măng tây, bí đao, nấm, các loại đậu, rau diếp, xà lách, quả chanh, chuối, dưa vàng, nước ép cà chua, nước cam và gan bò

Uống đủ nước

Dù ở giai đoạn nào của chu trình IVF, cũng cần cung cấp đủ lượng nước cho cơ thể 2-3 lít/ngày để thanh lọc và giải độc. Lượng nước này đến từ nước lọc, sữa, nước trái cây nguyên chất, sinh tố rau quả… Nếu bị dị ứng với sữa bò, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để tìm giải pháp thay thế.

Anh Ngọc

Trả lời