Ăn gì tốt cho dạ dày? Leave a comment

Người bị viêm loét dạ dày, tá tràng nên hạn chế dùng các thực phẩm chứa nhiều axit béo, không ăn quá no, không để quá đói, hạn chế rượu bia và chất kích thích.

Loét dạ dày – tá tràng là bệnh khá phổ biến trên thế giới và Việt Nam. Ở nước ta, bệnh chiếm khoảng 26% và thường đứng đầu trong các bệnh ở đường tiêu hóa, có chiều hướng ngày càng gia tăng. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), mỗi năm Việt Nam ghi nhận mới hơn 17.000 người ung thư dạ dày, tuy nhiên tỷ lệ phát hiện bệnh ở giai đoạn sớm rất ít, dẫn đến số người được điều trị khỏi thấp hơn nhiều so với các nước khác.

Bác sĩ Hà Hải Nam, Phó Trưởng khoa Ngoại Tiêu hóa 1, Bệnh viện K (Hà Nội), cho biết người bị bệnh dạ dày nên chọn thực phẩm có tính chất bao bọc niêm mạc dạ dày như sữa, trứng, mật ong, nghệ … Trong đó, nghệ có tác dụng chống viêm, chống oxy hóa, kiềm độ acid của dịch vị và làm lành các vết loét dạ dày. Còn mật ong có nhiều chất kháng khuẩn, điều hòa acid tại dạ dày và giảm tình trạng kích ứng.

Ngoài ra, người bệnh nên ăn thực phẩm có tác dụng thấm hút dịch acid như bánh ngọt, bánh quy, bánh mì… hay các món ăn giảm tiết dịch dạ dày như cháo, cơm, cơm nếp, bánh mì, khoai lang, khoai tây luộc nhừ… làm giảm cơn đau.

Trong điều trị bệnh đau dạ dày, bệnh nhân nên ăn các loại rau lá non như bắp cải, giá đỗ… cung cấp lượng vitamin K, U dồi dào, hỗ trợ điều trị hiệu quả. Các thực phẩm giàu đạm, canxi, kẽm (thịt nạc, cá, tôm, cua…) cũng giúp vết loét nhanh lành.

Người bị đau dạ dày dễ thiếu hụt vitamin và khoáng chất dẫn đến tiêu hóa và hấp thu kém. Bạn nên bổ sung các loại quả màu đỏ, rau củ màu xanh đậm, ngũ cốc… là những thực phẩm giàu vitamin A, B, D, magie, sắt, kẽm.

Hạn chế dùng các thực phẩm chứa nhiều axit béo như thịt nướng, thịt hun khói, các món xào, rán, quay hoặc thực phẩm chế biến công nghiệp, đóng gói sẵn như đồ hộp, thịt nguội; không uống nước chè ban đêm.

Không nên ăn dầu mỡ rán đi rán lại nhiều lần từ bánh rán, khoai tây chiên, cá viên, bò viên, tôm viên chiên, gà rán…; các loại thức ăn bị nấm mốc như lạc mốc, đỗ đậu mốc, hạt bí, hạt dưa, hạt hướng dương bị mốc…; các chất kích thích như rượu, bia, thuốc lá, đồ uống có gas…

Mỗi ngày ăn dưới 5 g muối, tương đương một thìa cà phê. Người bị tăng huyết áp chỉ nên ăn 2 g muối, 100 g thịt đỏ (trâu, bò, lợn…) một ngày, không quá 400-500 g một tuần. Nên ăn thành nhiều bữa, gồm cả bữa phụ từ sữa chua, hoa quả, không ăn khi đói. Không ăn quá no, không để quá đói.

Cung cấp đủ nước trong ngày từ nước uống, canh, sữa, nước hoa quả…, không để khát mới uống. Nên tập thể dục nhẹ nhàng như đi bộ, bóng bàn, cầu lông, đạp xe đạp… ít nhất 30 phút một ngày, 5 ngày một tuần. Ngủ đủ 6 đến 8 tiếng mỗi ngày.

Bác sĩ khuyên người có nguy cơ cao mắc bệnh ung thư dạ dày, tiền sử gia đình có người ung thư dạ dày, viêm loét dạ dày, có các biểu hiện đau vùng thượng vị, ậm ạch khó tiêu, buồn nôn hoặc nôn… thì cần đến các cơ sở khám chữa bệnh có nội soi dạ dày để kiểm tra. Khám sức khỏe định kỳ, đặc biệt những người cao tuổi, trong đó có khám tầm soát ung thư sớm.

Thùy An

Trả lời

1.4394