Ăn mặn hại thận thế nào? Leave a comment

Người bị bệnh thận nên giảm lượng muối tiêu thụ hằng ngày, bởi thói quen ăn mặn sẽ khiến bệnh ngày càng nặng.

Thầy thuốc ưu tú Tạ Phương Dung, phó giám đốc Trung tâm Tiết niệu Thận học, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho hay mỗi năm có 4 triệu người tử vong do các vấn đề liên quan đến muối. Tăng huyết áp và tiểu đường là hai nguyên nhân lớn nhất dẫn tới bệnh lý suy thận. Theo cơ chế, muối đi vào trong cơ thể làm các mạch máu căng, trương lên, dần dần làm cho mạch máu xơ cứng hình thành tăng trương lực cơ dẫn đến tăng huyết áp.

“Nhiều người nghĩ tỷ lệ huyết áp cao ở Việt Nam là do stress, do mệt mỏi, áp lực. Tuy nhiên thực tế tỷ lệ tăng huyết áp ở nước ta liên quan đến lượng muối tiêu thụ mỗi ngày. Tại Hà Nội, khi áp lực cuộc sống rất cao thì tỷ lệ tăng huyết áp trong người dân chỉ ở mức 11%, trong khi Nghệ An có tỷ lệ cao huyết áp hơn 20%. So sánh với lượng muối tiêu thụ hằng ngày, các nhà nghiên cứu thấy người Hà Nội ăn trung bình 9 gram muối mỗi ngày trong khi người Nghệ An có tỷ lệ ăn muối cao”, BS Phương Dung lý giải.





Bác sĩ CKII Tạ Phương Dung thăm khám cho bệnh nhân. Ảnh bệnh viện cung cấp.

Bác sĩ Tạ Phương Dung thăm khám cho bệnh nhân. Ảnh: BVĐK Tâm Anh

Bên cạnh các ảnh hưởng đến huyết áp, ăn mặn cũng ảnh hưởng trực tiếp đến thận. Muối là nguyên nhân gây ra các chứng bệnh như sỏi thận, thận nhiễm mỡ và làm tăng nguy cơ tử vong do bệnh tim… Cụ thể, ăn nhiều muối khiến cơ thể buộc phải thu nạp nhiều nước hơn, tích tụ nước dẫn đến tuần hoàn máu đến cầu thận tăng, thận phải làm việc nhiều để lọc máu. Một nghiên cứu được tài trợ bởi Viện quốc gia về tiểu đường, bệnh đường tiêu hóa và bệnh thận được công bố ngày 17/9/2015 cho thấy ăn nhiều natri và kali có thể làm cho bệnh thận mạn tính trở nên tồi tệ hơn.

“Bệnh nhân bị bệnh thận nếu có thói quen ăn mặn thì bệnh sẽ ngày càng nặng. Ngược lại, nếu giảm lượng muối thì chức năng thận sẽ được cải thiện”, Bác sĩ Phương Dung cho hay.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến cáo một người bình thường không ăn quá 6 gram muối/ngày, người bị cao huyết áp ăn không quá 5 gram, người bị suy tim không quá 4 gram và người bị thận mạn chỉ nên ăn không quá 2 gram muối mỗi ngày. Tuy nhiên, Bác sĩ Phương Dung lưu ý rằng 40-80% các thực phẩm hằng ngày đã có sẵn muối, do vậy lượng muối tiêu chuẩn mà WHO đưa ra bao gồm cả lượng muối nêm nếm, muối sử dụng trực tiếp và cả lượng muối có trong rau, củ quả.

“Một con mực khô 100gr có lượng muối cao bằng lượng muối tiêu chuẩn người bình thường được phép ăn cả ngày. Nếu hôm nào có tiệc vui, lỡ ăn hết con mực thì cũng hết tiêu chuẩn ăn muối của ngày hôm đó. Một món ăn khác mà người Việt Nam rất thích, nhất là trẻ em và người bận rộn, đó là mỳ tôm. Mỗi gói mỳ chứa 1,8-2 gram muối, ăn 2 gói mỳ là hết khẩu phần muối một ngày”, Bác sĩ Dung lấy ví dụ.





Mực khô có lượng muối cao.

Mực khô có lượng muối cao. Ảnh: Shutterstock

Theo Bác sĩ Phương Dung, muối không chỉ có nhiều trong đồ khô mà còn có cả trong rau, bắp, trái cây, thịt, cá hay gà. Các thực phẩm chế biến sẵn, đóng hộp như xúc xích chứa lượng muối rất lớn. Do vậy, cần hạn chế các thực phẩm này để giảm lượng muối tiêu thụ.

“Để giảm muối trong khẩu phần ăn mỗi ngày, mọi người nên chú ý đọc kỹ lượng muối có trên bao bì thực phẩm. Hạn chế dùng các món kho, muối dưa hành. Thay vì dùng muối nêm nếm có thể thay bằng hạt nêm, bột canh hoặc xì dầu. Người châu Á với thói quen thích chấm nước mắm để tăng thêm hương vị, lưu ý khi chấm mắm chỉ nên chấm sơ qua, không chấm quá nhiều”, Bác sĩ Phương Dung khuyến cáo.





Thói quen dùng nước chấm mặn của người Việt cũng ảnh hưởng đến sức khỏe thận. Ảnh: ShutterStock

Thói quen dùng nước chấm mặn của người Việt cũng ảnh hưởng đến sức khỏe thận. Ảnh: ShutterStock

Anh Chi

Trả lời