‘Áp lực cộng đồng’ giúp Nhật Bản chống chọi Covid Leave a comment

Nhật Bản chưa từng bắt buộc người dân tiêm vaccine hoặc đeo khẩu trang, song quốc gia vẫn chiến thắng dịch bệnh bằng vũ khí “áp lực cộng đồng”.

Khi đi mua hoa vào tháng 6 ở trung tâm Tokyo, Mika Yanagihara vẫn đeo khẩu trang che kín mặt.

“Nếu không làm vậy, mọi người sẽ nhìn chằm chằm vào bạn. Đó là một loại áp lực”, người phụ nữ 33 tuổi giải thích về lý do không dám tháo bỏ khẩu trang.

Hiện tỷ lệ tử vong vì Covid-19 tại Nhật Bản chỉ bằng một phần 10 so với Mỹ, thấp nhất trong số các nước phát triển. Với nền kinh tế lớn thứ ba và dân số đứng thứ 11 toàn cầu, Nhật Bản xếp đầu bảng về tốc độ tiêm chủng, luôn là một trong số những quốc gia có tỷ lệ lây nhiễm thấp nhất trên thế giới.

Kể từ đầu đại dịch, giới chức nước này không ban hành quy định đeo khẩu trang, không thực hiện giãn cách xã hội hoặc kiểm dịch diện rộng. Tuy nhiên, đất nước phần lớn tránh được kịch bản tồi tệ nhất của Covid-19.

Theo các chuyên gia, nguyên nhân chính đến từ “áp lực đồng trang lứa” hoặc “áp lực từ cộng đồng” (peer pressure). Đây là các ảnh hưởng tâm lý từ những người thuộc cùng một nhóm xã hội đến mỗi cá nhân, khiến họ phải thay đổi hành vi để phù hợp với chuẩn mực của nhóm.

Hiện nay, khi tỷ lệ ca nhiễm trung bình hàng ngày tại Nhật Bản đã giảm xuống còn 12 trên 100.000 dân, 80% người làm việc trong văn phòng hoặc đang đi học vẫn đeo khẩu trang trong nhà. 90% người sử dụng các phương tiện công cộng làm điều này. Các rạp chiếu phim, sân vận động và trung tâm thương mại tiếp tục khuyến khích người dân đeo khẩu trang, hầu hết mọi người đều tuân thủ.

Thuật ngữ “quần che mặt” trở nên thông dụng, ngụ ý rằng việc đánh rơi khẩu trang cũng xấu hổ như cởi đồ lót ở nơi công cộng.

Các chuyên gia không phủ nhận các yếu tố như hệ thống chăm sóc sức khỏe quốc hữu hóa và biện pháp kiểm soát biên giới nghiêm ngặt đã khiến Nhật Bản kiểm soát được Covid-19. Tuy nhiên, ý thức xã hội và nỗi sợ xấu hổ nơi công cộng cũng là nguyên nhân quan trọng. Chúng được truyền bá trong tư tưởng của những người trẻ tuổi nhất đến người già.

Không giống với những quốc gia khác, luật pháp Nhật Bản không cho phép chính phủ bắt buộc phong tỏa hay tiêm chủng. Đa số người dân đều tuân thủ hướng dẫn từ các chuyên gia y tế, những khuyến nghị đeo khẩu trang và tránh tụ tập tại các không gian kín.

Sau khởi đầu tiêm chủng chậm chạp, khi Nhật Bản tăng cường phân phối vaccine, hầu hết người dân đi tiêm chủng. Ngay cả khi không có quy định chính thức, gần 90% người trên 65 tuổi, nhóm dân số dễ tổn thương nhất đã tiêm liều nhắc lại, cao hơn so với 70% tại Mỹ.

“Ở Nhật Bản, nếu bạn bảo tất cả mọi người nhìn sang phải, họ sẽ nhìn sang phải. Nhìn chung, việc bị ảnh hưởng bởi ý kiến của người khác và không có quan điểm riêng là điều khá tệ. Nhưng trong đại dịch, đó lại là điều tốt”, Kazunari Onishi, phó giáo sư sức khỏe cộng đồng tại Đại học Quốc tế St. Luke ở Tokyo, cho biết.





Hành khách tại ga Shibuya ở Tokyo, Nhật Bản vào cuối tháng 6. Ảnh: NY Times

Hành khách tại ga Shibuya ở Tokyo, Nhật Bản vào cuối tháng 6. Ảnh: NY Times

Dù sự tín nhiệm với chính phủ đã giảm trong đại dịch, công chúng chọn cách tiếp cận với Covid-19 bằng chủ nghĩa thực tế, tin vào khoa học. Mọi người giám sát lẫn nhau. Các doanh nghiệp, quán rượu bị báo cáo nếu vi phạm quy định về giờ mở cửa.

“Chúng tôi nhận được nhiều báo cáo về việc này đến nỗi bắt đầu nói đùa rằng người dân là những ‘cảnh sát tự quản’. Bất cứ ai đều biết rằng những người xung quanh chắc chắn đang để mắt đến họ”, Yuko Hirai, thành viên bộ phận ứng phó khẩn cấp ở Osaka, cho biết.

Áp lực cộng đồng được khắc sâu trong ý thức của học sinh tại hầu hết các trường công lập. “Bị cho ra rìa là một vấn đề lớn đối với trẻ em Nhật Bản. Chúng luôn muốn hòa nhập vào một nhóm nào đó, để không có cảm giác bị cô lập”, Naomi Aoki, phó giáo sư quản lý công tại Đại học Tokyo, giải thích.

Trẻ em Nhật Bản được dạy phải hành động vì lợi ích của tập thể. Từ trước đến nay, học sinh thường được khuyến khích lau sàn lớp học, quét sân và thay phiên nhau phục vụ bữa trưa trong nhà ăn.

Văn hóa Nhật Bản cũng đề cao ý thức tự kiềm chế nơi công cộng. Khi Nhật hoàng Hirohito băng hà vào năm 1988, các ca sĩ nhạc pop đã hoãn đám cưới, trường học hủy bỏ lễ hội. Sau khi thảm họa hạt nhân năm 2011 ở Fukushima dẫn đến tình trạng thiếu điện nghiêm trọng, cộng đồng tự nguyện cắt giảm việc sử dụng điện.

James Wright, nhà nhân chủng học tại Viện Alan Turing ở London, cho biết trong đại dịch, các chính trị gia đã khai thác triệt để “ý thức tự kiểm soát bản thân vì lợi ích cộng đồng”.

Khi nCoV xuất hiện tại Trung Quốc vào đầu năm 2020, Nhật Bản là một trong những nước đầu tiên bị virus xâm nhập. Các chuyên gia nhanh chóng nhận ra mầm bệnh lây lan trong không khí, cách tốt nhất để kiểm soát nó là không cho mọi người tụ tập tại các không gian nhỏ, kín khí hoặc tiếp xúc gần người khác.

Hitoshi Oshitani, giáo sư virus học tại Đại học Tohoku, cố vấn chính phủ Nhật Bản, cho biết các nhà chức trách chỉ hướng dẫn thực thi một vài quy định pháp lý, phần còn lại phụ thuộc vào ý thức hạn chế đi lại của người dân.

Tiến sĩ Oshitani đã rất ngạc nhiên khi các doanh nghiệp nhanh chóng đóng cửa, người dân đồng thuận ở yên trong nhà. Các công ty chưa từng cho phép làm việc trực tuyến đã cấp phát máy tính xách tay để nhân viên xử lý công việc tại nhà.

Đến nay, khi Covid-19 không còn nghiêm trọng như những ngày đầu năm 2020, áp lực cộng đồng vẫn chưa suy giảm.

Kae Kobe, 40 tuổi, nhân viên lễ tân tại một văn phòng ở Shibuya, cho biết bà vẫn luôn đeo khẩu trang khi làm việc vì thường xuyên phải trò chuyện với khách hàng.

“Vì mọi người xung quanh vẫn đeo, thật khó để tôi không làm điều này”, bà cho biết.

Thục Linh (Theo NY Times)

Trả lời

1.4784