BA.2.12.1 – hậu duệ của ‘biến chủng tàng hình’ Leave a comment

BA.2.12.1 phát triển từ “biến chủng tàng hình” BA.2, mang đầy đủ ưu thế về lây truyền và trốn tránh miễn dịch của chủng này, song vẫn có thể ngăn ngừa bằng vaccine.

Việt Nam đã ghi nhận một số ca nhiễm biến chủng phụ BA.2.12.1 của Omicron. Đây là thế hệ tiếp theo, phát triển từ biến chủng phụ BA.2, lan truyền nhanh chóng trên toàn thế giới từ đầu năm nay. Từ ngày 16/4 đến ngày 23/4, tỷ lệ lây nhiễm biến chủng phụ tại Mỹ tăng từ 19,6% lên 28,7%.

Đặc điểm của BA.2.12.1

Theo tiến sĩ Angela Branche, điều tra viên Đơn vị Điều trị và Đánh giá Vaccine của Trung tâm Y tế Đại học Rochester, BA.2.12.1 là hậu duệ của BA.2. Nó mang đầy đủ các ưu thế của BA.2, như khả năng lây truyền cao và không chứa đột biến đặc trưng của Omicron, khó phát hiện bằng xét nghiệm PCR. Vì vậy chúng còn được gọi là “biến chủng tàng hình“.

Tiến sĩ Branche cho biết BA.2 có 53 đột biến so với phiên bản virus ban đầu, 29 đột biến trong số đó nằm ở protein gai. Điều này giúp virus dễ dàng bám vào thụ thể tế bào người, lây nhiễm một cách hiệu quả hơn.

Biến chủng phụ BA.2.12.1 cũng có khả năng sao chép và lây truyền từ người sang người cao, có nguy cơ trở thành chủng trội tại Mỹ trong vài tuần tới.

Hiện các nhà khoa học chưa hiểu lý do chính xác khiến BA.2.12.1 lây truyền nhanh hơn. Tiến sĩ David Cutler, Trung tâm Sức khỏe Providence Saint John ở Santa Monica, cho biết có nhiều yếu tố góp phần vào tốc độ lây lan của virus lúc này, bao gồm việc nới hạn chế phòng dịch.

Triệu chứng nhiễm BA.2.12.1

Theo khảo sát trên tạp chí Lancet, người nhiễm BA.2.12.1 đều bị hắt hơi, ho và đau họng. Về cơ bản, các triệu chứng tương tự cúm hoặc giống với nhiễm BA.2 trước đây.

Biểu hiện phổ biến là sốt, ớn lạnh, ho, khó thở, mệt mỏi, đau cơ, nhức đầu, mất vị giác hoặc khứu giác, viêm họng, ngạt mũi hoặc chảy nước mũi, nôn mửa, tiêu chảy.

NBC News công bố một báo cáo cho thấy trong đợt bùng phát mới, không có nhiều bệnh nhân bị mất vị giác và khứu giác. Triệu chứng thường gặp nhất là chảy nước mũi, mệt mỏi, đau họng, hắt hơi, ho và khàn giọng.





Hình ảnh minh họa nCoV dựa trên kết quả hiển vi điện tử. Ảnh: Science Photo Library

Hình ảnh minh họa nCoV trên kết quả hiển vi điện tử. Ảnh: Science Photo Library

BA.2.12.1 so với các biến chủng Omicron khác

Tiến sĩ Fady Youssef, chuyên gia y tế tại Trung tâm Y tế MemorialCare Long Beach, nhận định các thông tin về BA.2.12.1 hiện còn ở giai đoạn đầu.

“Đến nay, nó dường như không gây triệu chứng nặng hơn Omicron. Tuy nhiên, chúng tôi cần thêm dữ liệu trước khi đưa ra kết luận”, ông nói.

Tiến sĩ Cutler đồng ý rằng BA.2.12.1 có thể không gây bệnh nặng, bởi số ca nhập viện trong thời điểm virus lây lan không tăng mạnh.

Giáo sư Elizabeta Mukaetova-Ladinska, khoa tâm thần học tại Đại học Leicester, Anh, cho biết các triệu chứng lâm sàng của nó giống với Omicron và BA.2. Virus chủ yếu ảnh hưởng đến đường hô hấp trên, nhưng không lan xuống phổi. Phần lớn người bệnh có biểu hiện tương tự cúm mùa. Tuy nhiên, bà lưu ý điều này có thể phát sinh từ khả năng miễn dịch do tiêm chủng hoặc nhiễm bệnh tự nhiên trước đó.

Tiến sĩ Dana Hawkinson, giám đốc y tế của chương trình Kiểm soát và Phòng ngừa Nhiễm trùng tại Trung tâm Y tế Đại học Kansas, cho rằng BA2.12.1 có thể dễ lây truyền nhanh hơn so với BA.1 ban đầu.

“Dữ liệu sơ bộ cũng cho thấy BA.2.12.1 làm tăng khả năng nhiễm trùng đường hô hấp dưới (phổi) so với BA.1 của Omicron. Đây có thể là yếu tố nguy cơ gây bệnh nặng”, ông nói.

Vaccine có hiệu quả với BA.2.12.1?

Trong nghiên cứu đăng tải trên tạp chí Lancet, các chuyên gia đã phát hiện hiệu quả ngăn ngừa nhập viện của ba liều vaccine mRNA giảm 55%, nếu tiếp xúc biến chủng Omicron sau ba tháng. Họ kết luận cần tiêm thêm liều thứ 4 để duy trì độ bảo vệ trước các biến chủng phụ.

Hiện chưa rõ số liều và tần suất tiêm vaccine để duy trì sự bảo vệ trước Covid-19. Tuy nhiên, các chuyên gia đều cho rằng người đã tiêm chủng sẽ ít bị ảnh hưởng hơn người chưa tiêm. Tiến sĩ Hawkinson chỉ ra nhiều bằng chứng cho thấy ba liều vaccine mRNA vẫn tạo kháng thể chống BA.2.12.1.

Ông nhấn mạnh các đột biến trong protein cho phép virus né tránh phản ứng kháng thể, song phản ứng của tế bào T (tế bào sát thủ đặc trị virus) vẫn có thể bảo vệ người dùng khỏi chuyển nặng và tử vong.

Thục Linh (Theo Medical News Today, WFTV)

Trả lời

1.4795