Bà bầu nguy kịch không rõ nguyên nhân Leave a comment

TP HCMNgười phụ nữ 37 tuổi, mang thai tuần 27 đột nhiên bị tăng áp lực động mạch phổi, suy tim nặng, nguy cơ chết cả mẹ lẫn con.

Trước đó sức khỏe thai phụ bình thường, theo dõi thai kỳ tại bệnh viện địa phương và không phát hiện có bệnh tim mạch. Trước khi nhập viện hai tuần, vào tuần thai 25, chị khó thở, phù chân, nghĩ là các triệu chứng bình thường trong thai kỳ nên không đi khám. Đến lúc bệnh nặng hơn, chị vào Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM khám.

Bác sĩ Bùi Thế Dũng, Trưởng khoa Nội tim mạch, Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM, cuối tháng 4 cho hay bệnh nhân bị tăng áp lực động mạch phổi nặng dẫn đến suy tim độ 3, thất phải và các tĩnh mạch trên gan, tĩnh mạch chủ dưới đã giãn lớn, tiên lượng xấu. Thực tế, bệnh lý nặng như vậy chống chỉ định có thai. Các bác sĩ cân nhắc phương án chấm dứt thai kỳ để bảo toàn tính mạng cho người mẹ. Tuy nhiên, không đành lòng từ bỏ đứa con đầu lòng đã 27 tuần thai mà hai vợ chồng mong mỏi suốt 6 năm mới có được, người mẹ tha thiết đề nghị các bác sĩ “còn nước còn tát”, cố gắng cứu cả hai.

Để thực hiện được mong muốn chính đáng nhưng vô cùng khó khăn này, một cuộc hội chẩn liên chuyên khoa gồm Nội tim mạch, Phụ sản, Sơ sinh và đơn vị Gây mê Hồi sức phẫu thuật tim mạch mở khẩn cấp tìm phương án tối ưu. Theo đó, trước mắt bệnh nhân được chuyển đến khoa Nội tim mạch, điều trị nội khoa tình trạng suy tim, tăng áp động mạch phổi. Đồng thời, ê kíp điều trị lên kế hoạch kéo dài thai kỳ, cố gắng nuôi thai nhi trong bụng mẹ cho đến khi cơ thể đủ phát triển, nhằm hạn chế tối đa những ảnh hưởng của việc sinh non đến sức khỏe của bé về sau.

Thai phụ được hỗ trợ thở oxy, dùng thuốc lợi tiểu, giúp tăng co bóp cơ tim, giãn động mạch phổi. Khi tình trạng đã ổn định hơn, chị được chuyển sang đơn vị Gây mê Hồi sức phẫu thuật tim mạch, theo dõi đặc biệt tình trạng mẹ và thai nhi, chờ mổ bắt con ở thời điểm thích hợp.

“Chúng tôi luôn trong tinh thần có thể mổ bắt con ngay khi có phát động cấp cứu từ các bác sĩ hồi sức tim mạch”, bác sĩ Trần Nhật Thăng, Trưởng khoa Phụ sản, nhớ lại.

Sau 30 ngày gần như nằm tĩnh dưỡng tuyệt đối trên giường bệnh, đến tuần thai thứ 31, sản phụ được bác sĩ chỉ định mổ bắt con chủ động. Bé trai nặng 1,4 kg chào đời an toàn nhưng phải tách mẹ, chuyển đến chăm sóc tại khoa Sơ sinh thêm ba tuần trước khi xuất viện.

Sức khỏe người mẹ hậu phẫu diễn tiến nặng hơn, thêm biến chứng suy thận, phải tiếp tục điều trị tích cực vài tuần. May mắn, sau đó chị đáp ứng điều trị, tiến triển tốt dần, các biến chứng suy tim, suy thận được kiểm soát hiệu quả.





Hiện, cả hai mẹ con đã ổn định, khỏe mạnh và được xuất viện. Ảnh: Bệnh viện cung cấp

Hai mẹ con khỏe mạnh chụp ảnh với y bác sĩ trước khi được xuất viện, hôm 28/4. Ảnh: Bệnh viện cung cấp

Theo bác sĩ Dũng, tăng áp lực động mạch phổi có nhiều nguyên nhân, như do tim bẩm sinh, bệnh lý van tim, bệnh lý mạch vành, bệnh lý ở phổi, bệnh tự miễn… Sản phụ này, sau khi mổ lấy thai, các bác sĩ đã làm nhiều loại xét nghiệm cận lâm sàng, trong đó có CT tim lồng ngực mạch máu nhưng không thể tìm ra nguyên nhân gây bệnh. Do đó, tình trạng của chị được gọi là tăng áp lực động mạch phổi nguyên phát – không rõ nguyên nhân. Thời gian tới, người bệnh vẫn cần duy trì tái khám hàng tháng điều trị nội khoa bệnh suy tim.

Một trong những bệnh lý tồn tại nhiều nhất ở người trưởng thành trong độ tuổi sinh sản là tim mạch. Vì vậy, phụ nữ cần kiểm tra sức khỏe kỹ trước khi mang thai và những tháng đầu thai kỳ, nhằm phát hiện sớm bệnh lý tiềm ẩn hoặc đang có. Trường hợp có bệnh lý, sản phụ cần được lên kế hoạch điều trị ngay từ đầu và xuyên suốt thai kỳ để đảm bảo an toàn cho cả mẹ và bé. Ngay khi có các dấu hiệu bất thường, thai phụ nên khám, phát hiện và điều trị kịp thời các bệnh lý, tránh diễn tiến nặng như trường hợp trên, bác sĩ Thăng khuyến cáo.

Thư Anh

Trả lời

2.4911