Ba cuộc phẫu thuật liên tiếp cứu cánh tay dập nát Leave a comment

Anh Đức được các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh thực hiện 3 cuộc phẫu thuật liên tiếp để cứu cánh tay dập nát, hoại tử nặng do gặp tai nạn.

Cuối năm 2019, anh Đức (43 tuổi, ở Quảng Ngãi) gặp tai nạn khi đang làm việc ngoài khơi Biển Đông, khiến tay phải dập nát, gần như gãy rời, vết rách lớn 20 cm. Anh Đức được đồng nghiệp băng bó, cấp cứu và đưa vào bờ. Tuy nhiên, do mất thời gian khá lâu di chuyển bằng tàu nhỏ, nên khi đến được một bệnh viện tại Đà Nẵng, cánh tay đã chuyển màu thâm tím. Anh Đức ngay lập tức được phẫu thuật ghép xương, ghép mạch máu… với hy vọng mong manh giữ lại cánh tay, nhưng mức độ hồi phục là một dấu hỏi lớn.

15 ngày sau phẫu thuật, điều trị bằng kháng sinh, vệ sinh thay băng hàng ngày, vết mổ phía trong cánh tay để nối ghép mạch máu và vết thương ở phía ngoài cánh tay không liền. Cánh tay vẫn có dấu hiệu hoại tử, có tay mà như không vì liệt hoàn toàn vận động và cảm giác.

Hành trình gõ cửa các bệnh viện chuyên về chấn thương chỉnh hình của gia đình anh Đức bắt đầu. Suốt gần một tháng, đi đến đâu, gia đình cũng chỉ nhận được lời khuyên chấp nhận tháo bỏ cánh tay. Thậm chí, nhiều bệnh viện từ chối điều trị. Chỉ khi đến khám tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, Tiến sĩ Tăng Hà Nam Anh khuyên anh ra Hà Nội để tìm đến Thầy thuốc ưu tú – Giáo sư Nguyễn Việt Tiến, mới hy vọng giữ lại được cánh tay này.





Phim chụp X-quang phần xương cánh tay bị gãy rời đã được nẹp bắt vít của bệnh nhân Đức Ảnh: Nhân vật cung cấp

Phim chụp X-quang phần xương cánh tay bị gãy rời đã được nẹp bắt vít của bệnh nhân Đức Ảnh: Nhân vật cung cấp

Thăm khám cho anh Đức tại khoa Chấn thương Chỉnh hình, BVĐK Tâm Anh Hà Nội, Giáo sư Tiến nhận thấy cánh tay bệnh nhân sưng nề, vẫn còn 2 lỗ rò lớn nằm trên vết mổ phía trong và vết thương phía ngoài cánh tay, phải thay băng hàng ngày; mất vận động và cảm giác toàn bộ chi thể do tổn thương các dây thần kinh gồm thần kinh cơ bì, thần kinh giữa, thần kinh trụ và thần kinh quay; nẹp vít ổ kết xương cánh tay còn chắc…

Dù từng điều trị nhiều ca bệnh khó, Giáo sư Tiến đánh giá đây là ca bệnh có tổn thương nặng và phức tạp: xương ổ gãy đứng trước nguy cơ viêm xương tủy xương; còn tổ chức hoại tử nên vết thương không liền; liệt toàn bộ chi và rất khó giải quyết vì tất cả các dây thần kinh chi phối đều bị tổn thương do đè ép và không biết rõ tổn thương cụ thể, hơn nữa lại nằm trong ổ viêm rò mủ đã lâu…

Cứu sống cánh tay hoại tử nặng

Đứng trước một thử thách lớn, ekip gồm Giáo sư Nguyễn Việt Tiến, Tiến sĩ Đỗ Tiến Dũng, Tiến sĩ Vũ Hữu Dũng tập trung cho mục tiêu làm liền vết mổ và vết thương cánh tay, sau đó nghiên cứu giải quyết tổn thương thần kinh để phục hồi lại chức năng vận động, cảm giác của chi thể cho người bệnh.

Ở lần mổ thứ nhất, bác sĩ bơm thuốc xanh theo đường rò, tìm và tiếp cận ổ viêm, hoại tử. Toàn bộ cơ nhị đầu cánh tay và phần lớn cơ cánh tay đã bị hoại tử, đây là nguyên nhân gây viêm rò, nẹp vít bị lộ nhưng màng xương ở phần còn lại có màu hồng, (chưa kiểm tra tổn thương thần kinh vì vết thương nhiễm khuẩn). Các bác sĩ đã cắt lọc tổ chức cơ hoại tử, rửa sạch ổ viêm, cầm máu kỹ để chuẩn bị cho việc đặt hệ thống hút chân không (Vacuum Therapy – VAC) vào ngày hôm sau. Liệu pháp VAC tiên tiến này sử dụng hệ thống hút chuyên dụng nhằm tạo môi trường chân không trong toàn bộ vết thương. Tác dụng của lực hút khoảng 125 mmHg sẽ hút loại bỏ dịch ứ đọng và những mảnh tổ chức hoại tử nhỏ ở vết thương, dịch phù nề gian bào xung quanh, làm tăng lưu lượng máu gấp 4 lần, cải thiện cung cấp oxy, giảm số lượng vi khuẩn, giảm diện tích và dung tích vết thương… nên giúp vết thương nhanh liền.

Lần mổ thứ hai, sau ca mổ lần một khoảng 13 ngày, bác sĩ cắt lọc bổ sung để loại bỏ tổ chức để lại mà nay đã rõ hoại tử. Chỉ sau mấy tuần sử dụng VAC, vết thương đã liền và không có viêm rò tái phát. Anh Đức được ra viện và chờ lần mổ tiếp theo.

Gần 3 tháng sau, anh Đức bước vào ca mổ lần mổ thứ 3. Bác sĩkiểm tra và xử lý thần kinh khi vết thương đã liền ổn định. Giáo sư Tiến cho biết, các dây thần kinh nằm trong khối sẹo xơ lớn vẫn còn rắn chắc, dính với tổ chức xung quanh trên gần suốt chiều dài cánh tay, nhất là dính với các mạch máu lớn cánh tay ở vùng được nối ghép và sau ổ gãy xương, nên phải tiến hành gỡ dính từ vùng lành hai đầu vào vùng tổn thương bằng kỹ thuật vi phẫu. Nếu không tỉ mỉ và thật chính xác thì có thể làm tổn thương thần kinh hoặc rách mạch máu.

May mắn các dây thần kinh không bị đứt đoạn nhưng rắn chắc do bao ngoài dây thần kinh rất dày, đây là hậu quả của đụng dập và viêm kéo dài. Dưới kính hiển vi với độ phóng đại 15 – 20 lần, bác sĩ cắt bỏ chính xác lớp áo ngoài và tách từng bó sợi thần kinh để giải phóng chèn ép, nhận thấy nhiều sợi thần kinh của dây thần kinh giữa, dây thần kinh trụ, thần kinh quay còn cấu trúc sợi nên không thực hiện nối hoặc ghép thần kinh như dự kiến trước mổ.





Giáo sư Tiến thao tác giải ép dây thần kinh trên kính vi phẫu. Ảnh: BVĐK Tâm Anh

Giáo sư Tiến thao tác giải ép dây thần kinh trên kính vi phẫu. Ảnh: BVĐK Tâm Anh

Vài tháng sau phẫu thuật xử lý tổn thương chít hẹp thần kinh, ngón tay của anh Đức đã bắt đầu chuyển động nhẹ. Những ngày sau đó, anh dần vận động được khớp vai, gấp duỗi khuỷu, gấp duỗi cổ tay và các ngón tay cũng như bàn tay dần cảm giác được nóng – lạnh, đụng chạm, cảm giác đau và cảm giác phân biệt…

Sau 3 lần phẫu thuật kết hợp tập luyện vận động chủ động (tự gấp – duỗi) dưới sự hướng dẫn của giáo sư Tiến và điều trị vật lý trị liệu, đến nay tay phải của anh Đức đã hồi phục gần như hoàn toàn. Anh có thể làm được một số việc nhà và quay lại với công việc trước đây.

Chứng kiến sự hồi phục của chồng, vợ anh Đức xúc động nói: “Gia đình tôi cảm thấy vui sướng tột cùng khi các lần mổ vô cùng thành công. Chồng tôi là trụ cột gia đình, có thể quay trở lại với công việc, cuộc sống của chúng tôi không còn khó khăn bế tắc nữa”.

Giáo sư Tiến cho biết rủi ro trong quá trình lao động khá phổ biến, có những tai nạn rất nghiêm trọng và phức tạp. Trước hết, người lao động phải đặc biệt chú ý bảo vệ mình bằng cách tuân thủ nội quy lao động, có dụng cụ bảo hộ đạt chất lượng… Nếu chẳng may gặp nạn, người bệnh cần được xử trí tốt tại chỗ, đảm bảo cho vận chuyển và đưa ngay đến cơ sở y tế chuyên khoa càng sớm càng tốt để các tổn thương được xử lý một cách đúng đắn và kịp thời, nâng cao cơ hội phục hồi. Để có thể hồi phục tốt những tổn thương thuộc cơ quan vận động, sau phẫu thuật người bệnh cần kiên trì tập luyện theo hướng dẫn của bác sĩ và kiểm tra định kỳ.

Anh Thái

Trả lời