Bà Phạm Khánh Phong Lan: ‘Nên bỏ đấu thầu thuốc, giao bệnh viện tự chủ’ Leave a comment

Phó giáo sư Phạm Khánh Phong Lan đề xuất bỏ quy định đấu thầu chọn thuốc giá rẻ ở bệnh viện công lập, giao mỗi nơi một định suất tự mua sắm với giá cả, chất lượng phù hợp người bệnh.

Tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế đang diễn ra ở nhiều nơi cả nước. Các địa phương, bệnh viện loay hoay tìm cách tháo gỡ, kiến nghị những giải pháp giải quyết khó khăn, vướng mắc. VnExpress phỏng vấn phó giáo sư Phạm Khánh Phong Lan, đại biểu Quốc hội, Phó Chủ tịch Hội Dược học Việt Nam, những vấn đề xoay quanh việc đấu thầu, mua sắm thuốc.

– Theo bà, đâu là nguyên nhân quan trọng nhất của tình trạng thiếu thuốc hiện nay?

Về khách quan, do ảnh hưởng của Covid-19, nhiều nhà máy trên toàn cầu bị đình trệ, chuỗi cung ứng đứt gãy với cả hàng nhập khẩu lẫn hàng sản xuất trong nước khi nhập khẩu nguyên liệu. Lượng bệnh nhân tăng sau dịch, việc dự trù thuốc của các bệnh viện căn cứ vào lượng sử dụng của năm 2021 nên hiện nay không đáp ứng kịp nhu cầu. Trong khi đó, để mua sắm thuốc theo gói thầu rộng rãi phải mất khoảng từ 3 đến 6 tháng.

Nguyên nhân chủ quan là tâm lý ngán ngại, lúng túng, sợ sai sót của nhân viên y tế trước những sự cố gần đây liên quan đến thanh kiểm tra, điều tra về đấu thầu, mua sắm.

Tôi không ngạc nhiên trước tình trạng thiếu thuốc vì trong ngành đã nhiều lần phản ánh về bất cập trong cơ chế cung ứng, đấu thầu thuốc, trang thiết bị vật tư y tế. Có thể nói Covid-19 như giọt nước làm tràn ly, biểu hiện bằng thực trạng thiếu thuốc như hiện nay. Theo tôi, quan trọng nhất là nguyên nhân chủ quan, đặt ra vấn đề liệu những quy trình đấu thầu của chúng ta có phù hợp không, cần giải quyết tận gốc vấn đề.

– Quy trình đấu thầu hiện nay tồn tại những bất cập, thiếu hợp lý nào?

Chúng ta đang đấu thầu theo hình thức các bệnh viện căn cứ vào số lượng tiêu thụ, danh mục thuốc hàng năm để lên kế hoạch mua sắm. Sau đó, mặt hàng giá rẻ nhất sẽ trúng thầu. Chính giá trúng thầu đó lại trở thành giá kế hoạch cho năm sau. Nguyên lý của đấu thầu là giá trúng thầu không được cao hơn giá kế hoạch, có nghĩa qua từng năm thì giá này sẽ thấp dần, đến một lúc nào đó giá trị viên thuốc còn lại bao nhiêu?

Càng ngày, những công ty thuốc chất lượng tốt, giá cao sẽ càng không thể tham gia cuộc đua. Điều này cũng gây hại cho sự phát triển của công nghiệp dược, khó phát triển bền vững, bởi chúng ta không thể phát triển những mặt hàng chất lượng khi giá cả càng lúc càng phải rút xuống. Lúc trước, công ty VN Pharma trúng gói thầu cung cấp thuốc chữa ung thư tại hàng loạt bệnh viện lớn cũng nhờ tham gia vào gói thầu những thuốc chất lượng cao và đưa ra giá thấp nhất, sau này bị phát hiện là đã làm giả thuốc. Chưa kể, đấu thầu xong có thuốc rồi, vài tháng sau địa phương khác trúng thầu rẻ hơn thì có khi bảo hiểm y tế lại áp theo giá rẻ hơn khiến bệnh viện rất bị động.

Tôi không cho rằng thuốc đắt thì chắc chắn tốt nhưng thuốc rẻ thì chắc chắn sẽ kém chất lượng. Hiện nay, việc đấu thầu thuốc được chia theo từng nhóm thuốc, nhưng loay hoay một hồi cuối cùng trong từng nhóm cũng chọn thuốc rẻ nhất. Cùng một hoạt chất, thuốc của châu Âu, Mỹ thường giá sẽ cao hơn, chất lượng tốt hơn nên không thể cạnh tranh, trúng thầu với thuốc giá rẻ do các nước châu Á như Trung Quốc, Ấn Độ sản xuất. Khi không có thuốc tốt, bác sĩ sẽ thiếu vũ khí điều trị bệnh nhân, nhất là những ca bệnh nặng. Chúng ta cũng chưa có những đánh giá, rằng thuốc rẻ vào bệnh viện bằng mọi giá thì có làm tăng ngày điều trị, làm bệnh nặng hơn hay không.

Điều này sẽ dẫn đến nghịch lý gì? Những thuốc giá thấp sẽ tập trung cho người bệnh sử dụng bảo hiểm y tế, trong khi mặt hàng thuốc với chất lượng, giá cả hợp lý hơn thì hiện diện ngoài thị trường và người dân phải tự mua. Ở một mặt nào đó, việc này bào mòn ý nghĩa của bảo hiểm y tế, người dân sẽ nghĩ cứ thuốc rẻ, thuốc dở là thuốc bảo hiểm.





Bà Phạm Khánh Phong Lan. Ảnh: Hữu Khoa

Bà Phạm Khánh Phong Lan. Ảnh: Hữu Khoa

– Nếu không chọn giá rẻ nhất dẫn đến lo ngại về chất lượng điều trị thì những quy định về đấu thầu nên được thay đổi, cải thiện ra sao?

Sự việc đã xảy ra đến lúc này không thể chỉ dừng ở việc rà soát, sửa đổi quy định. Liệu chúng ta có nên mạnh dạn đặt ra vấn đề tại sao phải đấu thầu? Đấu thầu không phải là biện pháp duy nhất và cũng không là biện pháp tối ưu. Quan trọng, mục tiêu cuối cùng hướng đến là làm sao phục vụ nguời bệnh tốt nhất, lựa chọn những thuốc chất lượng nhất với giá cả hợp lý nhất. Hợp lý chứ không có nghĩa rẻ nhất.

Hiện, thuốc có hai loại là biệt dược gốc (thuốc brand name) và thuốc thế hệ hai (thuốc generic). Biệt dược gốc là hàng độc quyền, do công ty sáng chế, được khai thác độc quyền trong 20 năm, giá rất đắt. Không chỉ Việt Nam mà nhiều nước trên thế giới cũng hạn chế dùng vì quá tốn kém, không đủ quỹ bảo hiểm y tế, không thể kê cho tất cả bệnh nhân nhưng vẫn có tỷ lệ nhất định người mắc bệnh rất nặng, giữa ranh giới sống chết, cần dùng đến. Thuốc này không cần đấu thầu vì chỉ có một nhà sản xuất, song phải phát huy hình thức đàm phán giá. Điều này từng bệnh viện không làm được mà phải ở quy mô ít nhất là thành phố lớn hoặc cả nước. Chính phủ, Bộ Y tế có thể đứng ra đàm phán, thương lượng để có giá thuốc tốt nhất, có lợi nhất cho người bệnh. Những mặt hàng này rất đắt tiền, nếu bớt được một phần giá thì đã rất tiết kiệm.

Thuốc generic là thuốc đã hết hạn bản quyền, bất cứ công ty dược nào cũng có quyền sản xuất, thị trường rất phong phú đa dạng. Thuốc này chiếm phần lớn trong kho thuốc các bệnh viện, chúng ta nên bỏ đấu thầu, giao quyền tự chủ cho các bệnh viện mua sắm trực tiếp. Các bệnh viện tư nhân đâu ai tổ chức đấu thầu. Các nước trên thế giới cũng không ai xé lẻ ra đấu thầu khắp nơi như vậy cả.

Theo đó, mỗi bệnh viện công được tính định suất dựa trên số lượng bệnh nhân mỗi nơi, hàng năm trung bình dùng bao nhiêu thuốc. Bảo hiểm y tế sẽ dùng các kỹ thuật tính toán với nguồn quỹ, giao cho mỗi bệnh viện một mức tiền để mỗi nơi tự chủ động mua những loại thuốc phù hợp nhu cầu, phát huy được tính chủ động sáng tạo. Nhà nước cũng không lo tốn kém vì đã tính định suất từ đầu. Việc này giúp tiết kiệm nhân lực, tài lực tham gia đấu thầu, các bác sĩ, nhân viên y tế bớt áp lực, đỡ phải ngồi xem thuốc nào giá rẻ nhất để chọn. Bác sĩ sẽ có nhiều loại thuốc đúng nhu cầu để kê đơn cho bệnh nhân, thay vì chỉ được bắt buộc sử dụng các thuốc giá rẻ đã trúng thầu như trước.

Bệnh viện phải tính toán mua sắm làm sao không phải bù lỗ, đảm bảo việc điều trị tốt cho bệnh nhân, không để người bệnh bỏ tiền túi mua bên ngoài vì thiếu thuốc. Thậm chí, giá cả thị trường lên xuống, lúc giá rẻ, bệnh viện có quyền mua nhiều để trữ. Việc mua sắm này phải công khai minh bạch, nếu có hoa hồng của công ty thì không để rơi vào tay cá nhân mà có thể đưa vào quỹ chung bệnh viện để cân đối các hoạt động cho nhân viên. Chúng ta đã chặn bằng định suất thì cũng sẽ hạn chế chuyện vung tay quá trán.

– Nếu tính định suất, giao tiền rồi, bệnh viện lại mua chủ yếu thuốc rẻ, thuốc kém chất lượng thì sao?

Thì bệnh viện đó có thể mất thương hiệu, mất uy tín, bệnh nhân không vào nhiều nữa, giống như các bệnh viện tư nhân. Thật ra, các bác sĩ ưu tiên số một khi lựa chọn thuốc là dựa trên hiệu quả điều trị, đó là uy tín của bác sĩ nữa. Có lẽ không lãnh đạo bệnh viện nào mong dưới thời của mình bệnh nhân sụt giảm, thu nhập của nhân viên bị ảnh hưởng, nhiều người nghỉ việc.

Bảo hiểm y tế chi trả toàn bộ số tiền mua thuốc của bệnh viện với điều kiện có hồ sơ đi kèm, chữa cho bao nhiêu người, bệnh nhân có khỏi bệnh, có hài lòng không, còn việc mua thuốc ở đâu kệ bệnh viện. Thuốc là mặt hàng có kiểm soát giá, bệnh viện không phải muốn kê bao nhiêu thì kê. Bộ Y tế nên đưa ra những khung giá, bảo hiểm y tế sẽ thanh toán theo khung đó. Ở nước ngoài, bảo hiểm y tế thống nhất với nhà nước chi theo khung giá, kể cả thuốc trong bệnh viện nhà nước lẫn thuốc trên thị trường.

Chính bản chất của đấu thầu mới dễ nảy sinh tiêu cực, dễ “quân xanh quân đỏ” nếu kiểm soát không tốt. Việc đấu thầu chọn giá thấp không biết tiết kiệm được bao nhiêu tiền nhưng thay vào đó tốn nhân lực của bác sĩ, của nhân viên y tế, thay vì lo nâng cao chuyên môn thì lo tập trung loay hoay mua sắm, chưa kể mua sắm sai thì phải đi tù.

– Trong bối cảnh việc mua sắm riêng lẻ ở các bệnh viện còn nhiều điểm yếu, TP HCM dự kiến lập trung tâm mua sắm tập trung với hy vọng đạt được giá trúng thầu tối ưu, thống nhất, dễ lựa chọn nhà thầu với số lượng mua sắm lớn, đỡ tốn thời gian của từng bệnh viện. Bà đánh giá thế nào về mô hình này?

Đây không phải là mô hình mới, TP HCM từng lập trung tâm mua sắm tập trung nhưng phải đóng cửa năm 2017 vì nhiều lý do. Lần này làm lại, chắc chắn sẽ có những thay đổi, mọi người đặt kỳ vọng nhiều hơn. Tuy nhiên, với nguyên lý chung về đấu thầu như vậy, tôi nghĩ cũng rất khó.

Đấu thầu riêng lẻ từng bệnh viện có bất lợi là giá cả cao thấp khác nhau, bảo hiểm khó khăn trong thanh toán, khó giải thích vì sao thanh toán bệnh viện này ít tiền hơn bệnh viện kia. Nếu mua sắm tập trung một mối thì giá cả sẽ thống nhất, dễ dàng thanh toán. Tuy nhiên, với nhu cầu sử dụng thuốc lớn của TP HCM, nếu chỉ một đơn vị trúng thầu, năng lực đáp ứng sẽ ra sao. Nếu đứt gãy chuỗi cung ứng, chẳng hạn công ty đó cháy nhà máy, xảy ra chuyện gì thì mức độ ảnh hưởng sẽ là toàn thành phố. Do đó, mua sắm tập trung thì cơ hội nhiều nhưng nguy cơ cũng lớn.

Ngoài ra, vấn đề quan trọng là các mặt hàng thuốc trên thị trường rất phong phú, đa dạng, mỗi bác sĩ ở từng bệnh viện lại có những thói quen, kinh nghiệm trị liệu với một số loại thuốc khác nhau, làm nên tính đa dạng trong điều trị. Nếu từng bệnh viện trúng thầu các danh mục khác nhau thì bác sĩ sẽ có nhiều sự lựa chọn. Đừng nghĩ bác sĩ, bệnh viện chọn thuốc này thuốc kia là do hoa hồng. Bản thân bác sĩ trong quá trình điều trị sẽ theo dõi để biết thuốc nào tác dụng ra sao, nếu toàn thành phố dùng một loại thuốc thì sẽ rất đồng bộ, hiệu quả trị liệu sẽ ra sao, cơ hội đánh giá thuốc mới trên thị trường cũng rất khó.

Nếu chúng ta không thay đổi về cách nhìn, quy trình đấu thầu thì việc lập trung tâm mua sắm cũng chỉ là “bình mới mà rượu cũ”.

Lê Phương

Trả lời

1.3206