Bác sĩ 20 năm tiếp động lực cho bệnh nhân ung thư Leave a comment

Hà NộiBác sĩ Khiêm giữ liên lạc với bệnh nhân đã chữa khỏi ung thư, nhờ họ “tiếp lửa” cho người mới bắt đầu điều trị qua những câu chuyện thật của mình.

Gần 20 năm công tác, Tiến sĩ, bác sĩ Vũ Hữu Khiêm – Trưởng khoa Ung bướu, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, được nhiều người biết đến không chỉ với vai trò bác sĩ, mà còn là “người truyền lửa” cho những chiến binh K. Từ những câu chuyện người thật, việc thật, bác sĩ đã giúp bệnh nhân vực dậy tinh thần, tuân thủ phác đồ điều trị và sống vui khỏe hơn.

Truyền niềm tin cho bệnh nhân

Chị Bùi Thị Ly (44 tuổi, Hà Nội) điều trị ung thư phổi tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội từ đầu năm 2022. Nhìn lại khoảng thời gian hai năm trước, khi mới được chẩn đoán mắc ung thư, chị Ly không nghĩ mình đã đi được một quãng đường dài như vậy. Chị Ly kể, năm 2019, khi được chẩn đoán mắc ung thư phổi, chị cứ ngỡ mọi thứ đã chấm hết và suy sụp hoàn toàn. Thế nhưng may mắn gặp được bác sĩ Khiêm, chị được bác sĩ giới thiệu các trường hợp chữa khỏi ung thư vẫn sống khỏe. Qua những câu chuyện của bệnh nhân ung thư khỏi bệnh, chị Ly dần có động lực và mạnh mẽ hơn để chiến đấu.

Sống khỏe mạnh đến hôm nay cũng nhờ vào những cuộc điện thoại từ người lạ, anh Bùi Thế Huy (Hà Nội) kể lại, năm 2010, anh được chẩn đoán bị ung thư phổi đã xâm lấn, di căn hạch. Anh suy sụp tinh thần và từ bỏ điều trị vì nghĩ không còn sống được bao lâu. Trong một lần tình cờ, anh Huy được giới thiệu đến gặp bác sĩ Khiêm. Bên cạnh tư vấn phác đồ điều trị, bác sĩ Khiêm còn động viên anh bằng những câu chuyện thân tình, kết nối anh với những người bệnh ung thư đã điều trị khỏe mạnh. Nhờ vào đó, anh Huy bớt căng thẳng và dần lạc quan, chấp nhận điều trị. Sau hơn 11 năm, đến nay anh Huy vẫn sống vui khỏe và hỗ trợ bác sĩ Khiêm truyền động lực cho những “chiến binh” mới.





Tiến sĩ, bác sĩ Vũ Hữu Khiêm - Trưởng khoa Ung bướu, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội đang tư vấn cho người bệnh. Ảnh: Bệnh viện cung cấp

Tiến sĩ, bác sĩ Vũ Hữu Khiêm – Trưởng khoa Ung bướu, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội đang tư vấn cho người bệnh. Ảnh: Bệnh viện cung cấp

Chia sẻ về ý tưởng truyền lửa cho bệnh nhân, bác sĩ Khiêm cho biết: “Tôi đặt mình vào vị trí của bệnh nhân để đồng cảm và sẻ chia. Bởi khi nghe tin mắc ung thư ai cũng sẽ sốc, cảm giác đầu tiên có lẽ là suy sụp, hoang mang, rồi dần rơi vào bất mãn. Trong quá trình chữa bệnh nói chung và đặc biệt với bệnh ung thư, tinh thần là một trong những vũ khí quan trọng nhất, khi tinh thần tốt, sức khỏe tốt, hệ miễn dịch tốt đồng nghĩa quá trình điều trị có thể dễ dàng, thuận tiện và được tuân thủ”.

Theo bác sĩ Khiêm, bệnh nhân ung thư nghe về phương pháp điều trị hiện đại sẽ không bằng nghe câu chuyện về người mắc bệnh giống họ nhưng đã khỏi, sống khỏe mạnh. Từ chuyện người thật, việc thật, chắc hẳn họ sẽ có động lực, niềm tin để chữa bệnh.

Không chỉ nhờ bệnh nhân cũ tiếp lửa cho bệnh nhân mới, bác sĩ Khiêm còn quan tâm đến sức khỏe tinh thần trong phác đồ điều trị. Ông vực dậy tinh thần cho “chiến binh K” bằng cách thường xuyên hỏi thăm, giải thích diễn biến bệnh tình từng ngày, cả những tác dụng phụ nào có thể xảy ra. Bác sĩ tận tình hướng dẫn bệnh nhân từ chế độ ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng, cách vận động, tập luyện thể dục thể thao hợp lý để có tinh thần thoải mái nhất. Những việc mọi người thường nghĩ là nhỏ nhặt nhưng theo bác sĩ Khiêm với bệnh nhân ung thư lại khá quan trọng.

Từng công tác ở các bệnh viện đầu ngành về ung thư, bác sĩ Khiêm hiểu được việc người bệnh ít được chia sẻ, bác sĩ không có đủ thời gian giải thích bệnh là thiệt thòi lớn cho họ. Do vậy, bác sĩ Khiêm luôn nhắc nhở bản thân và các đồng nghiệp trong khoa Ung bướu, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh cần sát cánh với từng trường hợp, cùng người bệnh và gia đình vượt qua những khó khăn, mệt nhọc trong quá trình điều trị.

Trăn trở với phương pháp điều trị cá thể hóa

Bên cạnh việc chú trọng nâng đỡ tinh thần cho bệnh nhân, bác sĩ Khiêm còn trăn trở về phương pháp điều trị cá thể hóa. Theo bác sĩ Khiêm, nhiều bệnh nhân ung thư vẫn lầm tưởng một loại ung thư sẽ có cách điều trị giống nhau và cứ thuốc đắt tiền thì tốt. Thực tế, tùy vào từng bệnh nhân, bác sĩ phải đánh giá toàn bộ những biểu hiện từ lâm sàng, thể trạng đến các yếu tố xét nghiệm, sinh học phân tử, di truyền… để đưa ra phác đồ chính xác nhất.





Tiến sĩ, bác sĩ Vũ Hữu Khiêm luôn tìm tòi, nghiên cứu phương pháp điều trị tối ưu cho bệnh nhân. Ảnh: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh

Tiến sĩ, bác sĩ Vũ Hữu Khiêm luôn tìm tòi, nghiên cứu phương pháp điều trị tối ưu cho bệnh nhân. Ảnh: Bệnh viện cung cấp

Bác sĩ Khiêm chia sẻ, y học Việt Nam đã ứng dụng thành công nhiều kỹ thuật điều trị ung thư hiện đại trên thế giới. Ông cũng may mắn được là một trong các bác sĩ đầu tiên tại Việt Nam ứng dụng các kỹ thuật mới trong điều trị ung thư như xạ trị điều biến liều, xạ trị điều biến thể tích, xạ trị với PET/CT mô phỏng, điều trị đích, điều trị miễn dịch trong ung thư… Tuy nhiên, theo bác sĩ Khiêm, cũng có những kỹ thuật Việt Nam chưa làm được, đơn cử như phương pháp xạ trị hạt nặng do chi phí thiết bị rất cao. Phương pháp này được đánh giá cao vì xạ trị chỉ nhắm vào khối u và không gây ảnh hưởng đến các mô lành xung quanh.

“Tôi cũng như rất nhiều bác sĩ trong ngành ung thư mơ ước tìm ra các phương pháp điều trị tối ưu, giảm đau đớn nhất, ít tác dụng phụ cho bệnh nhân ung thư nhưng phía trước vẫn còn rất nhiều việc phải làm”, bác sĩ Khiêm trăn trở.

Bác sĩ Khiêm cho biết, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh đã triển khai tổ chức hội chẩn trực tuyến cho người bệnh nếu họ muốn tham khảo ý kiến chuyên gia nước ngoài. Đơn cử trong năm 2021, trong tình hình dịch bệnh Covid-19 khiến bệnh nhân không thể ra nước ngoài điều trị, khoa Ung bướu Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh đã kết nối với Viện Ung thư Quốc gia Nhật Bản tổ chức nhiều cuộc hội chẩn trực tuyến nhằm đưa ra phác đồ điều trị tốt nhất cho bệnh nhân. Nhờ đó, nhiều chiến binh K được điều trị bằng phương pháp hiện đại với chi phí hợp lý ngay trong nước.

“Không có niềm vui gì bằng nhìn thấy bệnh nhân của mình khỏi bệnh và 5-7 năm sau điều trị gặp lại bệnh nhân của mình vẫn lạc quan và tràn đầy năng lượng”, bác sĩ Khiêm chia sẻ.

Với Tiến sĩ, bác sĩ Vũ Hữu Khiêm, tài sản lớn nhất là danh bạ điện thoại lưu tên hàng nghìn bệnh nhân ung thư, những người góp phần tiếp thêm động lực cho bác sĩ tìm tòi, nghiên cứu các phương pháp điều trị mới và truyền “liều thuốc” tinh thần cho những chiến binh K suốt hơn 20 năm qua.

Tên bệnh nhân đã được thay đổi.

Hà Phượng

Trả lời