Bảo hiểm y tế chi trả thuốc điều trị lao từ 1/7 Leave a comment

Bệnh nhân lao có thẻ bảo hiểm y tế từ ngày 1/7 nhận thuốc điều trị từ nguồn bảo hiểm thay vì được ngân sách nhà nước cấp miễn phí như trước.

“Là một trong những quốc gia có Chương trình Phòng chống lao thành công và hiệu quả nhưng Việt Nam đứng thứ 11 trong 30 quốc gia có gánh nặng bệnh lao và lao kháng đa thuốc cao nhất thế giới”, ông Đặng Việt Hùng, Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm y tế (BHYT), Bộ Y tế, cho biết tại sự kiện Triển khai cấp thuốc lao nguồn bảo hiểm y tế, ngày 1/7.

Theo báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới, năm 2020 Việt Nam có hơn 172.000 ca mắc mới, 10.400 ca tử vong do lao. Số ca tử vong vì bệnh lao tương đương với số người chết vì tai nạn giao thông. Ông Hùng đánh giá việc đảm bảo một cơ chế tài chính bền vững cho công tác khám, chẩn đoán và điều trị bệnh lao đóng vai trò then chốt đối với sự thành công của Chương trình phòng chống lao.

Lao là căn bệnh cần điều trị dài lâu. Trước đây, thuốc chống lao được cung cấp bởi nguồn ngân sách mua sắm từ Chương trình Mục tiêu Quốc gia, sau đó là Chương trình Mục tiêu Y tế Dân số tới hết năm 2021, điều trị miễn phí cho bệnh nhân lao. Tuy nhiên, do cơ chế tài chính thay đổi, nguồn ngân sách chính phủ hạn hẹp không thể đảm bảo nguồn tài chính bền vững, đầy đủ để cung cấp thuốc chống lao miễn phí cho toàn bộ các bệnh nhân lao lâu dài.

“Từ 1/7, các cơ sở điều trị lao trên toàn quốc bắt đầu cấp thuốc lao cho bệnh nhân qua BHYT, nhằm đảm bảo tài chính cho chương trình điều trị lao tại Việt Nam”, ông Hùng nói.





Bệnh nhân lao điều trị tại Bệnh viện Phổi Trung ương. Ảnh: Bệnh viện cung cấp

Bệnh nhân lao điều trị tại Bệnh viện Phổi Trung ương. Ảnh: Bệnh viện cung cấp

PGS.TS Nguyễn Viết Nhung, Trưởng ban Điều hành Chương trình Chống Lao Quốc gia, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương, cũng đánh giá đây là dấu mốc đặc biệt trong hành trình đảm bảo tài chính bền vững cho công tác chăm sóc, điều trị, dự phòng bệnh lao tại Việt Nam. Việt Nam cung cấp thuốc điều trị bệnh lao miễn phí hơn 20 năm qua thông qua nguồn ngân sách nhà nước. Theo khuyến cáo của WHO, thì sử dụng quỹ BHYT để thanh toán chi phí đối với thuốc chống lao là lựa chọn tất yếu.

Ông Nhung cho biết, thời gian tới, Chương trình Chống Lao quốc gia cùng với Bảo hiểm Xã hội Việt Nam và các đơn vị, hướng dẫn các cơ sở điều trị quản lý sử dụng, cung ứng, điều phối thuốc lao qua BHYT. Việt Nam hướng tới chấm dứt bệnh lao tại Việt Nam vào năm 2030.

Các chuyên gia cũng cho rằng tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế hiện nay là khoảng 90%. Việc chuyển đổi này sẽ giúp tăng tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế toàn dân.

Lê Nga

Trả lời