Bé trai 3,7 kg chào đời với vòng dây rốn thắt nút Leave a comment

Bác sĩ Sản Phụ khoa BVĐK Tâm Anh TP HCM phát hiện nút thắt dây rốn ít gặp, mổ lấy thai, cứu trẻ sơ sinh khỏi nguy cơ suy thai, ngạt sau sinh.

Sản phụ Trần Linh Phụng, 29 tuổi, ngụ tại TP HCM, mang thai lần đầu, có dấu hiệu chuyển dạ nên nhập viện sinh ở 39 tuần 3 ngày, trong tình trạng hoàn toàn khỏe mạnh. Chị Phụng được các bác sĩ tư vấn sinh mổ do thai nhi to. Trong quá trình sinh mổ, các bác sĩ tình cờ phát hiện một nút thắt dây rốn nguy hiểm, nguy cơ cao trẻ suy thai, ngạt sau sinh, thậm chí là thai lưu.





Bác sĩ bất ngờ phát hiện một nút thắt chết người trong ca sinh mổ. Ảnh: BVĐK Tâm Anh.

Bác sĩ bất ngờ phát hiện một nút thắt dây rốn nguy hiểm trong ca sinh mổ. Ảnh: BVĐK Tâm Anh.

ThS.BS Ngô Bình Lụa, bác sĩ Trung tâm Sản Phụ khoa Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết: Dây rốn là con đường cung cấp máu, chất dinh dưỡng và oxy cho thai nhi. Nếu dây rốn bị thắt nút, máu và oxy sẽ không được cung cấp đủ hoặc bị chặn hoàn toàn thì thai nhi sẽ gặp nguy hiểm, nguy cơ tử vong. Các biến chứng dây rốn thắt nút có thể xảy ra trước sinh và trong sinh, thường đòi hỏi phải được cấp cứu ngay lập tức để ngăn chặn thai chết trong tử cung.

Ở ca sinh của chị Phụng, mặc dù nút thắt dây rốn không chặt, máu và oxy vẫn lưu thông được nhưng nếu để sinh thường có thể xảy ra biến động tim thai trong quá trình chuyển dạ. Em bé có thể đối diện với nguy cơ suy hô hấp, lâm vào nguy kịch vì dây rốn thắt nút không cung cấp đủ oxy và máu.

Theo bác sĩ Lụa, thăm khám trước sinh, sản phụ có các chỉ số hoàn toàn bình thường với tuổi thai 39 tuần 3 ngày; tim thai 137 lần/phút, ngôi đầu, ối trong, bụng gò 1-2 cơn/10 phút, nhớt hồng; cổ tử cung mở 1-2cm dày và mềm. Chị Phụng có thể sinh thường nhưng do thai nhi khá to (khoảng 3,7 kg) và khung chậu hơi chệch so với thai nên bác sĩ khuyên nên sinh mổ để tránh các nguy cơ xấu.

Khi chào đời bé có hơi khó thở nhẹ, bị thiếu oxy, thử SpO2 chỉ có 92%, có dấu hiệu của suy hô hấp. Các bác sĩ Trung tâm Sơ sinh bỏ qua phương pháp da kề da và đón bé qua ngay phòng hồi sức sơ sinh NICU để chăm sóc tích cực, nhờ đó đảm bảo an toàn. Hiện tại, tình trạng bé ổn định, bú tốt, không cần chăm sóc đặc biệt vì bé đã không còn phụ thuộc vào nguồn oxy, dinh dưỡng từ dây rốn.

“Mặc dù tình cờ phát hiện dây rốn thắt nút trong ca phẫu thuật nhưng nhìn lại quá trình trước sinh mới thấy chỉ định sinh mổ ngay là đúng đắn. Nếu sản phụ sinh thường qua ngày hôm sau thì không biết chuyện gì sẽ xảy ra”, bác sĩ Lụa chia sẻ thêm.

Nút thắt dây rốn nguy hiểm như thế nào?

Theo bác sĩ Bình Lụa, ghi nhận nguy cơ tử vong ở nhóm thai nhi có dây rốn thắt nút cao gấp 5 lần và không có dự báo trước. Dây rốn thắt nút giống như một “tai nạn bất ngờ” trong sản khoa, thường khi xảy ra các biến cố như thai chết lưu, nhất là thai lưu 3 tháng cuối hoặc thời điểm chuyển dạ, các bác sĩ mới hồi cứu lại, thấy rằng có tình trạng thắt nút dây rốn.





Cận cảnh nút thắt dây rốn nguy hiểm ở thai nhi 39 tuần, 3 ngày. Ảnh: BVĐK Tâm Anh

Cận cảnh nút thắt dây rốn nguy hiểm ở thai nhi 39 tuần, 3 ngày. Ảnh: BVĐK Tâm Anh

Nút thắt dây rốn có tỷ lệ trung bình khoảng 1/100 và đa số các trường hợp là được phát hiện tình cờ. Các nút thắt được hình thành trong quá trình thai nhi chuyển động, trượt qua một vòng dây.

Bác sĩ Lụa thông tin, một số nghiên cứu trên y văn cho thấy, dây rốn thắt nút liên quan đến bào thai nam, dây rốn dài, mang thai quá ngày, đái đường thai kỳ, cao huyết áp mạn, sinh nở nhiều lần, đa ối, và liên quan đến tuổi mẹ, tình trạng thiếu máu, đái đường, tiền sử sảy thai trước đó. Những thai phụ có nguy cơ cao như mang song thai (một nhau, một ối), tức là hai em bé cùng chung một bánh nhau và một ối thì vòng dây rốn hay bị xoắn do tác động vật lý trong lòng tử cung. Nguy cơ dây rốn bị xoắn hoặc dây rốn thắt nút ở các trường hợp song thai lên tới 90% nên khoảng chừng từ tuần thai thứ 32-34, các bác sĩ đã phải mổ bắt em bé ra sớm.

Tuy nhiên, những thai kỳ đơn thai bị thắt nút dây rốn rất hiếm, đa số xảy ra ở những sản phụ có nước ối quá nhiều, đa ối, dây rốn dài hoặc thai nhi nhẹ cân. Trường hợp của sản phụ Phụng không có các yếu tố này nên không ai ngờ tới là có một nút thắt nguy hiểm.

Theo bác sĩ Lụa, siêu âm có thể phát hiện nút thắt dây rốn nhưng độ nhạy không cao. Ví dụ như nếu vị trí dây rốn nằm quá sát nhau thì hình ảnh siêu âm có thể không rõ, hoặc các thạch của dây rốn trong giai đoạn sớm bị bết vào nhau cũng có thể tạo ra hình ảnh giả. Khi siêu âm thấy có một dấu hiệu gọi là dấu thòng lọng điển hình, vòng nửa của dây rốn đan chéo nhau thì bác sĩ siêu âm mới có thể kết luận đây là một trường hợp dây rốn thắt nút. Điều này có nghĩa các bác sĩ thường rơi vào thế bị động trong tình huống có thắt nút dây rốn. Do đó, việc xử trí nhanh, có phương pháp hỗ trợ em bé kịp thời ngay khi chui ra khỏi bụng mẹ có ý nghĩa quyết định trong việc giúp bé sơ sinh tránh khỏi nguy cơ nguy hiểm, gây di chứng tàn tật suốt đời hoặc dọa tử vong.

Ở Trung tâm Sản Phụ khoa Bệnh viện đa khoa Tâm Anh TP HCM, khi các thai phụ lên phòng sinh, cổ tử cung mở chừng 2-3 cm sẽ được gắn máy theo dõi tim thai liên tục. Trong quá trình chuyển dạ, khi thai nhi bắt đầu đi xuống nếu xảy ra tình trạng dây rốn bị thắt nút gây giảm tưới máu thì biến động tim thai sẽ được ghi nhận trên máy theo dõi. Nhờ thế, bác sĩ có thể phát hiện kịp thời tình trạng chèn ép rốn, chèn ép rốn ngày càng nặng hơn có nguy cơ suy thai để chỉ định mổ cấp cứu ngay. Ngoài ra, mỗi cuộc sinh bệnh viện đều có bác sĩ nhi chăm sóc em bé, thậm chí những cuộc sinh có nguy cơ cao đều được bác sĩ nhi đón sẵn. Ví dụ những trường hợp mang thai 5 tháng thì phác đồ giờ vàng sau sinh là bác sĩ nhi hồi sức cho bé ngay tại bàn.





Bé trai khỏe mạnh trở về trong vòng tay mẹ sau một ngày được chăm sóc tích cực tại Trung tâm Sơ sinh BVĐK Tâm Anh TP HCM. Ảnh: Thanh Trúc

Bé trai khỏe mạnh trở về trong vòng tay mẹ sau một ngày được chăm sóc tích cực tại Trung tâm Sơ sinh BVĐK Tâm Anh TP HCM. Ảnh: Thanh Trúc

Phòng ngừa nguy cơ thắt nút dây rốn

Bác sĩ Lụa cho biết, thông thường nếu phát hiện được nút thắt dây rốn trên siêu âm thì bác sĩ sẽ đánh giá sức khỏe thai rất kỹ, như cho siêu âm Doppler màu, kiểm tra tưới máu ở phía trước, ở phía sau vị trí dây rốn thắt nút; đo tim thai; kiểm tra sức khỏe thai.

Đối với tuổi thai đủ ngày đủ tháng thì bác sĩ sẽ hướng dẫn người mẹ để ý cử động thai thật kỹ và có những tư vấn chi tiết cho từng trường hợp cụ thể, tức là cá thể hóa cho từng thai phụ để họ có thể tự quyết định phương pháp sinh bé như thế nào cho an toàn. Với thai từ 26 tuần, thai phụ có thể theo dõi đếm cử động thai mỗi ngày 3 lần sáng, trưa, chiều sau ăn. Những mẹ bầu quá bận rộn thì chỉ cần để ý nếu trong vòng 12 tiếng đồng hồ bé có trên 10 cử động thai là bình thường, hoặc buổi tối mẹ dành 1-2 tiếng đồng hồ để nghỉ ngơi, nằm yên tĩnh, sau đó để ý em bé máy trên 8 lần là bình thường.

Ngoài ra, sau tuần thai thứ 36, thai phụ nên khám thai mỗi tuần một lần đến ngày dự sinh ở 40 tuần. Bác sĩ sẽ chỉ định nhập viện đối với thai quá ngày tùy từng trường hợp. Trước dự sinh 1-2 ngày, thai phụ nên nhập viện theo chỉ định của bác sĩ.

Đối với những trường hợp thai kỳ nguy cơ cao ví dụ như song thai chung một bánh nhau, chung một ối, nước ối nhiều, dây ối dài hoặc được chẩn đoán có xoắn dây rốn thì phải đi khám để bác sĩ theo dõi.

Nguyên Phương

Trả lời