Bé trai phải cắt chân vì viêm não mô cầu Leave a comment

TP HCMHai năm dịch Covid bùng phát làm gián đoạn tiêm chủng vaccine não mô cầu, các chuyên gia lo ngại bệnh lây lan và gây nhiều biến chứng nặng nề.

Bác sĩ Cao Hữu Nghĩa, giảng viên Trung tâm Đào tạo, Viện Pasteur TP HCM, tại tọa đàm về tiêm chủng vaccine não mô cầu, ngày 5/5 cho biết hiện nay là điều kiện thuận lợi để bệnh não mô cầu lây lan, khi thời tiết miền Nam đang chuyển từ mùa khô sang mùa mưa. Sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát, các hoạt động trở lại bình thường, học sinh, sinh viên đi học lại làm tăng tiếp xúc trong khi thời gian qua gián đoạn tiêm chủng vaccine não mô cầu. Do đó, nhóm yếu thế (trẻ em, trẻ dưới 6 tháng tuổi chưa được tiêm ngừa, người trên 60 tuổi, có bệnh nền) dễ bị vi khuẩn mô cầu tấn công.

Vài ngày trước, một bé trai 4,5 tháng tuổi nhập viện Nhi đồng 1 trong tình trạng sốt cao giờ thứ 12 kể từ khi khởi phát triệu chứng. Vài tiếng sau bé vào sốc, các nốt tử ban (ban có màu đỏ thẫm hoặc xanh tím bị hoại tử) lan rộng trên da, suy hô hấp phải thở máy, dùng nhiều loại kháng sinh liều cao. Đến ngày thứ 5, bé thoát nguy kịch, tuy nhiên ngày 8 tứ chi có nhiều chỗ gân cơ đã hoại tử sâu.

Bác sĩ Nguyễn An Nghĩa, Phó khoa Nhiễm – Thần kinh, Bệnh viện Nhi Đồng 1, cho biết chân tay bé bị hoại tử quá nặng buộc phải cắt chân phải từ đầu gối xuống và tháo nhiều ngón tay, chân để giữ lấy tính mạng. Người mẹ nghe bác sĩ thông báo tin này đã sốc, không chấp nhận. Sau nhiều lần được các bác sĩ tư vấn, giải thích, mẹ mới đồng ý ký vào giấy phẫu thuật cho con.

“Chúng tôi đã dồn rất nhiều nguồn lực, nhân sự, trang thiết bị, thuốc thang để cứu sống bé, song kết quả cuối cùng vẫn rất nặng nề. Biến chứng sau điều trị thay đổi cả cuộc đời bé và gia đình”, bác sĩ An Nghĩa chia sẻ.

Trước đó, một bé gái 4 tuổi đã không qua khỏi cũng vì viêm não mô cầu biến chứng nặng. Bé tử vong sau 6 tiếng nhập viện.





Vi khuẩn Neisseria Meningitidis gây não mô cầu. Ảnh: Britannica

Vi khuẩn Neisseria Meningitidis gây não mô cầu. Ảnh: Britannica

Bác sĩ An Nghĩa cho biết viêm màng não mô cầu là bệnh lý nhiễm khuẩn cấp tính do vi khuẩn Neisseria meningitidis gây ra. Nhóm dễ mắc bệnh này là trẻ dưới 5 tuổi, người trên 65 tuổi có sức đề kháng yếu và thanh thiếu niên 16-23 tuổi đang học tập, sinh hoạt ở nơi đông đúc như trường học, ký túc xá. Đặc trưng của bệnh là hiện diện và lây từ người sang người thông qua đường hô hấp khi tiếp xúc với giọt bắn, hoặc hôn, dùng chung ly tách với người mang trùng (mầm bệnh). Hai thể não mô cầu thường gặp và có khả năng gây tử vong nhanh nhất là nhiễm khuẩn huyết và viêm màng não.

Mỗi năm cả nước ghi nhận khoảng 50-100 ca viêm não mô cầu, riêng tại Bệnh viện Nhi đồng 1, mỗi năm 2-4 trẻ mắc bệnh này. Từ đầu năm đến nay, bệnh viện đã tiếp nhận hai ca viêm não mô cầu. Ít người mắc bệnh, nhưng 50-70% tử vong trong vòng 24 giờ nếu không điều trị kịp thời. Trường hợp được đưa tới cơ sở y tế sớm, điều trị tích cực thì vẫn có 7-10% tử vong. Nếu may mắn sống sót, 10-20% người bệnh bị di chứng vĩnh viễn như điếc, cắt chi, hoặc khiếm khuyết thần kinh, vận động.

Theo bác sĩ An Nghĩa, có hai nguyên nhân khiến não mô cầu là “bệnh tử“. Thứ nhất là tỷ lệ người lành mang trùng cao, 5-10% tổng dân số, chủ yếu là thanh thiếu niên. Cứ 4 thanh thiếu niên thì có một người mang trùng trong vùng hầu họng. Trong khi đó, những người này không biểu hiện ra bên ngoài, khi tiếp xúc với người khác có hệ miễn dịch yếu hơn, như trẻ dưới 5 tuổi, người trên 60 tuổi, sẽ lây lan âm thầm và gây bệnh.

Thứ hai, bệnh diễn tiến nhanh, nguy cơ tử vong cao trong vòng 24 giờ kể từ khi khởi phát triệu chứng, nhưng các triệu chứng khá mơ hồ, dễ nhầm lẫn với cúm, khó chẩn đoán và điều trị kịp thời. Trẻ càng nhỏ, các dấu hiệu càng khó nhận diện. Cụ thể, trong 8 giờ đầu tiên, bệnh nhân thường sốt, cáu gắt, buồn nôn hoặc nôn, chán ăn, đau họng, sổ mũi. 8 giờ tiếp theo, các triệu chứng rõ ràng hơn khi trên ngực, khớp gối, khuỷu tay chân xuất hiện các xuất huyết. Người bệnh bắt đầu có biểu hiện liên quan đến não như cứng cổ, sợ ánh sáng, nôn nhiều. 8 giờ cuối được xem là đã muộn khi người bệnh hôn mê hoặc mê sảng, co giật, mất ý thức và cuối cùng là tử vong.

Thống kê ghi nhận hầu hết trẻ viêm não mô cầu nhập viện vào giờ thứ 19, tương đối muộn để can thiệp y tế, do đó trẻ dưới 12 tháng tuổi có tỷ lệ tử vong cao. Ngoài ra, trong những trẻ được cứu sống, 30-50% phải đoạn chi, bác sĩ An Nghĩa thông tin thêm. Còn bác sĩ Hữu Nghĩa khuyến cáo: “Nhóm thanh thiếu niên, lứa tuổi mang mầm bệnh cao cần được tiêm chủng đầy đủ, vừa bảo vệ chính mình, vừa tránh lây nhiễm cho người xung quanh”.

Việt Nam đang lưu hành hai loại vaccine não mô cầu. Một loại gồm hai thành phần huyết thanh B và C có thể tiêm cho người từ 6 tháng tuổi đến 45 tuổi, gồm hai liều, mỗi liều cách nhau 6-8 tuần. Loại thứ hai cộng 4 loại huyết thanh, gọi là tứ giá, dùng cho trẻ 9 tháng tuổi đến người 55 tuổi. Trẻ 9-23 tháng tuổi sẽ tiêm hai liều, cách nhau ba tháng; từ hai tuổi trở lên tiêm một liều duy nhất.

Thư Anh

Trả lời