Hà NộiBé trai 7 tuổi, nặng 21 kg, nhẹ hơn mức tiêu chuẩn gần hai kg, chiều cao 119 cm – thấp hơn chuẩn 2,7 cm; xét nghiệm kiểm tra vi chất cho thấy lượng vitamin D thiếu nặng.
Bé được đưa vào Bệnh viện Đa khoa Medlatec khám ngày 27/4 do một tháng qua ra nhiều mồ hôi tay chân, mệt mỏi, khó ngủ. Các bác sĩ kiểm tra chức năng hô hấp, tim, phổi của bé đều trong giới hạn bình thường, tuy nhiên cân nặng và chiều cao thiếu so với chuẩn tăng trưởng của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).
Kết quả xét nghiệm kiểm tra vi chất cho thấy chỉ số vitamin D của bé là 17.10 ng/ml, tức thiếu nặng. Thông thường, chỉ số vitamin D đủ là từ 30 ng/ml trở lên. Bé được chẩn đoán chậm phát triển do thiếu vitamin D, điều trị ngoại trú, đồng thời bác sĩ tư vấn chế độ dinh dưỡng và cách chăm sóc để khắc phục tình trạng suy dinh dưỡng chiều cao.
Người nhà cho biết bé sinh thường, các chức năng vận động bình thường, thi thoảng đau mỏi tay chân nhưng thường bị bỏ qua. Trước khi đi học trở lại, bé ở nhà nhiều tháng, ít ra ngoài, điều bất thường là hơn một tháng nay mặc dù thời tiết mát mẻ nhưng bé ra nhiều mồ hôi tay chân.
Bác sĩ Trần Thị Kim Ngọc, chuyên khoa Nhi, cho biết nhiều người biết vai trò của vitamin D là tạo nên cấu trúc xương. Tuy nhiên, chất này còn có rất nhiều vai trò quan trọng khác như tham gia quá trình phân chia tế bào, bài tiết và chuyển hóa các hormone, bao gồm hormone tuyến cận giáp và insulin. Vitamin D cũng có thể ảnh hưởng đến sự biệt hóa một số tế bào ung thư như ung thư da, xương và các tế bào ung thư vú; giảm nguy cơ phát triển ung thư (vú, đại tràng và tuyến tiền liệt), điều hòa cân bằng nội môi của can xi và phốt pho trong cơ thể.
Ngoài ra, trong giai đoạn dịch bệnh Covid-19, các nghiên cứu cho thấy vitamin D không chỉ có tác dụng tăng cường hệ miễn dịch bẩm sinh, mà còn giúp hệ miễn dịch không phản ứng quá mức (hiện tượng bão cytokine) đưa cơ thể người vào tình thế nguy hiểm có thể tử vong.
Kết quả nghiên cứu tại Bệnh viện Nhi Trung ương cho thấy tỷ lệ thiếu vitamin D ở trẻ là 23,9%. Trong đó, lứa tuổi 6-15 là giai đoạn quan trọng cho sự phát triển của trẻ, nhất là tăng trưởng về chiều cao và sự khoáng hóa xương. Đặc biệt, đây cũng được coi là giai đoạn cuối cho trẻ phát triển đột phá về thể chất tốt nhất. Vì vậy, dinh dưỡng giai đoạn này rất quan trọng.
Dấu hiệu sớm nhận biết trẻ thiếu vitamin D là hay quấy khóc, khó ngủ, ngủ không yên giấc, hay giật mình do thần kinh bị kích thích; ra nhiều mồ hôi về ban đêm, ngay cả khi trời lạnh (mồ hôi trộm); chậm phát triển thể lực, trương lực cơ giảm (cơ nhão), da xanh…
Nhóm có nguy cơ thiếu vitamin D trầm trọng như trẻ sinh non, trẻ không tiếp xúc với ánh nắng mặt trời (sinh trong mùa đông); trẻ có chế độ ăn chủ yếu dựa vào rau và các loại hạt, không sử dụng sữa hoặc các thực phẩm có bổ sung vitamin D; trẻ mắc các bệnh nhiễm khuẩn (nhiễm khuẩn hô hấp, sởi, rối loạn tiêu hóa kéo dài…).
Khuyến nghị của WHO là trẻ dưới một tuổi cần bổ sung 400 IU vitamin D một ngày, trẻ em từ một tuổi trở lên và người dưới 50 tuổi bổ sung 600 IU/ngày, người từ 50 tuổi trở lên và phụ nữ mang thai hoặc đang cho con bú cần 800 IU vitamin D một ngày.
Vitamin D cung cấp cho cơ thể chủ yếu là tổng hợp vitamin D3 ở da, chiếm khoảng 90-95%. Nguồn cung thứ yếu vitamin D là từ thức ăn, khoảng 5-10%. Phụ huynh cần bổ sung chất này cho con bằng cách tắm nắng, dinh dưỡng. Trường hợp trẻ cách ly, gia đình cần mở rộng cửa sổ để nhà được thông thoáng, cho trẻ chơi nhiều nhất có thể ở chỗ có ánh nắng mặt trời. Ngoài ra, bữa ăn cần đa dạng thực phẩm giàu vitamin D như: cá béo tươi, nấm, lòng đỏ trứng gà, sữa chua nguyên kem, gan bò và thịt vịt.