Bệnh lậu cổ họng – VnExpress Sức khỏe Leave a comment

Bệnh lậu cổ họng thường xảy ra ở những người quan hệ tình dục bằng miệng, do vi khuẩn Neisseria gonorrhoeae gây ra.

Lậu là một bệnh nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục phổ biến, có thể gây nhiễm trùng ở vùng sinh dục, trực tràng và cổ họng. Theo tờ Verywell Health (Mỹ), bệnh lậu khá phổ biến, thường xảy ra ở độ tuổi từ 15-24.

Bệnh lậu có thể không gây ra triệu chứng. Tuy nhiên, bệnh lậu không được điều trị có thể dẫn đến các tình trạng nghiêm trọng, bao gồm bệnh viêm vùng chậu, vô sinh, nhiễm trùng huyết (nhiễm trùng máu) và viêm khớp khớp. Bệnh thường lây nhiễm sang dương vật, âm đạo, niệu đạo hoặc hậu môn, nhưng nó cũng có thể lây nhiễm sang miệng và cổ họng gọi là lậu cổ họng.

Bệnh lậu cổ họng do vi khuẩn Neisseria gonorrhoeae gây ra, lây lan từ người bị nhiễm bệnh sang người khác qua quan hệ tình dục bằng miệng, hậu môn. Nam giới có quan hệ tình dục đồn giới có nguy cơ mắc bệnh lậu ở miệng cao nhất (khoảng 10-25%).

Đa số người mắc bệnh lậu ở họng giai đoạn đầu thường không gặp phải triệu chứng. Tuy nhiên, khi bệnh chuyển nặng có thể gây ra các triệu chứng phổ biến như viêm họng, đỏ trong miệng hoặc cổ họng, sưng hạch bạch huyết hoặc có cảm giác bị sưng cứng ở cổ, khó khăn khi nuốt thức ăn.





Lậu ở cổ họng gây ra cảm giác đau họng, khó nuốt. Ảnh: Freepik

Lậu ở cổ họng gây ra cảm giác đau họng, khó nuốt. Ảnh: Freepik

Người bị lậu cổ họng gần giống như viêm họng do liên cầu khuẩn, có mẩn đỏ và đôi khi có thể có một số đốm trắng, tiết dịch màu trắng hoặc vàng. Lậu ở họng khá giống với các loại bệnh nhiễm trùng họng khác bao gồm tăng bạch cầu đơn nhân, virus cảm lạnh thông thường, viêm họng hạt, dị ứng, bệnh trào ngược dạ dày thực quản, chlamydia miệng.

Các triệu chứng bệnh lậu ở miệng giống nhau ở nam và nữ. Những người bị bệnh lậu ở miệng thường không truyền bệnh cho người khác. Bệnh lậu ở cổ họng thường không có biểu hiện và khác biệt rõ rệt với bệnh lậu ở âm đạo, dương vật, hậu môn và mắt hoặc bệnh lậu lan tỏa. Mặc dù bệnh lậu ở cổ họng có thể tự khỏi trong khoảng từ một tuần đến 3 tháng nhưng không phải mọi người mắc lậu cổ họng đều có thể tự khỏi. Một số trường hợp có thể dẫn đến lây lan khắp cơ thể (bệnh lậu lan tỏa).

Để chẩn đoán lậu ở cổ họng phụ thuộc vào việc phân lập N.gonorrhoeae từ cổ họng. Một số nơi có thể dùng xét nghiệm ngoáy họng nhanh dương tính, được thiết kế để phát hiện N.gonorrhoeae. Bác sĩ có thể chỉ định làm các xét nghiệm một số bệnh nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục khác như HIV (virus suy giảm miễn dịch ở người), chlamydia, bệnh viêm gan B, trichomonas, bệnh giang mai.

Bệnh lậu thường được điều trị bằng thuốc kháng sinh. Cách ngăn ngừa lây nhiễm bệnh lậu, bao gồm cả bệnh lậu ở họng là sử dụng bao cao su khi quan hệ tình dục bằng miệng, âm đạo hoặc hậu môn.

Anh Chi (Theo Verywell Health, MedicineNet)

Trả lời