Bệnh nhân lớn tuổi nhất được chữa khỏi HIV Leave a comment

Người đàn ông 66 tuổi, sống tại California, Mỹ, đã được chữa khỏi hoàn toàn HIV nhờ liệu pháp cấy ghép tế bào gốc.

Các bác sĩ đã trình bày dữ liệu về trường hợp này trước cuộc họp của Hiệp hội AIDS Quốc tế (IAS) 2022, khai mạc hôm nay.

Tế bào gốc được lấy từ người hiến tặng có khả năng kháng virus tự nhiên. Timothy Ray Brown, người đầu tiên khỏi bệnh HIV trên thế giới, còn gọi là “bệnh nhân Berlin”, cũng được điều trị bằng phương pháp này.

Bệnh nhân mới nhất là người thứ 4, cũng là người lớn tuổi nhất được chữa khỏi HIV. Ông được chẩn đoán dương tính với virus vào năm 1988, từng cho rằng mình đã “lĩnh án tử”. Thời gian sau đó, ông duy trì điều trị bằng thuốc kháng virus (ART) để kiểm soát tình trạng của mình trong hơn 30 năm.

Theo các nhà khoa học, phương pháp này hiệu quả bởi tế bào gốc của người hiến tặng có đột biến gene đặc biệt, hiếm gặp. Chúng thiếu các thụ thể mà HIV có thể sử dụng để lây nhiễm tế bào. Người mang gene có khả năng kháng virus tự nhiên.

Sau ca cấy ghép ba năm trước và thời gian hóa trị, bệnh nhân đã ngừng điều trị ARV vào tháng 3 năm 2021. Hiện ông thuyên giảm cả HIV và bệnh bạch cầu trong hơn một năm.

Các chuyên gia cho rằng trường hợp của nam bệnh nhân trên mở ra khả năng điều trị dứt điểm cho những người lớn tuổi bị HIV và ung thư máu, đặc biệt khi người hiến tế bào gốc không phải thành viên trong gia đình.





Một tế bào bị virus HIV xâm nhập. Ảnh: NIAID

Một tế bào bị virus HIV xâm nhập. Ảnh: NIAID

Hôm 27/7, các nhà nghiên cứu Tây Ban Nha cũng trình bày dữ liệu về một phụ nữ 59 tuổi, thuộc nhóm hiếm hoi được gọi là “người kiểm soát sau điều trị”. Các bệnh nhân nhóm này duy trì lượng virus không thể phát hiện được sau khi ngừng dùng thuốc ARV, đồng thời cùng cấp bằng chứng cho phương pháp điều trị tiềm năng.

Đến nay, thế giới ghi nhận ba trường hợp chữa khỏi HIV. Người đầu tiên là “Bệnh nhân Berlin” Timothy Ray Brown. Ông loại bỏ hoàn toàn virus khỏi cơ thể trong 12 năm. Đến năm 2020, ông qua đời vì bệnh ung thư. Bệnh nhân thứ hai là Adam Castillejo, xác nhận khỏi HIV năm 2019. Cả hai đều được cấy ghép tủy xương từ những người hiến tặng mang đột biến ngăn chặn sự lây nhiễm của HIV. Người thứ ba là một phụ nữ, khỏi HIV bằng phương pháp cấy ghép tế bào gốc từ máu dây rốn của người hiến tặng.

Thục Linh (Theo Reuters)

Trả lời

2.5998