Bệnh nhi viêm gan bí ẩn hồi phục kỳ diệu sau cấy ghép Leave a comment

MỹNgày được đưa vào phòng phẫu thuật cấy ghép gan, Baelyn Schwab, 2 tuổi, ở trạng thái mê sảng, da vàng vọt, nguy cơ tổn thương não, thậm chí tử vong.

Gan của Baelyn tổn thương nhiều đến mức không thể lọc sạch amoniac ra khỏi máu. Amoniac là hợp chất được tạo ra trong quá trình chuyển hóa protein của cơ thể. Đây là một sản phẩm chất thải, thường được vận chuyển đến gan để chuyển hóa thành urê và glutamine, sau đó được bài tiết qua nước tiểu.

“Đôi mắt con bé như thể không gắn vào tròng nữa. Con vẫn muốn ăn chuối, uống nước trái cây và đòi bế, nhưng như thể là người khác”, mẹ của cô bé, bà Kelsea Schwab, cho biết.

Baelyn là một trong số hơn 100 bệnh nhi viêm gan bí ẩn khắp nước Mỹ, đang được Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh theo dõi chặt chẽ. Các em không nhiễm những chủng viêm gan thường thấy như A, B, C, D, E. Trên thế giới, 340 trẻ gặp tình trạng tương tự. Giống với Baelyn, hầu hết trẻ đều dưới hơn 5 tuổi. Các em có triệu chứng vàng da, nước tiểu sẫm màu và phân xám đục.

Baelyn có các biểu hiện đầu tiên kể từ tháng 4. Cô bé thức dậy với những vết mẩn đỏ, ngứa ngáy khắp người. Mẹ em cho rằng đây là chứng nổi mề đay đã từng xuất hiện từ trước. Baelyn được gia đình đưa đến chuyên khoa dị ứng và tiêm thuốc epinephrine, sau đó chuyển thẳng đến phòng cấp cứu theo dõi.

Ngày hôm sau, lòng trắng mắt cô bé xuất hiện màu vàng. Ban đầu, gia đình cho rằng đây là tác dụng phụ của epinephrine. Tuy nhiên, sau khi xét nghiệm máu, bác sĩ thông báo một tin xấu, Baelyn mắc chứng viêm gan chưa rõ nguyên nhân.

Trong vòng một tuần, từ cô bé hiếu động luôn chạy nhảy xung quanh trang trại của gia đình và chơi với chị gái, Baelyn trở nên ốm yếu, phải vào Khoa Hồi sức tích cực tại Bệnh viện Nhi Health Fairview Masonic. Em phải làm xét nghiệm máu 4 đến 5 lần một ngày, được bác sĩ theo dõi chặt chẽ xem có thể hồi phục hay không. Tuy nhiên, tình hình ngày một xấu đi.

“Con bé cứ ngày một ốm yếu, run rẩy khắp chân tay, gặp khó khăn khi ngồi dậy, không thể ngẩng cao đầu. Quan sát con bé hàng ngày, tôi chỉ nghĩ ‘đây không còn là con mình nữa’. Liệu con bé có trở lại như xưa được không”, bà Schwab nói.





Baelyn Schwab, 2 tuổi, mắc bệnh viêm gan không rõ nguyên nhân và phải phẫu thuật cấy ghép ngày 5/5. Ảnh: CNN

Baelyn Schwab, hai tuổi, mắc bệnh viêm gan không rõ nguyên nhân và phải phẫu thuật cấy ghép ngày 5/5. Ảnh: CNN

Nồng độ amoniac trong máu người bình thường là từ 25 đến 40. “Nếu con số lên trên 100, các triệu chứng sẽ xuất hiện. Não bắt đầu phù lên và người bệnh rơi vào hôn mê. Không thực hiện phẫu thuật cấy ghép kịp thời, bệnh nhân bị tổn thương não, thậm chí tử vong”, tiến sĩ Srinath Chinnakotla, Giám đốc chương trình ghép gan tại Health Fairview Masonic, cho biết.

Khi chuyển nặng, mức amoniac của Baelyn cao tới 109. “Lúc này, tôi bắt đầu lo lắng. Với nồng độ đó, thận ngừng hoạt động, bệnh nhân hôn mê và ở trạng thái nguy kịch”, bác sĩ Chinnakotla nói.

Các nhà khoa học đã tạo ra những thiết bị có thể đảm đương nhiệm vụ của tim, phổi, thận. Tuy nhiên, không quy trình nào có thể thay thế gan. Lựa chọn duy nhất của bệnh nhân là cấy ghép.

Để tránh tình huống xấu nhất, Baelyn được đưa vào danh sách chờ phẫu thuật, hạng ưu tiên cao nhất là 1A. Ca phẫu thuật diễn ra vào ngày 5/5.

Theo bác sĩ Chinnakotla, lá gan của Baelyn lúc này đã tổn thương nặng. Một bên bị sưng phù, có những vùng mô chết sẫm màu. Dưới kính hiển vi, các bác sĩ có thể thấy phần lớn mô đã bị phá hủy. Gan bình thường xốp, song gan của Baelyn cứng lại và đàn hồi – một dấu hiệu khác của tình trạng viêm.

Lá gan cứu sống Baelyn đặt trong thùng trữ đông. Nó đã được rút hết máu, rửa sạch và ngâm trong dung dịch bảo quản.

Các bác sĩ cẩn thận phân chia lá gan, tách rời các cấu trúc bên trong để đảm bảo kích cỡ vừa với cơ thể đứa trẻ hai tuổi. Bác sĩ Chinnakotla kẹp những động mạch cung cấp máu cho gan và tuyến tụy để ngăn chảy máu, cắt bỏ lá gan cũ, thay bằng gan mới của người hiến tặng, cuối cùng là gắn lại các mạch máu.

Khoảnh khắc thả chiếc kẹp động mạch, bác sĩ Chinnakotla như nín thở. Đây là thời điểm quyết định ca phẫu thuật có thành công hay không. Chỉ khi lá gan một lần nữa đỏ thẫm, ông mới thở phào nhẹ nhõm.

Lá gan mới vẫn quá lớn so với cơ thể nhỏ bé của Baelyn. Bác sĩ Chinnakotla buộc phải để hở vết mổ và che bằng lưới y tế trong một, hai ngày đến khi bớt sưng.

Ca mổ kéo dài từ 8h đến 16h30. “Cô bé đã hồi phục sau ca phẫu thuật, da không còn vàng nữa”, Schwab nói. Đây được coi là sự thay đổi kỳ diệu. Tuy nhiên, em phải ở lại bệnh viện ít nhất hai tháng, sau đó được theo dõi thường xuyên tránh tình trạng thải ghép.

Baelyn đang cai thuốc giảm đau, được vật lý trị liệu để phục hồi chức năng sau thời gian dài nằm trên giường bệnh.

Bằng cách kể câu chuyện về con gái mình, bà Schwab hy vọng có thể giúp đỡ các gia đình gặp tình trạng tương tự.

“Tôi thực sự muốn truyền bá nhận thức về căn bệnh này, bởi không muốn bất cứ phụ huynh nào rơi vào tình huống giống mình. Mọi thứ thật kinh khủng, không phải ai cũng đối phó được với sự căng thẳng về cả thể chất, tinh thần và tài chính như vậy”, bà chia sẻ.

Bà mong muốn các bậc phụ huynh chú ý theo dõi triệu chứng bất thường của con cái, dù là nhỏ nhất, như vàng da hoặc mắt, nước tiểu sẫm màu, phân xám đục, mệt mỏi, sốt, buồn nôn, nôn mửa hoặc chán ăn.

Thục Linh (Theo CNN)

Trả lời

1.4552