Bệnh viêm gan bí ẩn ‘ngấp nghé’ Việt Nam Leave a comment

Bộ Y tế yêu cầu ngành y tế các địa phương tăng cường giám sát phát hiện sớm ca viêm gan cấp tính không rõ nguyên nhân, trong bối cảnh 20 nước ghi nhận trẻ mắc bệnh này.

Sở Y tế TP HCM chiều 6/5 khuyến cáo các cơ sở y tế, đặc biệt bệnh viện chuyên khoa nhi tăng cường phát hiện trường hợp trẻ bị viêm gan cấp. Khi có trẻ bệnh, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới và Đơn vị Nghiên cứu Lâm sàng Đại học Oxford (OUCRU) cùng thu thập thông tin và bệnh phẩm, xét nghiệm PCR và kỹ thuật metagenomics tìm tác nhân gây nhiễm như adenovirus và các tác nhân khác.

Trước đó, Cục Y tế dự phòng đã yêu cầu các viện Vệ sinh dịch tễ, Pasteur theo dõi chặt tình hình bệnh này, chủ động giám sát, triển khai biện pháp nhằm hạn chế số mắc và tử vong. Trẻ sơ sinh, trẻ dưới một tuổi và nhóm có nguy cơ cao cần được tiêm vaccine viêm gan B để phòng bệnh.

Hiện, Việt Nam chưa ghi nhận ca viêm gan cấp tính không rõ nguyên nhân ở trẻ. Tuy nhiên Bộ Y tế không loại trừ khả năng bệnh có thể xâm nhập vào Việt Nam.

Bệnh viêm gan bí ẩn được ghi nhận lần đầu ở Anh và Scotland vào đầu tháng 4, với khoảng 70 trẻ từ một tháng đến 16 tuổi, trong đó phần lớn là trẻ dưới 5 tuổi. Sau đó, 20 quốc gia ở khu vực châu Âu, Đông Nam Á, Tây Thái Bình Dương đã ghi nhận bệnh nhân.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) thống kê đến ngày 3/5 toàn thế giới có 228 trẻ mắc viêm gan cấp, 4 trẻ tử vong. Bệnh xuất hiện ở trẻ từ một tháng tuổi đến 16 tuổi, chưa rõ nguyên nhân gây bệnh, thường ghi nhận ca bệnh ở nơi có mật độ virus Adeno cao. Trẻ mắc bệnh có biểu hiện đau bụng, tiêu chảy, nôn mửa, men gan tăng cao rõ rệt. Bệnh nhi không bị sốt, không nhiễm các loại virus phổ biến gây viêm gan như virus viêm gan A, B, C, D, E. Đa số trẻ mắc bệnh sẽ hồi phục hoàn toàn, 10% trường hợp nặng phải ghép gan.





Hình ảnh hiển vi của các virus viêm gan chưa xác định. Ảnh:Sky News

Hình ảnh dưới kính hiển vi của virus viêm gan chưa xác định. Ảnh: Sky News

WHO khuyến cáo các quốc gia tiếp tục phát hiện, báo cáo thêm các trường hợp tương tự. Mẫu bệnh phẩm thu thập bao gồm mẫu máu, huyết thanh, nước tiểu, phân và bệnh phẩm hô hấp, mẫu sinh thiết gan (nếu có). Trong khi chờ xác định nguyên nhân gây bệnh viêm gan cấp ở trẻ em, các biện pháp phòng ngừa đối với adenovirus và các bệnh nhiễm trùng thông thường khác là rửa tay thường xuyên và vệ sinh đường hô hấp.

WHO hiện không khuyến nghị hạn chế đối với việc đi lại, thương mại với Anh và các nước đã phát hiện trường hợp viêm gan cấp.

Chi Lê – Lê Phương

Trả lời