Bệnh viêm họng hạt có lây không? Leave a comment

Viêm họng hạt rất dễ lây lan và có thể lây nhanh chóng từ người này sang người khác khi tiếp xúc gần gũi.

Viêm họng hạt (do liên cầu khuẩn) là tình trạng nhiễm trùng ở cổ họng và amidan do vi khuẩn có tên là Streptococcus nhóm A hay còn gọi là Streptococcus pyogenes gây ra. Nhóm vi khuẩn này cũng có thể gây ra các bệnh nhiễm trùng khác gồm bệnh ban đỏ, viêm phổi, nhiễm trùng huyết, hội chứng sốc nhiễm độc có thể đe dọa tính mạng. Viêm họng hạt chỉ chiếm một số ít trong các trường hợp viêm họng, bệnh thường gặp ở trẻ em hơn người lớn.

Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ, viêm họng hạt rất dễ lây lan và có thể lây lan nhanh chóng từ người này sang người khác khi tiếp xúc gần gũi. Người bị viêm họng hạt có thể bị lây nhiễm trong vài ngày trước khi bắt đầu xuất hiện các triệu chứng.

Bệnh cũng có thể truyền từ người này sang người khác qua nước bọt hoặc chất tiết có chứa vi khuẩn. Mọi người cũng có thể lây nhiễm liên cầu khuẩn qua ho, hắt hơi và chạm vào người hoặc các vật bị ô nhiễm (tay nắm cửa, đồ dung). Vi khuẩn thường ít lây truyền qua thức ăn hoặc nước uống và nguy cơ bị nhiễm bệnh từ vật nuôi là rất thấp. Các triệu chứng phổ biến của viêm họng hạt gồm: đau họng đến nhanh và gây đau khi nuốt, sốt, amidan đỏ và sưng (đôi khi có mảng trắng hoặc vệt mủ), sưng hạch bạch huyết ở cổ, chấm xuất huyết (chấm đỏ li ti trên vòm miệng).

Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ, viêm họng hạt thường xảy ra ở trẻ em 5-15 tuổi và hiếm gặp ở trẻ em dưới 3 tuổi. Tiếp xúc gần gũi, thời gian dài ở nơi công cộng, đông người, yếu tố di truyền, hệ thống miễn dịch suy yếu có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh viêm họng hạt. Bệnh viêm họng hạt có thể xảy ra quanh năm nhưng nhiễm trùng phổ biến hơn vào cuối mùa đông và đầu mùa xuân.

Mặc dù không phổ biến nhưng các biến chứng của viêm họng hạt có thể xảy nếu vi khuẩn lây lan sang các bộ phận khác của cơ thể. Các biến chứng có thể xuất hiện như áp xe (túi mủ) xung quanh amidan, sưng hạch ở cổ, viêm xoang, nhiễm trùng tai, sốt thấp khớp (tình trạng viêm tim, khớp, não và da có thể phát triển nếu nhiễm Streptococcus nhóm A không được điều trị đầy đủ), viêm cầu thận sau liên cầu.

Bệnh viêm vọng hạt có thể tái phát nhiều lần, hiện chưa có thuốc đặc trị để ngăn ngừa bệnh viêm họng này. Khi bị viêm họng do liên cầu khuẩn, thuốc kháng sinh là loại thuốc thường được bác sĩ kê đơn để điều trị. Để phòng ngừa lây nhiễm bệnh viêm họng hạt, cần thực hiện tốt vệ sinh như rửa tay thường xuyên (bằng xà phòng và nước ấm trong ít nhất 20 giây), đặc biệt là sau khi ho hoặc hắt hơi và trước khi chế biến thức ăn hoặc ăn; rửa và vệ sinh đồ dùng sau khi người bệnh sử dụng. Nếu bị viêm họng hạt nên nghỉ làm hoặc nghỉ học ở nhà cho đến khi không còn sốt và đã uống kháng sinh ít nhất 12 giờ.

Người bệnh viêm họng hạt cần uống kháng sinh theo đơn của bác sĩ, không tự ý ngừng dùng thuốc kháng sinh ngay cả khi bạn cảm thấy tốt hơn (trừ khi được bác sĩ chỉ định). Điều này sẽ giúp ngăn chặn sự phát triển của vi khuẩn kháng thuốc kháng sinh.

Viêm họng hạt thường không nguy hiểm nhưng đôi khi có thể gây ra các trường hợp cần cấp cứu. Liên hệ cơ sở y tế ngay lập tức nếu bị viêm họng và gặp các triệu chứng sau: khó thở hoặc thở gấp; chóng mặt, cảm thấy yếu ớt hoặc ngất xỉu; môi hoặc ngón tay xanh, nhợt nhạt; khó nuốt.

Mai Cát
(Theo Verywellhealth)

Trả lời