Biến chứng nguy hiểm của bệnh thận mạn tính Leave a comment

Xương yếu, huyết áp cao, suy giảm miễn dịch, tiêu chảy, viêm dạ dày… là những biến chứng phát sinh khi mắc bệnh thận mạn tính giai đoạn cuối.

Theo các chuyên gia, bệnh thận mạn tính là tình trạng thận bị tổn thương, không thể lọc máu như bình thường. Khi thận khỏe mạnh, chất thải và chất lỏng từ máu sẽ được lọc để tạo ra nước tiểu. Tuy nhiên, thận tổn thương sẽ khiến chất thải, chất lỏng tích tụ trong cơ thể, gây ảnh hưởng đến sức khỏe.

Thống kê cho thấy, những người bị tiểu đường, cao huyết áp, gặp vấn đề về tim, gia đình có người mắc bệnh thận mạn tính có khả năng cao mắc bệnh lý này.

Bệnh thận mạn tính có 5 giai đoạn tiến triển. Ở giai đoạn đầu và giai đoạn 2, thận bị tổn thương nhưng vẫn hoạt động tốt. Cơ thể người bệnh không có triệu chứng bất thường. Bước sang giai đoạn 3, tổn thương của thận bắt đầu phát triển, không thể hoạt động bình thường. Lúc này, bệnh nhân bắt đầu có các triệu chứng mệt mỏi tăng dần.

Ở giai đoạn 4, thận bị tổn thương nghiêm trọng, hoạt động ít hoặc không thể hoạt động. Trong giai đoạn cuối, bệnh nhân có thể bị suy thận hoàn toàn, xuất hiện nhiều biến chứng như sau.

Tích nước: Thận hoạt động kém, không lọc được natri thừa khiến cơ thể tích nước gây sưng, phù bàn tay, bàn chân hoặc các bộ phận khác.

Thiếu máu: Người mắc bệnh thận mạn tính dễ bị thiếu máu (lượng hồng cầu khỏe mạnh trong cơ thể thấp). Lúc này, tim phải làm việc liên tục để cung cấp oxy đến các mô, cơ quan trong cơ thể.

Gout: Đây là một bệnh lý gây viêm, sưng khớp do các tinh thể urat tích tụ trong cơ thể, gây đau, bất động. Thông thường, urat được bài tiết qua thận. Tuy nhiên, với người mắc bệnh thận mạn tính, urat không được loại bỏ gây bệnh gout.

Mất cân bằng khoáng chất: Tình trạng mất cân bằng khoáng chất xảy ra khi thận bị tổn thương, suy thận, không điều chỉnh được hormone cần thiết. Các khoáng chất như canxi, phốt pho đóng vai trò giúp xương chắc khỏe.

Nhiễm toan chuyển hóa: Bệnh thận mạn tính có thể ảnh hưởng đến sự cân bằng pH trong máu, làm tăng nồng độ axit. Bệnh nhân có thể bị suy nhược cơ, suy tim, kháng insulin (giảm chuyển hóa đường).





Người bệnh thận mạn tính dễ bị tiêu chảy kéo dài. Ảnh: Freepik

Người bệnh thận mạn tính dễ bị tiêu chảy kéo dài. Ảnh: Freepik

Tiêu chảy: Thận suy yếu làm chất thải trong cơ thể không được bài tiết gây ảnh hưởng lên hệ tiêu hóa. Hầu hết người bệnh đều bị tiêu chảy mạn tính, viêm niêm mạc dạ dày, loét thực quản, viêm ruột non.

Rối loạn cương dương: Đàn ông gặp phải tình trạng này do mắc bệnh thận mạn tính, thiếu lưu lượng máu chảy đến dương vật.

Xương yếu: Bệnh nhân có thể đối mặt với nguy cơ yếu xương, xương dễ bị gãy, loãng xương do mật độ khoáng chất trong cơ thể giảm.

Cao huyết áp: Đây là một biến chứng nguy hiểm của bệnh thận mạn tính, làm tăng tốc độ suy giảm chức năng thận.

Suy giảm miễn dịch: Hệ thống miễn dịch (chống nhiễm trùng, bệnh tật) ở người bệnh thận mạn tính thường bị suy giảm. Đối mặt với nguy cơ mắc bệnh, phản ứng của cơ thể không diễn ra như bình thường.

Bệnh tim: Khi mắc bệnh thận mạn tính mức độ nặng, nguy cơ mắc bệnh tim tiến triển gia tăng. Đây là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở người bệnh. Nguyên nhân gây bệnh tim là do các khoáng chất, hormone mất cân bằng, huyết áp cao, các động mạch bị cứng.

Nhằm ngăn ngừa những biến chứng của bệnh thận mạn tính, bệnh nhân cần thay đổi chế độ ăn uống, dinh dưỡng. Các chuyên gia dinh dưỡng khuyến cáo người bệnh cần lên kế hoạch ăn uống phù hợp, ăn ít muối, natri, bổ sung nhiều rau, củ, quả, tránh thức ăn chiên, rán, chứa chất béo bão hòa,…

Đặc biệt, người suy thận cần thay đổi lối sống bằng cách giữ cân, tập luyện thể thao thường xuyên, ngủ đủ giấc, bỏ thuốc lá, các chất kích thích. Về mặt sức khỏe tinh thần, người bệnh dễ bị trầm cảm, lo lắng. Do đó, nên nói chuyện với bác sĩ tâm thần hoặc tập thiền để ứng phó với căng thẳng trong cuộc sống.

Muốn điều trị những biến chứng của bệnh thận mạn tính, bệnh nhân phải được tiếp cận với phương pháp đa ngành. Tùy thuộc vào mức độ của biến chứng, bác sĩ sẽ đưa ra phác đồ điều trị bằng thuốc, tư vấn thay đổi chế độ ăn hoặc làm các xét nghiệm cần thiết.

Minh Thúy (Theo Very Well Health)

Trả lời