Biến chứng nguy hiểm của xơ vữa động mạch Leave a comment

Mẹ tôi phát hiện xơ vữa động mạch, dẫn đến hẹp động mạch vành 40%. Bệnh có nguy hiểm không? Uống thuốc có điều trị hết bệnh?

Mẹ tôi 64 tuổi, có tiền sử tăng huyết áp 8 năm nay, dùng thuốc theo đơn. (Thanh Hà, 35 tuổi).

Trả lời:

Tăng huyết áp cũng là hậu quả của quá trình xơ vữa động mạch. Xơ vữa động mạch sẽ làm cho thành động mạch dày lên, kém đàn hồi, gọi là xơ cứng động mạch. Khi tăng huyết áp, làm cho cholesterol – LDL lấn sâu vào thành động mạch, xơ vữa, xơ cứng động mạch sẽ phát triển nhanh lên, gây tăng huyết áp nhiều hơn. Các chuyên gia gọi đó là “vòng xoắn bệnh lý”.

Cơ quan nào trong cơ thể cũng đều do động mạch nuôi dưỡng. Do đó, xơ vữa động mạch, gây hẹp động mạch sẽ ảnh hưởng đến tất cả cơ quan, nội tạng trong cơ thể: não, mắt, tim, thận, tứ chi. Có 3 vòng tròn quan trọng trong cơ thể gồm: mạch não, mạch tim, mạch máu ngoại biên. Khi thấy hẹp ở tim thì phải tìm xem hẹp ở động mạch não, mạch máu tay chân. Tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng, động mạch nào bị tắc nghẽn sẽ gây ra các biến chứng như:

Bệnh mạch vành: Nếu mảng xơ vữa làm hẹp các động mạch gần tim, bạn có nguy cơ cao mắc bệnh động mạch vành với biểu hiện là những cơn đau thắt ngực, đau tim, thậm chí suy tim.

Bệnh động mạch cảnh: Bệnh lý này xảy ra khi các động mạch gần não bị thu hẹp do xơ vữa động mạch. Bệnh động mạch cảnh là căn nguyên của cơn đột quỵ hoặc TIA – cơn thiếu máu cục bộ thoáng qua.

Bệnh động mạch ngoại biên: Các mạch máu ở tay hoặc chân bị ảnh hưởng bởi chứng xơ vữa động mạch dẫn đến các vấn đề về tuần hoàn, gọi là bệnh động mạch ngoại biên. Hậu quả của tình trạng này là người bệnh gặp phải những cơn đau cách quãng khi vận động, tăng nguy cơ bỏng hoặc tê cóng, trường hợp nghiêm trọng còn bị hoại tử chi.

Bệnh thận mạn tính: Nếu chứng xơ vữa động mạch làm chậm quá trình lưu thông máu đến thận, chức năng thận sẽ bị ảnh hưởng, khiến chất thải không được đào thải hết ra ngoài cơ thể, lâu ngày dẫn tới bệnh thận mạn tính.

Phình động mạch: Đây là một biến chứng nghiêm trọng của xơ vữa động mạch, có thể xảy ra ở bất cứ đâu trong cơ thể. Phình động mạch là tình trạng thành động mạch bị phình ra. Bệnh nguy hiểm ở chỗ ít khi biểu hiện triệu chứng. Khi túi phình bị vỡ đột ngột sẽ gây xuất huyết bên trong, đe dọa tính mạng.

Mù lòa: Động mạch võng mạc trung tâm bị tắc nghẽn do xơ vữa động mạch là nguyên nhân gây đột quỵ mắt, khiến người bệnh bị mù đột ngột ở một hoặc cả hai mắt.





Người trẻ khám sức khỏe tim mạch tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh. Ảnh: Bệnh viện cung cấp

Người trẻ khám sức khỏe tim mạch tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh. Ảnh: Bệnh viện cung cấp

Động mạch tắc hoàn toàn sẽ gây hoại tử cơ quan, nội tạng (còn gọi là nhồi máu). Ví dụ tắc ở động mạch não gọi là nhồi máu não, tắc ở tim gọi là nhồi máu cơ tim, tắc ở động mạch thận gây nhồi máu thận… Hậu quả cuối cùng sẽ dẫn đến suy cơ quan như: suy não, suy tim, suy thận… Đây là quá trình thoái triển tự nhiên của động mạch, ai cũng phải trải qua. Nguyên nhân là do chất béo xấu (cholesterol LDL), các chất khác (gọi chung là mảng bám) tích tụ trong thành động mạch.

Mẹ bạn vừa bị tăng huyết áp, vừa phát hiện xơ vữa động mạch vành 40%, là trường hợp rất phổ biến khi khám bệnh. Để điều trị ngăn không cho mạch vành hẹp thêm, mẹ bạn cần tuân thủ 3 điều: uống thuốc đầy đủ, điều chỉnh chế độ ăn và chế độ tập luyện nghiêm túc.

Thành phần chính cấu tạo nên mảng xơ vữa là cholesterol LDL (LDL-C). Chính chất này là tác nhân gây nghẽn mạch máu. Thế nên, để điều trị hiệu quả xơ vữa động mạch, mẹ bạn cần hạ chỉ số LDL-C xuống mức càng thấp càng tốt. Nghiên cứu đã chỉ ra việc hạ chỉ số LDL-C xuống dưới 1,8 mmol/L sẽ giúp giảm thể tích mảng xơ vữa từ 2-5%. Bác sĩ thường kê một loại thuốc để giảm chất béo xấu, cải thiện sức khỏe động mạch. Chỉ số LDL-C mục tiêu cần đạt bao nhiêu, tùy vào mỗi bệnh nhân: tuổi, giới tính, tăng huyết áp, đái tháo đường, béo phì, có nhồi máu cơ tim chưa, có hẹp mạch máu nào >50%, tiền sử gia đình… Duy trì thuốc lâu dài sẽ giúp làm chậm sự tích tụ mảng bám trong lòng động mạch. Người bệnh sẽ sống khỏe. Ngược lại, không kiểm tra, không uống thuốc, các biến chứng của xơ vữa động mạch như: nhồi máu cơ tim, nhồi máu não, nhồi máu thận, suy tim, suy thận… sẽ đến sớm hơn, nhiều hơn so với nhóm người nghiêm túc thực hiện. Phòng bệnh luôn luôn tốt hơn trị bệnh.

Song song với dùng thuốc, việc tuân thủ lối sống lành mạnh cũng góp phần lớn đến hiệu quả điều trị chứng xơ vữa động mạch. Người bệnh nên: tránh xa khói thuốc lá thụ động; tăng cường các thực phẩm giàu chất béo tốt (ngũ cốc nguyên hạt, các loại đậu, các loại hạt, các loại cá béo, dầu ô liu…), hạn chế thức ăn chứa nhiều chất béo xấu (thịt đỏ, đồ hộp, thực phẩm chế biến sẵn, thức ăn nhanh…); tập thể dục đều đặn, ít nhất 30 phút/ngày; duy trì cân nặng hợp lý, tránh thừa cân – béo phì; kiểm soát và duy trì mức huyết áp ổn định; kiểm soát và duy trì lượng đường trong máu khỏe mạnh

Chúng tôi thường tư vấn cho bệnh nhân giá trị của từng nhóm: thuốc hạ mỡ máu, thuốc hạ huyết áp, thuốc đái tháo đường… giúp 33%, chế ăn uống hợp lý giúp 33% và chế độ tập luyện đúng giúp 33%. Như thế, để việc điều trị đạt hiệu quả cần có sự phối hợp của bác sĩ, bệnh nhân và cả người nhà. Việc này cần nghiêm túc lâu dài.

Xơ vữa động mạch (xơ vữa mạch máu) là quá trình thoái hóa của động mạch, hình thành các mảng xơ vữa trong thành động mạch, gây hẹp dần lòng ống động mạch. Quá trình diễn tiến từ từ, lúc đầu hẹp 1%, 2%, 10%. Càng lớn tuổi, động mạch càng hẹp nhiều hơn 50-70%… đến khi tắc hoàn toàn 100%.

BS.CKII Huỳnh Ngọc Long
Giám đốc Trung tâm Can thiệp mạch, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM

Trả lời