Bốn năm không điều trị, bé 6 tuổi vẹo cột sống lệch đầu Leave a comment

Hà NộiBé trai bị vẹo cột sống bẩm sinh không điều trị, đến nay 6 tuổi đầu lệch sang một bên, tình trạng nặng rất khó phẫu thuật.

Khi chào đời, bé được phát hiện bệnh tim bẩm sinh và đã phẫu thuật tim. Năm 2019, bác sĩ Bệnh viện Đại học Y Hà Nội khám chẩn đoán bé bị vẹo cột sống bẩm sinh do bất thường phân đoạn và bất thường hình thành cấu trúc thân đốt sống, khiến cho toàn bộ cột sống vùng cổ và ngực bé bị biến dạng vẹo lệch sang bên trái.

Tuy nhiên, khi ấy bé đang trong quá trình tiến triển của đường cong nên bác sĩ chỉ định theo dõi sự biến dạng bằng cách chụp X-quang sau mỗi 6 tháng, nhằm bắt được giai đoạn tăng trường bất thường thì sẽ có chỉ định can thiệp phẫu thuật. Trường hợp tình trạng tiến triển nhanh, bệnh nhân được phẫu thuật sớm để nắn chỉnh cột sống và ngăn sự tiến triển của đường cong. Nếu không, đường cong sẽ tiếp tục tiến triển gây ra biến dạng cột sống cổ ngực rất nặng nề. Bệnh có thể khiến bé gù cột sống, có nguy cơ chèn ép tủy, gây yếu tứ chi tăng dần, thậm chí liệt.

Thế nhưng suốt bốn năm qua, gia đình không đưa bé đi khám định kỳ theo chỉ định của bác sĩ. Đến nay đầu bé bị vẹo sang một bên, nhập viện muộn nên việc phẫu thuật trở nên rất khó khăn.

Ngày 12/7, bác sĩ Trần Trung Kiên, Khoa Ngoại Thần kinh – Cột sống, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, cho biết đây là trường hợp rất đáng tiếc. “Nếu bé được khám lại kịp thời, theo dõi chặt chẽ sau mỗi 6 tháng thì rất có thể đã có giải pháp điều trị phù hợp hơn”, bác sĩ Kiên nói.

Hiện, bé được chỉ định đeo nẹp nhưng mang tính chất tạm thời, rất ít hiệu quả. Tuy nhiên, đây là phương pháp tối ưu cho bé, nếu không trẻ không thể ngồi được vào bàn học.





Bé trai bị vẹo cột sống lệch sang bên trái. Ảnh: Bệnh viện cung cấp

Bé trai bị vẹo cột sống lệch sang bên trái. Ảnh: Bệnh viện cung cấp

Theo bác sĩ Kiên, trẻ bị vẹo cột sống bẩm sinh có thể phát hiện ở những tháng cuối thai kỳ, siêu âm có thể phát hiện và đưa ra tiên lượng theo dõi cũng như điều trị. Một số trẻ được phát hiện dị tật sau khi sinh, hoặc sau mỗi giai đoạn phát triển như lẫy, ngồi, đứng, đi… “Đây là nhóm biến dạng cột sống cần phải theo dõi vô cùng sát sao bởi tốc độ tiến triển rất nhanh, đặc biệt trong những năm đầu, vẹo cột sống chèn ép nặng cơ quan nội tạng có thể khiến trẻ tử vong”, bác sĩ nói.

Vẹo cột sống vô căn – không xác định được căn nguyên song có thể phát hiện ở giai đoạn sớm (early-on-set) trước 10 tuổi hoặc phổ biến hơn là ở lứa tuổi thiếu niên. Vẹo cột sống vô căn chiếm tới 80% các biến dạng cột sống của trẻ em. Vì vậy, tầm soát và theo dõi cũng chính là một phương pháp điều trị.





Hình ảnh chụp Xquang bé năm 2019 (bên trái) và 2022 (bên phải). Ảnh: Bệnh viện cung cấp

Hình ảnh chụp X-quang cột sống bé năm 2019 (bên trái) và 2022 (bên phải). Ảnh: Bệnh viện cung cấp

Bác sĩ khuyến cáo cha mẹ nên quan sát con cái hàng ngày từ đằng sau lưng để loại trừ các dấu hiệu cong vẹo cột sống như khoảng cách giữa hai tay khi buông thõng cách xa thân mình; mất đối xứng giữa hai vai; một bên khung chậu nhô cao. Đặc biệt khi trẻ cúi người hai tay chạm đất sẽ thấy một bên lồng ngực nhô cao hẳn so với bên còn lại.

Tùy vào tình trạng cong vẹo cột sống sau khi thăm khám lâm sàng, các bác sĩ sẽ có chỉ định điều trị tương ứng. Trong đó, chụp X-quang toàn bộ cột sống thẳng nghiêng là một bước cơ bản để chẩn đoán mức độ biến dạng của cột sống. Ngoài ra, một số ít trường hợp bị vẹo cột sống có liên quan đến bệnh lý thần kinh cơ hoặc hệ gene. Đối với vẹo cột sống vô căn không mang yếu tố di truyền, sau khi được can thiệp phẫu thuật, trẻ sẽ sớm trở về cuộc sống và sinh hoạt hàng ngày.

Bác sĩ khuyến cáo người thân không nên chủ quan, cần theo dõi tiến triển bệnh của con, tránh bỏ qua thời điểm “vàng” để can thiệp khiến con mang tật suốt đời.

Thùy An

Trả lời