Bướu cổ khi nào cần mổ? Leave a comment

Bướu cổ thường lành tính nhưng nếu bướu to, gây chèn ép, nuốt vướng, nuốt nghẹn, thậm chí khó thở… có thể cần phẫu thuật để loại bỏ.

Tôi bị bướu cổ 5 năm nay. Lúc đầu khối bướu nhỏ, tôi thấy không vấn đề gì nên không uống thuốc nhưng nay bướu đã to bằng quả mận. Gần đây, tôi thấy vướng ở cổ, có cảm giác hơi nghẹn khi nuốt. Tôi lo bướu phát triển lớn phải phẫu thuật. Xin hỏi bác sĩ trường hợp của tôi có cần thiết phải mổ không hay có thể uống thuốc để xẹp bướu. Bướu cổ có thể chuyển biến thành ung thư không? (Kim Anh, Kiên Giang)

Trả lời:

Có rất nhiều nguyên nhân khác nhau gây to tuyến giáp (bướu cổ hay bướu giáp) hoặc gây xuất hiện các nhân trong tuyến giáp. Nguyên nhân phổ biến nhất gây bướu cổ là do thiếu i-ốt, các chất sinh bướu có trong thực phẩm, do tuyến giáp thiếu hụt các enzym (khiếm khuyết gen) tổng hợp hormon tuyến giáp, các bệnh tuyến giáp tự miễn, do tuyến giáp bị phơi nhiễm với tia X lúc còn nhỏ, tuyến giáp bị phơi nhiễm với các chất phóng xạ… Những nguyên nhân này có thể làm tuyến giáp phì đại đơn thuần (bướu lan tỏa), hay làm tuyến giáp to ra kèm theo các nhân (nodule), hay hình thành các nhân mà không làm tuyến giáp to ra.

Bướu giáp nhân, trong đó chiếm đa số là bướu lành tính, chỉ có khoảng 5% là bướu ác tính. Tuy nhiên những bướu giáp lớn, bướu giáp phát triển nhanh, bướu giáp ở những người lớn tuổi, bướu giáp ở nam giới cũng có nguy cơ bị ung thư cao hơn.

Các bác sĩ chỉ định phẫu thuật đối với các trường hợp bướu giáp nhân bị ung thư hóa, hay những bướu giáp nhân nghi ngờ ung thư. Những trường hợp bướu cổ lớn lành tính, có biểu hiện chèn ép gây nuốt vướng, khó nuốt, thậm chí khó thở thì cũng cần phải phẫu thuật. Có những trường hợp bướu lớn không gây ra chèn ép nhưng vì vấn đề thẩm mỹ thì bướu giáp cũng có thể được phẫu thuật.

Rất nhiều trường hợp bị bướu cổ, bướu nhân giáp lành tính nhưng không cần thiết phải phẫu thuật. Những trường hợp này có thể chỉ cần điều trị bằng hormon giáp, thậm chí không cần điều trị gì mà chỉ cần theo dõi định kỳ khoảng 3 – 6 tháng một lần. Những trường hợp cường giáp có bướu giáp lớn được điều trị bằng thuốc kháng giáp, sau này có thể phẫu thuật hay điều trị bằng iốt phóng xạ khi bệnh ổn định và bướu giáp quá lớn.





Bệnh nhân siêu âm kiểm tra tuyến giáp tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh. Ảnh: Bệnh viện cung cấp

Bệnh nhân siêu âm kiểm tra tuyến giáp tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh. Ảnh: Bệnh viện cung cấp

Để xác định chính xác bướu giáp có cần thiết phải phẫu thuật hay không, người bệnh nên đến các bệnh viện chuyên khoa nội tiết để thăm khám và có chỉ định phù hợp. Bác sĩ chuyên khoa ngoài thăm khám lâm sàng còn chỉ định xét nghiệm máu đánh giá chức năng tuyến giáp, siêu âm tuyến giáp xác định độ lớn của bướu giáp, đánh giá nguy cơ ác tính của khối u, xét nghiệm tế bào học của khối u… Bác sĩ cũng sẽ tư vấn cho người bệnh nên cắt bướu nhân giáp đơn thuần, hay cắt một thùy tuyến giáp, cắt gần toàn bộ hay cắt toàn bộ tuyến giáp. Hiện nay còn có phương pháp điều trị bướu giáp nhân lành tính bằng phương pháp đốt sóng cao tần không để lại sẹo, ít biến chứng, người bệnh chỉ cảm thấy tê vùng cổ.

Quay lại trường hợp cụ thể của bạn thì bướu giáp nhân của bạn cũng phát triển tương đối nhanh và đã có những dấu hiệu chèn ép thực quản. Việc cân nhắc phẫu thuật cắt bướu giáp nhân là phù hợp. Tuy nhiên, bạn nên đến bệnh viện để khám đánh giá trước mổ chính xác xem bướu giáp của bạn mới chỉ là bướu lành gây chèn ép hay là bướu ác tính đã có xâm lấn, di căn hay chưa,… để cuộc mổ thành công. Chúc bạn sức khỏe!

TTƯT.TS.BS Hoàng Kim Ước
Trưởng khoa Nội tiết – Đái tháo đường, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội

Trả lời