Ca bệnh hô hấp tăng mạnh Leave a comment

Các bệnh viện ghi nhận bệnh nhân hô hấp tăng mạnh, thậm chí quá tải, do thời tiết nắng mưa thất thường ở cả hai miền.

Bà Phạm Thị Phương (63 tuổi, Ba Vì, Hà Nội) được người thân đưa đến Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội cấp cứu trong tình trạng suy hô hấp. Qua thăm khám, bệnh nhân được xác định bị viêm nhiễm hệ hô hấp, viêm phổi. Xét nghiệm máu và nước tiểu phát hiện người bệnh nhiễm phế cầu khuẩn dẫn đến viêm phổi nặng và suy hô hấp cấp.

PGS.TS.BS Chu Thị Hạnh, Trưởng khoa Nội hô hấp, Bệnh viện đa khoa Tâm Anh Hà Nội, Phó Chủ tịch Hội hô hấp Việt Nam cho biết, thời gian qua, tỷ lệ các ca viêm phổi nhập viện điều trị tại khoa tăng khoảng 20% so với hai tháng trước, đặc biệt nhiều ca bệnh viêm phổi nặng do phế cầu khuẩn.

Tương tự, các bệnh viện khác tại Hà Nội cũng ghi nhận gia tăng ca bệnh hô hấp ở trẻ em và cả người lớn. Khảo sát của VnExpress ngày 22/6 tại Bệnh viện Đa khoa Thanh Nhàn cho biết hơn một tháng trở lại đây, số lượng bệnh nhi đến khám tăng đột biến, khoảng 150-200% so với hai tháng trước. Tại Trung tâm Nhi khoa, Bệnh viện Bạch Mai, số ca nhập viện tăng gấp hai đến ba lần, còn lượng khám tăng gấp nhiều lần.

Ghi nhận tại các bệnh viện nhi ở TP HCM, thời gian gần đây lượng ca bệnh nhập viện do các bệnh lý đường hô hấp như nhiễm khuẩn hô hấp, viêm hô hấp, đặc biệt là viêm phổi… có sự gia tăng khoảng 20-30% so với cùng kỳ năm ngoái.

Ở Khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM ghi nhận số lượng trẻ nhỏ nhập viện do các bệnh lý hô hấp gia tăng 30% so với trước khi vào hè. Tuy nhiên, theo đại diện bệnh viện, cơ sở vật chất ở đây vẫn đảm bảo công suất điều trị và phân luồng ca bệnh phòng tránh nhiễm khuẩn chéo.

Tại Bệnh viện Nhi đồng 1 TP HCM, thời gian qua, ngày cao điểm bệnh viện tiếp nhận hơn 300 bệnh nhi hô hấp. Trong số này có khoảng 5% trẻ phải nhập viện điều trị và có trẻ chuyển nặng. Trước tình hình số trường hợp bệnh nhi tăng vọt, bệnh viện đã áp dụng các biện pháp nhằm giảm quá tải như: kê thêm giường, tăng cường điều trị ngoại trú, điều phối điều trị trẻ giữa các khoa đối với những ca bệnh nhẹ.





Người bệnh khám bệnh lý đường hô hấp tại BVĐK Tâm Anh Hà Nội. Ảnh: BVĐK Tâm Anh Hà Nội

Người bệnh khám bệnh lý đường hô hấp tại BVĐK Tâm Anh Hà Nội. Ảnh: BVĐK Tâm Anh Hà Nội

Theo BS.CKI Bạch Thị Chính, Giám đốc Y khoa, Hệ thống tiêm chủng VNVC, thời tiết ở cả hai miền Bắc và Nam hiện nay mưa nắng thay đổi đột ngột là điều kiện để nhiều virus, vi khuẩn phát triển và gây bệnh đường hô hấp, điển hình là viêm phổi. Trong số các tác nhân gây viêm phổi, phế cầu khuẩn là tác nhân thường gặp có thể gây viêm phổi nặng hoặc gây ra viêm màng não, nhiễm trùng huyết, viêm tai giữa. Ai cũng có thể nhiễm vi khuẩn phế cầu nhưng những đối tượng nguy cơ cao dễ bị diễn tiến nặng là trẻ em dưới 2 tuổi, người già trên 65 tuổi và người có bệnh lý nền như tăng huyết áp, đái tháo đường, tim mạch, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD)…

“Phế cầu khuẩn tấn công vào phổi gây viêm phổi cấp, suy hô hấp, nếu không được điều trị kịp thời người bệnh có nguy cơ tử vong. Theo thống kê của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ, tỷ lệ tử vong do viêm phổi gây ra bởi phế cầu khuẩn là 1/20 người”, BS Hạnh nhấn mạnh.

Các bác sĩ lưu ý, những triệu chứng điển hình của viêm phổi do virus, vi khuẩn, bao gồm: ho, ho có đờm, mệt mỏi, sốt, đổ mồ hôi và ớn lạnh, buồn nôn, nôn mửa hoặc tiêu chảy, đau ngực khi thở hoặc ho, khó thở, ở người già có thể có triệu chứng lú lẫn,… Khi có dấu hiệu nghi ngờ trên, người dân cần đến bệnh viện để được thăm khám, chẩn đoán và điều trị kịp thời, tránh các biến chứng nặng.

Biện pháp phòng bệnh

Theo thống kê, phế cầu khuẩn là vi khuẩn phổ biến nhất gây ra bệnh viêm phổi ở trẻ em, chiếm 25-30% ở trẻ em từ 2 tuổi trở xuống. Phế cầu khuẩn còn có thể gây ra các biến chứng bao gồm nhiễm khuẩn huyết, phù thũng (nhiễm trùng khoang màng phổi), viêm màng ngoài tim (viêm túi xung quanh tim) và tắc nghẽn phế quản, xẹp phổi (xẹp một phần mô phổi) và hình thành áp xe phổi.

BS Hạnh khuyến cáo, phế cầu khuẩn và các virus cúm, ho gà chủ yếu lây truyền qua đường hô hấp. Do đó, để phòng bệnh, người dân cần: khi đến những nơi đông người nên đeo khẩu trang; che chắn vùng mũi và miệng khi ho hoặc hắt hơi; tránh tiếp xúc với những người đang có dấu hiệu mắc các bệnh lý về hô hấp. Đặc biệt, mọi người nên thường xuyên rửa tay sạch bằng xà phòng, dung dịch rửa tay sát khuẩn trước và sau khi ăn hoặc sau khi tiếp xúc với các bề mặt nơi công cộng.

Theo BS Chính, hiện hiện phế cầu khuẩn được phòng ngừa hiệu quả bằng các loại vaccine Prevenar 13 (Bỉ) và Synflorix (Bỉ) ngừa các bệnh viêm phổi, nhiễm khuẩn huyết, viêm màng não, viêm tai giữa. Đặc biệt người lớn chỉ cần tiêm 1 mũi vaccine Prevenar 13 đã có thể bảo vệ khỏi tác nhân nguy hiểm này.

Mặt khác, người dân cũng cần chủ động phòng ngừa virus cúm và ho gà – bạch hầu – uốn ván bằng vaccine, tăng cường đề kháng trong thời điểm thời tiết thay đổi thất thường.





Người dân đưa trẻ đến Hệ thống tiêm chủng VNVC tiêm vaccine phòng bệnh hô hấp khi thời tiết thất thường. Ảnh: Minh Ngọc

Người dân đưa trẻ đến Hệ thống tiêm chủng VNVC tiêm vaccine phòng bệnh hô hấp khi thời tiết thất thường. Ảnh: Minh Ngọc

Trước thông tin một số đơn vị y tế tại TP HCM tạm hết nhiều loại vaccine phòng bệnh quan trọng, bà Vũ Thị Thu Hà, Giám đốc Cung ứng Hệ thống tiêm chủng VNVC cho biết: Hiện tất cả các trung tâm VNVC trên toàn quốc có đầy đủ vaccine trẻ em và người lớn; kể cả vaccine phòng các bệnh đường hô hấp như vaccine phế cầu, vaccine cúm mùa thế hệ mới, vaccine ho gà – bạch hầu – uốn ván… đồng thời cam kết giá bình ổn, nhiều ưu đãi giúp nhiều người dân tiêm chủng phòng bệnh kịp thời.

VNVC sở hữu hệ thống dây chuyền lạnh và hệ thống kho lạnh bảo quản vaccine đạt chuẩn GSP quy mô lớn và hiện đại với 4 tổng kho và 69 kho lẻ tại tất cả các trung tâm tiêm chủng trên toàn quốc; cùng hệ thống xe lạnh vận chuyển chuyên nghiệp, hiện đại. Toàn bộ vaccine được bảo quản trong nhiệt độ từ 2-8 độ C, đảm bảo hiệu quả phòng bệnh và an toàn cho người sử dụng.

Anh Ngọc

Trả lời