Các loại thuốc bị cấm dùng trong thi đấu thể thao Leave a comment

Các chất gây nghiện, chất kích thích, thuốc lợi tiểu, thuốc nội tiết tố có thể giúp vận động viên gian lận thành tích, đồng thời gây ảnh hưởng đến tâm sinh lý.

Năm 2019, Liên đoàn Cử tạ Thế giới IWF công bố VĐV Việt Nam là Trịnh Văn Vinh và Nguyễn Thị Phương Thanh bị phạt 5.000 USD, cấm thi đấu đến hết tháng 2/2023 vì dương tính với chất testosterone ngoại sinh và một chất khác. Câu chuyện về doping vừa được nhắc lại trong giới thể thao, vì những nỗ lực luyện tập trong im lặng suốt 3 năm qua của võ sĩ Trịnh Văn Vinh để quay trở lại với đấu trường SEA Games 32 vào năm tới.





Lực sĩ Trịnh Văn Vinh tại ASIAD 18. Ảnh: Lâm Thỏa

Lực sĩ Trịnh Văn Vinh tại ASIAD 18. Ảnh: Lâm Thỏa

Theo Ủy ban Olympic Quốc tế IOC, doping là việc sử dụng các chất và phương pháp làm tăng thành tích thể thao một cách giả tạo. Điều này làm tổn hại tới tinh thần thể thao chân chính, ảnh hưởng đến sự lành mạnh về thể chất, tâm lý của vận động viên.

Dưới đây là những loại thuốc các vận động viên bị cấm sử dụng trong thi đấu:

Thuốc kích thích

Các loại thuốc kích thích bị cấm vì nhiều lý do. Ngoài việc tăng thêm sự cảnh giác và tăng tính chiến đấu, thuốc còn làm tăng tính thù địch, cảm giác gây hấn. Thuốc gây ra các rối loạn về sinh lý và tâm lý. Điều này sẽ làm vận động viên suy giảm khả năng phán đoán, dễ dẫn đến chấn thương.

Về sinh lý, thuốc làm tăng nhịp tim, tăng huyết áp và làm mất nước. Vận động viên phải đối mặt với các nguy cơ như chảy máu não, tim loạn nhịp, ngưng tim, thậm chí là tử vong. Các chất kích thích bị cấm là ephedrin, pseudoephedin, phenylpropanolamin, loại beta 2 agonist, loại kích beta 2)…

Các chất gây nghiện

Các chất gây nghiện thường tạo ra những khoái cảm giả tạo, khiến vận động viên không biết được tình trạng nguy hiểm xảy đến với mình. Thuốc làm tăng khả năng chịu đau cho vận động viên, khiến chấn thương càng thêm nặng vì không cảm nhận được cơn đau. Loại thuốc phổ biến là morphin. Ngoài giảm đau một cách giả tạo, morphin còn có thể gây suy hô hấp.

Các loại thuốc nội tiết tố nam

Những loại thuốc nội tiết tố nam cũng nằm trong danh sách thuốc cấm dùng khi thi đấu. Thuốc gây nguy hiểm đến chức năng của cơ thể, có thể gây tai biến. Các loại thuốc nội tiết tố nam vận động viên bị cấm dùng như bolasteron, boldenon, clostebol, dehydrochlormethyl-testosteron, fluoxymesteron… Ngoài ra, một số loại thuốc nội tiết tố khác cũng bị cấm như nội tiết tố nhau thai (chorionic gonadotrophin) và nội tiết tố tăng trưởng (growth hormone).





Sử dụng doping gây tổn hại đến tinh thần thi đấu chân chính. Ảnh: Shutterstock

Sử dụng doping gây tổn hại đến tinh thần thi đấu chân chính. Ảnh: Shutterstock

Các chất chẹn beta

Thuốc này thường được dùng để hạ huyết áp, làm giảm loạn nhịp tim. Tuy nhiên, các chất chẹn beta thường bị cấm khi thi đấu vì có thể làm giảm lượng máu cấp tới các cơ tới các cơ và làm đọng lại các biến dưỡng không tốt.

Thuốc lợi tiểu

Sử dụng thuốc lợi tiểu để giảm bớt sức nặng cơ thể hoặc thải nhanh nồng độ thuốc qua nước tiểu với mục đích giảm nguy cơ phát hiện đều bị cấm khi thi đấu. Ngoài ra, sự giảm sút cân nặng một cách giả tạo có thể dẫn đến nhiều trường hợp nguy hiểm tới tính mạng. Thuốc lợi tiểu bị cấm gồm acetazolamid, amilorid, bendroflumethiazid, benzthiazid, bumetanid, canrenon…

Các phương thức bị cấm khi thi đấu

Ngoài cấm các loại thuốc trên, Ủy ban Olympic Quốc tế còn cấm những phương thức sử dụng doping như truyền máu. Vận động viên sẽ sử dụng máu của mình để truyền lại cho mình trước khi thi đấu. Phương pháp này có tính không tự nhiên, đi ngược lại nghiệp vụ của y khoa và thể thao. Một số phương pháp khác cũng bị cấm khi thi đấu như sử dụng các thuốc hóa học hoặc dùng những phương pháp vật lý với mục đích thay đổi nồng độ thuốc trong nước tiểu, chẳng hạn như cấm thông tiểu, cấm sử dụng những loại chất để trung hòa nước tiểu hoặc các chất ngưng không cho đi tiểu nhiều (probenecid).

Với thuốc nội tiết tố nam, các loại thuốc kích thích như morphetamin, cocain, cafein; các loại thuốc lợi tiểu; các loại thuốc chẹn beta; các loại thuốc gây nghiện nếu phạm tội lần đầu có thể bị cấm thi đấu 2 năm. Trường hợp phạm tội lần hai có thể bị cấm thi đấu suốt đời.

Những loại thuốc ephedrin, codein và các loại thuốc giảm đau nếu vi phạm lần đầu sẽ bị cấm thi đấu tối đa 3 tháng. Trường hợp phạm lần hai bị cấm 2 năm, phạm lần 3 bị cấm thi đấu vĩnh viễn.





Vận động viên khi dùng thuốc cần cẩn thận để tránh vi phạm tinh thần thể thao. Ảnh: Shutterstock

Vận động viên khi dùng thuốc cần cẩn thận để tránh vi phạm tinh thần thể thao. Ảnh: Shutterstock

Việc sử dụng thuốc trong thi đấu còn tồn đọng nhiều vấn đề đang nghiên cứu và bàn cãi. Khi sử dụng bất kỳ loại thuốc nào, vận động viên cần cẩn trọng để tránh các điều vi phạm khi thi đấu. Một số loại thuốc không tồn tại trong cơ thể lâu dài, được tiết ra rất nhanh. Tuy nhiên, một số loại thuốc lại ở khá lâu trong cơ thể. Vì thế, các huấn luyện viên và bác sĩ cần đưa vận động viên đi xét nghiệm kỹ lưỡng trước khi thi đấu. Điều này sẽ giúp tránh trường hợp vi phạm có thể ảnh hưởng tới thành tích thi đấu của cả đoàn.

Trúc Anh

Trả lời