Các phương pháp dùng nước trị liệu phục hồi chấn thương Leave a comment

Nước có khả năng hỗ trợ điều trị chấn thương, rèn luyện cơ thể… giúp người chơi thể thao nhanh chóng phục hồi chức năng.

BS.CKI Đỗ Thị Hồng Ánh, Khoa Phục hồi Chức năng – Trung tâm Chấn thương Chỉnh hình, Hệ thống BVĐK Tâm Anh, cho biết phục hồi chức năng là một quá trình bắt buộc trong điều trị chấn thương, đặc biệt là đối với người chơi thể thao. Việc phục hồi chức năng giúp người bệnh khôi phục phong độ trong thời gian nhanh nhất có thể, giảm nguy cơ gặp phải di chứng mạn tính do những chấn thương cũ.





Thủy trị liệu có tác dụng phục hồi chức năng, hỗ trợ điều trị chấn thương hiệu quả. Ảnh: Shutterstock

Thủy trị liệu có tác dụng phục hồi chức năng, hỗ trợ điều trị chấn thương hiệu quả. Ảnh: Shutterstock

Một trong những phương pháp vật lý phục hồi chức năng thường dùng là thủy trị liệu, nghĩa là dùng nước để hỗ trợ điều trị chấn thương. Với khả năng giữ nhiệt và năng lượng tốt, nước là môi trường lý tưởng khi cần làm nóng hoặc làm lạnh một mô hoặc một vùng cơ thể. Đây chính là lý do các cầu thủ hoặc vận động viên hay ngập mình trong bể nước đá, hoặc ngâm mình trong bể bơi nguyên một ngày …

Theo bác sĩ Hồng Ánh, thủy trị liệu bao gồm:

Tắm vòi sen bằng nước ấm, có nhiệt độ 37 – 38 độ C trong 5 phút sau khi tập luyện có tác dụng làm sạch da và an thần. Nếu tập luyện vào buổi tối thì sau tập 20 – 30 phút và trước khi đi ngủ có thể tắm 15 – 20 phút. Tắm vào lúc này giúp giảm hưng phấn và hỗ trợ trao đổi chất tốt hơn.

Tắm tương phản là phương pháp lợi dụng sự thay đổi nhiệt độ của nước trong khi tắm nhằm mang lại những lợi ích cho sức khỏe. Cụ thể, ở phương pháp này, người bị chấn thương nên tắm luân phiên giữa nước nóng và nước lạnh sau mỗi 2 – 3 phút. Cách tắm này phải thực hiện dần dần tránh làm đột ngột gây cảm lạnh. Tắm tương phản nóng lạnh có tác dụng điều hòa hệ thần kinh, giúp cho việc lưu thông máu giữa các bộ phận và các mô trong cơ thể tốt hơn, đẩy nhanh quá trình trao đổi chất, nâng cao sức đề kháng,… Bác sĩ Hồng Ánh lưu ý, tắm tương phản không nên áp dụng cho người có bệnh huyết áp, xuất huyết não và các bệnh về tim mạch.

Xông hơi là phương pháp phổ biến giúp phục hồi khả năng vận động của người chơi thể thao. Có hai hình thức xông hơi là xông hơi khô và ướt. Bất kể lựa chọn loại nào đều cần tuân thủ nguyên tắc sau: vào những ngày có tập luyện, nên xông hơi 5 – 7 phút, không ra ngoài quá 3 lần. Những ngày nghỉ tập, xông 10 – 15 phút, ra ngoài 4 – 5 lần, giữa hai lần xông hơi cần nghỉ 5 – 7 phút.

Xông hơi ướt có nhiệt độ thấp hơn, vào khoảng 40 – 60 độ C, trong khi độ ẩm rất cao, lên đến 70 – 100%. Nhiệt độ và độ ẩm của xông hơi ướt giúp cải thiện tuần hoàn, đặc biệt là ở các chi. Ngoài ra, xông hơi ướt còn tăng cường sức khỏe tim mạch, giảm huyết áp và thúc đẩy chữa lành vết thương. Dưới tác động của nhiệt ẩm, tình trạng đau cơ khởi phát muộn với cảm giác đau, yếu, mệt mỏi cũng được giảm bớt nhanh chóng. Nếu xông hơi nước trước khi vận động sẽ giúp khớp linh hoạt, thư giãn, giảm chấn thương khi tập luyện.

Xông hơi khô có nhiệt độ cao lên đến 70 – 100 độ C, độ ẩm thấp, khoảng 5 – 15%. Nhiệt độ cao của phòng xông hơi giúp giảm đau cơ sau tập luyện và cải thiện phục hồi chức năng, kích thích tăng cường hệ miễn dịch cải thiện tuần hoàn máu, đào thải độc tố.

Ngâm nước nóng làm tăng tuần hoàn ngoại biên, tăng nhịp tim, tăng thân nhiệt, tăng thải mồ hôi, giảm đau, giảm co thắt cơ. Mỗi đợt điều trị kéo dài 20 – 30 phút, người bị chấn thương sẽ được nằm trong bồn có mực nước dâng đến cổ, nhiệt độ đạt 37 độ C. Trong quá trình ngâm, có thể kết hợp với xoa bóp và tập vận động trong nước. Kỹ thuật này thường được chỉ định cho người mắc các vấn đề về sức khỏe như viêm khớp, tăng huyết áp, co thắt cơ quan tiêu hóa và tiết niệu, viêm dây thần kinh, chấn thương. Chống chỉ định với người bệnh nặng, xơ cứng động mạch, basedow, động kinh, rối loạn cảm giác nóng lạnh…





Ngâm nước lạnh có tác thư giãn cơ bắp, giảm đau tạm thời. Ảnh: Shutterstock

Ngâm nước lạnh có tác thư giãn cơ bắp, giảm đau tạm thời. Ảnh: Shutterstock

Ngâm nước lạnh được chỉ định nhằm kích thích trao đổi chất, làm chậm nhịp tim, thư giãn. Khi bắt đầu ngâm, các mạch nông sẽ giãn ra, gây đỏ da, tạo cảm giác dễ chịu; khi ngâm lâu, da chuyển dần sang màu xanh và xanh tái, khi ra khỏi nước da hồng trở lại. Với kỹ thuật này, đầu tiên, người bị chấn thương sẽ được làm ấm, sau đó ngâm mình trong nước lạnh ở nhiệt độ 10 – 26,7 độ C. Tùy theo sức chịu đựng mà có thể ngâm từ 4 giây đến 3 phút. Trong quá trình ngâm có thể kết hợp với chà xát để trợ giúp. Sau ngâm phải lau khô và chà xát mạnh bằng khăn bông. Một số trường hợp không tiện ngâm toàn bộ cơ thể thì có thể ngâm từng phần, chấn thương khu vực nào thì ngâm nước lạnh khu vực đó.

Bác sĩ Hồng Ánh lưu ý, các phương pháp thủy trị liệu có tác dụng giảm đau hiệu quả, tuy nhiên, không đau không có nghĩa là chấn thương đã lành. Do đó, người chơi thể thao vẫn cần tuân thủ chỉ định của bác sĩ, không nên tự ý ngưng điều trị.

Phi Hồng

Trả lời