Các triệu chứng nhận biết khí phế thũng Leave a comment

Thở khò khè, khó thở, ho có đờm và sụt cân là những dấu hiệu nhận biết chứng khí phế thũng.

Khí phế thũng là một dạng bệnh được tiến triển từ bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD). Khi được chẩn đoán mắc bệnh khí phế thũng, người bệnh sẽ chịu những tổn thương xảy ra ở các ống thở và túi khí. Nếu không chẩn đoán, chữa trị sớm, khí phế thũng sẽ khiến bệnh nhân dễ mắc phải nhiễm trùng về đường hô hấp, suy hô hấp, tăng huyết áp động mạch phổi và các bệnh lý về tim mạch như đau tim, suy tim. Dưới đây là những dấu hiệu nhận biết tình trạng khí phế thũng.

Thở khò khè

Tình trạng thở khò khè thường xảy ra khi cơ thể thở bằng miệng hoặc mũi. Theo các nhà khoa học, đây một triệu chứng phổ biến của bệnh khí thũng. Âm thanh khò khè này là do đường thở đang bị viêm và co thắt, dẫn đến thu hẹp và khiến không khí khó lưu thông qua phổi.

Khó thở

Khó thở cũng là triệu chứng đặc trưng của bệnh khí phế thũng. Khi mới xuất hiện, nó thường chỉ xảy ra khi gắng sức. Khi bệnh tiến triển lâu, khó thở sẽ gây nghiêm trọng đến tính mạng. Những người bị khí phế thũng thường cho biết họ cảm thấy đường thở đang thở hổn hển và có dạng thở gấp khi nghỉ ngơi; hiện tượng này có thể được mô tả là “đói không khí”.





Bệnh khí phế thũng gây ra tình trạng khó thở do các túi phổi bị tổn thương lâu ngày. Ảnh: Freepik

Bệnh khí phế thũng gây ra tình trạng khó thở do các túi phổi bị tổn thương lâu ngày. Ảnh: Freepik

Ho dai dẳng

Ho mạn tính là tình trạng ho kéo dài, dai dẳng, không khỏi dù đã được điều trị. Trong bệnh khí phế thũng, những cơn ho của người bệnh thường có kèm theo đờm. Về lâu dài, bệnh cũng có thể tiến triển thêm thành viêm phế quản hoặc viêm phổi.

Sụt cân

Khi mắc chứng khí phế thũng, người bệnh sẽ thường xuyên gặp phải tình trạng khó thở; kể cả trong lúc nghỉ ngơi hoặc ăn uống. Nếu không sớm điều trị, tình trạng khó ăn có thể dẫn đến suy dinh dưỡng nguy hiểm đến tính mạng. Ngoài khí phế thũng, cảm giác sụt cân nhanh và biếng ăn cũng là nguy cơ của bệnh ung thư phổi hoặc lao phổi.

Khó ngủ

Nhiều triệu chứng của khí phế thũng như ho mãn tính và thở khò khè có thể khiến người bệnh ngủ không ngon giấc. Điều này gây nên khó khăn đối với những người bị bệnh hô hấp mạn tính. Theo các chuyên gia y tế, nghỉ ngơi đầy đủ là điều cần thiết để cung cấp năng lượng cần thiết để thở hiệu quả và vượt qua các hoạt động sống hàng ngày. Thông thường, liệu pháp oxy vào ban đêm là cần thiết cho những người bị khí phế thũng không thể ngủ ngon.

Nguyên nhân gây ra bệnh khí phế thũng

Theo các nhà khoa học, hút thuốc lá là nguyên nhân phổ biến nhất của khí phế thũng và chiếm từ 85 – 90% các trường hợp. Ngoài yếu tố này, cơ thể người sẽ mắc khí phế thũng nếu thường xuyên hít phải các các chất gây ô nhiễm khác như: khói bụi, ô nhiễm không khí, khói hóa chất, khói củi, hoặc các khí và hơi khác. Trong một số trường hợp, những người hút thuốc lá cũng có nhiều khả năng bị khí phế thũng nếu có người thân từng mắc COPD hoặc do di truyền.

Hướng điều trị khí phế thũng

Khí phế thũng không thể chữa khỏi. Tuy nhiên, việc điều trị có thể giúp kiểm soát các triệu chứng, làm chậm sự tiến triển của tình trạng bệnh. Dưới đây là những lời khuyên của các chuyên gia y tế:

Thay đổi lối sống: Bước đầu tiên và quan trọng nhất trong điều trị khí phế thũng là bỏ thuốc lá. Ngoài ra, người bệnh cũng cần tham gia vào các hoạt động thể chất thường xuyên để ngăn ngừa chứng teo cơ và làm chậm sự tiến triển của bệnh. Các bài tập tốt nhất cho người bệnh bao gồm sự kết hợp của rèn luyện sức bền, tính linh hoạt và sức mạnh.

Kiên trì dùng thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ: Có nhiều loại thuốc giúp kiểm soát các triệu chứng của khí phế thũng và làm chậm sự tiến triển của bệnh như thuốc giãn phế quản corticosteroid dạng hít và thuốc kháng sinh cho bệnh nhiễm trùng. Một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Thorax cho thấy những bệnh nhân tuân thủ phác đồ điều trị có sử dụng corticosteroid dạng hít ít bị bùng phát hơn theo thời gian.

Chia nhỏ bữa ăn: Người bệnh khí phế thũng xây dựng chế độ ăn có nhiều chất xơ và cần chia nhỏ bữa ăn trong ngày. Ăn bốn đến sáu bữa nhỏ sẽ tốt hơn ba bữa lớn. Bởi dạ dày ít no sẽ giúp việc thở dễ dàng hơn. Ngoài ra, người bệnh không nên nằm ngay sau khi ăn để tránh làm ảnh hưởng hoạt động tiêu hóa của dạ dày.

Bên cạnh các cách trên, người bệnh có thể được chỉ định thực hiện các liệu pháp oxy, phục hồi chức năng phổi hoặc phẫu thuật.

Huyền My (Theo Verywell Mind, Everyday Health, Verywell Health)

Trả lời

1.4248