Cách ăn chôm chôm cho người bệnh đái tháo đường Leave a comment

Chôm chôm có chỉ số đường huyết trung bình, người bệnh có thể ăn tối đa 6 trái mỗi ngày và nên chọn loại vừa chín tới.

BS.CKI Phan Thị Thùy Dung, khoa Nội tiết – Đái tháo đường, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM cho biết, mỗi ngày người bệnh đái tháo đường có thể ăn một khẩu phần trái cây chứa không quá 15 gram đường. Chôm chôm có chỉ số đường huyết (GI) ở mức trung bình 59. Nếu người bệnh ăn quá nhiều so với khuyến nghị 6 trái một ngày thì lượng đường trong chôm chôm có thể làm tăng đường huyết. Người bệnh chỉ chọn những trái vừa chín tới, hạn chế sẫm màu vì lượng đường sẽ cao hơn. Ăn trái quá chín có thể khiến đường lên men, làm tăng huyết áp.

Trong 100 gam ruột trái chôm chôm có chứa năng lượng khoảng 73,1 calo, 0,6 gam chất đạm, 0,1 gam chất béo, 16,8 gam carbohydrate, 8,6 mg canxi, 0,5 mg kẽm, 0,3 mg sắt, 7,3 mcg folate, 21,3 mg magiê, 0,08 mg, 0,4 cmg vitamin A, 65 mg vitamin C…

Nhờ thành phần dinh dưỡng đa dạng và hợp lý nên chôm chôm có thể giảm cân, có lợi cho da, cải thiện tiêu hóa và kháng bệnh. Vitamin C, polyphenol và mangan có trong trái cây này giúp kích thích sản xuất collagen, góp phần tái tạo làn da, hỗ trợ bảo vệ da khỏi các gốc tự do và các chất ô nhiễm từ môi trường. Điều này rất quan trọng cho người bệnh đái tháo đường, bởi đây là đối tượng dễ bị tổn thương da.

Chôm chôm giúp giảm cân về lâu dài vì hàm lượng calo thấp và lượng chất xơ hợp lý. Nhờ đó, người bệnh có thể cân đối được trọng lượng cơ thể, ngăn biến chứng nặng do béo phì trên nền bệnh đái tháo đường.





Chôm chôm là trái cây nhiệt đới, có chỉ số đường huyết ở mức trung bình. Ảnh: Shutterstock

Chôm chôm là trái cây nhiệt đới, có chỉ số đường huyết ở mức trung bình. Ảnh: Shutterstock

Trong 100 gam thịt chôm chôm có 1,3-2 gam chất xơ tương tự như hàm lượng chất xơ có trong táo, lê, cam. Chất xơ này có thể hòa tan trong nước và tạo ra một chất giống như gel trong dạ dày. Nó sẽ làm chậm quá trình tiêu hóa và hấp thụ chất dinh dưỡng, giúp giảm cảm giác thèm ăn và tăng cảm giác no. Loại trái này cũng chứa rất nhiều nước và giữ cho bạn đủ nước.

Chôm chôm còn là nguồn cung cấp vitamin C tạo điều kiện cho cơ thể hấp thụ sắt từ thực phẩm dễ dàng hơn. Chỉ cần 5-6 trái chôm chôm có thể đáp ứng 50% nhu cầu vitamin C một ngày. Phốt pho có trong chôm chôm hỗ trợ loại bỏ chất thải từ thận, giúp thận giảm tải công việc.

Theo bác sĩ Thùy Dung, chôm chôm là món quà sức khỏe không chỉ với người bệnh đái tháo đường mà người bình thường. Chôm chôm giúp giảm nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường vì nó chứa ít đường hơn nhiều loại trái cây khác như chà là, dưa hấu… với chỉ số GI trên 70. Nghiên cứu chứng minh tăng cường tiêu thụ loại trái cây này sẽ cải thiện sức khỏe của xương, ít hình thành sỏi thận và cải thiện sức khỏe tim mạch.

Người bệnh đái tháo đường không nên ăn kiêng quá mức gây thiếu chất dinh dưỡng, làm mất sức, ảnh hưởng nghiêm trọng đến các cơ quan trong cơ thể. Ăn kiêng quá mức cũng trở thành chướng ngại tâm lý, khiến người bệnh cảm thấy áp lực hơn. Người bệnh nên chọn thực phẩm lành mạnh, kiểm tra đường huyết thường xuyên để kiểm soát tốt lượng đường trong máu, điều chỉnh chế độ ăn hợp lý hơn.

Đinh Tiên

Trả lời